Vùng lưng được tạo thành bởi phần sau của thân cơ thể và giúp cung cấp một trục cơ-xương để nâng đỡ thân cơ thể. Các thành phần xương của vùng lưng bao gồm chủ yếu là các xương đốt sống mặc dù phần gần của các xương sườn, phần trên của các xương chậu và các phần sau nền sọ cũng đóng góp vào hệ thống xương của vùng lưng (Hình 1).
Các cơ liên quan giúp kết nối các xương đốt sống và các xương sườn với nhau và với xương chậu và xương sọ. Vùng lưng chứa tủy sống và các phần gần của các dây thần kinh gai sống (thành phần giúp nhận thông tin từ và gửi thông tin đến hầu hết các phần của cơ thể).
Chức Năng
1. Nâng đỡ
Các thành phần cơ và xương của lưng giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể, truyền các lực qua khung chậu đến chi dưới, nâng đỡ và định vị vùng đầu, và nối và giúp chi trên thực hiện các thao tác. Cột sống thì nằm ở phía sau trong phần thân cơ thể ở trên đường giữa. Khi nhìn từ bên sang chúng có một số vị trí cong (Hình 2):
+ Đường cong nguyên phát của cột sống là đường lõm ra trước, cho thấy hình dạng ban đầu của phôi thai và đường cong này được giữ nguyên ở đoạn cột sống ngực, đoạn cột sống cùng ở người trưởng thành.
+ Đường cong thứ phát lõm ra sau ở đoạn cột sống cổ và thắt lưng, giúp mang trọng tâm của trọng lực vào đường thẳng đứng dọc, cho phép trọng lượng cơ thể cân bằng trên cột sống theo một cách mà tiêu tốn ít năng lượng cho cơ nhất để duy trì tư thế đứng thẳng bằng hai chân.
Bởi vì áp lực trên lưng tăng từ vùng cổ đến vùng thắt lưng cho nên các vấn đề bệnh lý ở thắt lưng dưới sẽ thường gặp phải.
2. Vận động
Các cơ ở vùng lưng bao gồm các nhóm cơ ngoại lai và cơ nội tại:
+ Các cơ ngoại lai của vùng lưng giúp di chuyển chi trên và các xương sườn.
+ Các cơ nội tại của vùng lưng giúp duy trì tư thế và vận động cột sống: những vận động này bao gồm gập, duỗi, nghiêng ngoài (nghiêng sang hai bên) và xoay (Hình 3).
Mặc dù số lượng vận động giữa bất kì hai xương đốt sống nào cũng bị giới hạn, nhưng những vận động nhỏ này trên suốt chiều dài đốt sống được cộng dần lại tạo ra những vận động có biên độ lớn. Ngoài ra, mức độ tự do của vận động bị giới hạn ở vùng ngực nhiều hơn so với vùng thắt lưng của cột sống. Các cơ nằm ở vùng phía trước hơn sẽ có tác dụng gập cột sống.
Ở vùng cổ, hai xương đốt sống đầu tiên và các cơ liên quan được chuyên biệt hóa để nâng đỡ và định vị đầu. Đầu gập và ngửa (trong động tác gật đầu) trên đốt sống cổ I và xoay đầu xảy ra khi đốt sống cổ I di chuyển trên đốt sống cổ II (Hình 3).
3. Bảo vệ hệ thống thần kinh
Cột sống và các mô mềm liên quan của vùng lưng chứa tủy sống và các phần gần của các dây thần kinh gai sống (Hình 4). Các phần xa hơn của các dây thần kinh gai sống đi đến những vùng khác của cơ thể bao gồm cả một số vùng nhất định ở đầu.
Các thành phần cấu tạo
1. Xương
Các xương chính của vùng lưng là 33 xương đốt sống (Hình 5). Số lượng và đặc điểm của các xương đốt sống thay đổi phụ thuộc vào vùng cơ thể chúng liên quan. Có 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 3 đến 4 đốt sống cụt. Các đốt sống cùng dính vào nhau thành một xương đơn. Các đốt sống cụt là cấu cấu trúc xương thô sơ, thay đổi số lượng từ 3 đến 4, dính vào với nhau thành một xương cụt.
Xương đốt sống điển hình:
Một đốt sống điển hình bao gồm một thân đốt sống và một cung đốt sống (Hình 6).
Thân đốt sống ở phía trước và là phần mang trọng lượng chủ yếu của đốt sống. Chúng tăng kích thước từ đốt sống cổ CII đến đốt sống thắt lưng LV. Đĩa gian đốt sống (sụn sợi) giúp phân chia các thân sống kế cận.
Cung đốt sống dính chắc chắn vào phía sau thân đốt sống bởi 2 cuống đốt sống, hình thành nên hai trụ bên của cung đốt sống. Trần của cung đốt sống được hình thành bởi hai mảnh trái và phải, dính với nhau ở đường giữa.
Cung đốt sống của các xương đốt sống giúp hình thành nên thành bên và thành sau của ống sống, mở ra từ đốt sống cổ CI đến đốt sống cùng SV. Ống này chứa tủy sống và các màng bảo vệ của tủy sống, cùng với các mạch máu, mô liên kết, mỡ và phần gần của các dây thần kinh gai sống.
Cung đốt sống của một đốt sống điển hình có một số mỏm lồi, đóng vai trò là:
+ Chỗ bám cho cơ và dây chằng
+ Đòn bẩy cho hoạt động của cơ
+ Vị trí khớp với các đốt sống lân cận
Một mỏm gai lồi ra ra phía sau và xuống dưới từ trần của cung đốt sống.
Ở mỗi bên của cung đốt sống, một mỏm ngang lồi ra bên ngoài từ vị trí nối giữa cuống và mảnh. Cũng từ vị trí này, một mỏm khớp trên và một mỏm khớp dưới tiếp khớp với những mỏm khớp tương tự trên các đốt sống lân cận.
Mỗi xương đốt sống cũng chứa các thành phần sườn. Ở ngực, những thành phần sườn này lớn và hình thành nên các xương sườn, tiếp khớp với thân đốt sống và mỏm ngang. Ở tất cả những vùng khác, những phần sườn này nhỏ và hợp nhất với mỏm ngang. Đôi khi, chúng cũng phát triển thành xương sườn ở những vùng khác vùng ngực, thường là vùng cổ dưới và vùng thắt lưng trên.
2. Cơ
Các cơ ở vùng lưng có thể được phân thành cơ nội tại hoặc cơ ngoại lai dựa trên nguồn gốc phôi thai của chúng và loại chi phối thần kinh cho chúng (Hình 7).
Các cơ ngoại lai liên quan đến các vận động của chi trên và thành ngực, nhìn chung được chi phối bởi các nhánh trước của các dây thần kinh gai sống. Nhóm nông của những cơ này liên quan đến chi trên, trong khi nhóm trung gian liên quan đến thành ngực.
Tất cả các cơ nội tại của vùng lưng nằm ở vị trí sâu và được chi phối bởi các nhánh sau của các dây thần kinh gai sống. Chúng giúp nâng đỡ và vận động cột sống và tham gia vào vận động vùng đầu. Một nhóm cơ nội tại cũng giúp vận động các xương sườn so với cột sống.
3. Ống sống
Tủy sống nằm bên trong ống xương hình thành bởi các xương đốt sống lân cận và các thành phần mô mềm (ống sống) (Hình 8):
– Thành trước được hình thành bởi các thân đốt sống, đĩa gian đốt sống và các dây chằng liên quan.
– Thành bên và trần được hình thành bởi các cung đốt sống và các dây chằng.
Bên trong ống sống, tủy sống bao quanh bởi một loạt 3 màng mô liên kết (các màng tủy):
– Màng mềm là thành phần trong cùng nhất và liên quan mật thiết với bề mặt của tủy sống.
– Màng thứ hai là màng nhện, được tách khỏi màng mềm bởi khoang dưới nhện chứa dịch não tủy.
– Thành phần dày nhất và nằm ngoài nhất là màng cứng, nằm ngay bên ngoài nhưng không dính vào màng nhện.
Trong ống sống, màng cứng được tách biệt với thành phần xương xung quanh bởi một khoang ngoài màng cứng chứa mô liên kết lỏng lẻo, chất béo và một đám rối tĩnh mạch.
4. Các dây thần kinh gai sống
31 cặp dây thần kinh gai sống phân bố theo từng đoạn và đi ra qua lỗ gian đốt sống giữa các cuống của hai xương đốt sống kế cận. Có 8 cặp dây thần kinh gai sống cổ (C1 đến C8), 12 ở ngực (T1 đến T12), 5 ở thắt lưng (L1-L5), 5 ở cùng (S1-S5) và một ở cụt (Co). Mỗi dây thần kinh bám vào tủy sống nhờ một rễ sau và một rễ trước (Hình 9).
Sau khi đi ra khỏi ống sống, mỗi dây thần kinh gai sống sẽ chia nhánh:
– một nhánh sau – nhìn chung là nhỏ, chi phối cho vùng lưng.
– một nhánh trước – nhánh trước lớn hơn nhiều chi phối hầu hết các phần cơ thể khác trừ phần đầu, phần đầu được chi phối chủ yếu bởi (nhưng không phải là hoàn toàn) các dây thần kinh sọ não.
Nhánh trước hình thành nên các đám rối thần kinh soma chính (cổ, cánh tay, thắt lưng và cùng) của cơ thể. Các thành phần tạng chính của hệ thống thần kinh ngoại vi (thân giao cảm và đám rối trước sống) của cơ thể cũng liên quan đến chủ yếu với nhánh trước của dây thần kinh gai sống.
Liên quan của vùng lưng với các vùng khác
1. Đầu
Các phần cổ của vùng lưng cấu thành nên hệ thống xương và nhiều hệ thống cơ ở cổ, chúng đóng vai trò trong việc nâng đỡ và vận động vùng đầu (Hình 10).
Não và các màng não liên tục với tủy sống và các màng tủy ở lỗ lớn của xương sọ. Cặp động mạch đốt sống đi lên ở mỗi bên qua lỗ trên mỏm ngang của các xương đốt sống cổ và sau đó qua lỗ lớn để cùng với động mạch cảnh trong thực hiện cấp máu cho não.
2. Ngực, bụng và chậu
Các vùng khác nhau của cột sống tham gia đóng góp vào hệ thống xương của ngực, bụng và chậu (Hình 10). Ngoài việc giúp nâng đỡ cho mỗi phần này của cơ thể, các xương đốt sống cũng cung cấp các vị trí bám cho các cơ và mạc và các vị trí khớp cho các xương khác. Nhánh trước của các dây thần kinh gai sống liên quan đến ngực, bụng và chậu sẽ đi đến những vùng này từ vùng lưng.
3. Các chi
Các xương của vùng lưng cung cấp các vị trí bám phong phú cho các cơ liên quan đến việc nối và di động của chi trên so với thân cơ thể. Điều này thì ít đúng đối với chi dưới, phần mà bám chắc vào cột sống qua thông qua khớp của xương chậu với xương cùng. Chi trên và chi dưới lần lượt được chi phối bởi các nhánh trước của các dây thần kinh gai sống xuất phát từ mức cổ và thắt lưng-cùng của cột sống.
Các đặc điểm quan trọng của vùng lưng
1. Cột sống dài và tủy sống ngắn
Trong suốt quá trình phát triển, cột sống phát triển nhanh hơn nhiều so với tủy sống. Kết quả là tủy sống không chiếm hết chiều dài của ống sống (Hình 11).
Ở người trưởng thành, tủy sống thường kết thúc ở khoảng giữa đốt sống thắt lưng LI và LII, mặc dù nó có thể kết thúc ở vị trí cao hơn như ở mức đốt sống ngực TXII hoặc ở vị trí thấp hơn như ngang mức đĩa gian đốt sống thắt lưng LII và LIII.
Các dây thần kinh gai sống xuất phát từ tủy sống bằng một góc nhọn dần từ CI đến Co và các rễ dây thần kinh cũng đi trong ống sống một chặng đường dài dần. Vì thế, mức tủy sống ban đầu của các dây thần kinh gai sống ngày càng xa mức mà dây thần kinh gai sống đó đi ra khỏi cột sống. Điều này cực kì rõ ràng đối với các dây thần kinh gai sống thắt lưng và cùng.
2. Lỗ gian đốt sống và các dây thần kinh gai sống
Mỗi dây thần kinh gai sống thoát ra khỏi ống sống ở mỗi bên qua một lỗ gian đốt sống (Hình 12). Lỗ gian đốt sống được hình thành giữa 2 cung đốt sống của các xương đốt sống kế cận và có liên quan gần với khớp gian đốt sống:
– Bờ trên và bờ dưới được hình thành nhờ khuyết của cuống các xương đốt sống kế cận.
– Bờ sau được hình thành bởi mỏm khớp của các cung đốt sống và khớp liên quan.
– Bờ trước được hình thành bởi đĩa gian đốt sống giữa thân đốt sống của các xương đốt sống kế cận.
Bất kì bệnh lí nào chèn vào hay làm giảm kích thước lỗ gian đốt sống, như mất xương, thoát vị đĩa gian đốt sống hay thoát vị khớp liên mấu (khớp giữa hai mỏm khớp đốt sống) đều có thể ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh gai sống liên quan.
3. Chi phối thần kinh của vùng lưng
Nhánh sau của các dây thần kinh gai sống chi phối các cơ nội tại vùng lưng và vùng da lân cận. Phân bố trên da của những nhánh sau này mở rộng đến vùng mông của chi dưới và phía sau đầu. Các phần của các đốt bì được chi phối bởi các nhánh sau của các dây thần kinh gai sống được thể hiện trong Hình 13.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!