Mô tả chung
Vùng bụng là một khoang gần như có hình trụ mở từ bờ dưới của lồng ngực đến bờ trên của vùng chậu và chi dưới (Hình 1A).
Lỗ ngực dưới (inferior thoracic aperture) hình thành nên lỗ trên của bụng và được đóng bởi cơ hoành, thành bụng sâu thì liên tục với thành chậu ở eo trên (pelvic inlet). Ở nông, giới hạn dưới của thành bụng là bờ trên của chi dưới.
Khoang bụng được giới hạn bởi thành bụng, chứa một khoang phúc mạc (peritoneal cavity) đơn lớn, là thành phần thông nối với khoang chậu một cách tự do.
Tạng bụng thì hoặc treo lơ lửng trong khoang phúc mạc bởi các mạc treo hoặc được định vị giữa khoang bụng và thành cơ xương (Hình 1B). Các tạng bụng bao gồm:
- Các thành phần chính của hệ thống tiêu hóa – đầu dưới của thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già, gan, tụy và túi mật
- Lách
- Các thành phần của hệ thống tiết niệu – các thận và các niệu quản
- Các tuyến thượng thận
- Các cấu trúc thần kinh – mạch máu chính
Chức năng
1. Chứa và bảo vệ các tạng chính
Vùng bụng chứa các thành phần chính của hệ thống tiêu hóa (Hình 2), lách và các phần của hệ thống tiết niệu.
Phần lớn gan, túi mật, dạ dày, lách và các phần của kết tràng là nằm dưới các vòm của cơ hoành, thành phần mà nhô lên phía trên bờ sườn của thành ngực và do đó, các tạng bụng này thì được bảo vệ bởi thành ngực. Các cực trên của các thận thì nằm sâu dưới các xương sườn dưới.
Các tạng không nằm dưới các vòm của cơ hoành thì sẽ được hỗ trợ và bảo vệ chủ yếu bởi các thành cơ của vùng bụng.
2. Thở
Một trong các vai trò quan trọng nhất của thành bụng là hỗ trợ quá trình thở:
- Nó giãn trong suốt quá trình hít vào để chứa sự giãn nở của khoang ngực và sự dịch chuyển xuống phía dưới của các tạng bụng trong suốt quá trình co của cơ hoành (Hình 3).
- Trong suốt quá trình thở ra, thành bụng co lại để hỗ trợ cho sự nâng lên của các vòm cơ hoành, vì thế, giảm thể tích lồng ngực.
Các chất có thể bị đẩy ra khỏi đường thở bởi sự thở ra mạnh sử dụng các cơ bụng, như trong ho hay hắt hơi.
3. Thay đổi áp suất bên trong bụng
Sự co lại của các cơ thành bụng có thể làm tăng đáng kể áp suất bên trong bụng khi cơ hoành ở một vị trí cố định (Hình 4). Không khí được giữ lại trong các phổi bởi sự đóng các van trong thanh quản ở cổ. Tăng áp suất bên trong bụng hỗ trợ trong việc đẩy các thành phần chứa trong bàng quang và trực tràng ra ngoài và cũng hỗ trợ trong quá trình sinh con.
Các thành phần của vùng bụng
1. Thành bụng
Thành bụng bao gồm một phần xương nhưng chủ yếu là cơ (Hình 5). Các thành phần xương của thành bụng (Hình 5A) là:
- 5 xương đốt sống thắt lưng và các đĩa gian đốt sống liên quan
- Các phần mở rộng lên trên của các xương chậu
- Các thành phần xương của thành ngực dưới, bao gồm bờ sườn, xương sườn XII, phần đỉnh xương sườn XI và mỏm mũi kiếm.
Các cơ hình thành nên phần còn lại của thành bụng (Hình 5B):
- Bên ngoài cột sống, cơ vuông thắt lưng, cơ thắt lưng to và cơ chậu sẽ tăng cường cho phía sau của thành bụng. Các đầu xa của cơ thắt lưng to và cơ chậu sẽ đi vào trong đùi và là các cơ gấp chính của khớp hông.
- Các thành phần ngoài của thành bụng chủ yếu được hình thành bởi 3 lớp cơ, được định hướng tương tự với các cơ gian sườn của vùng ngực – cơ ngang bụng, cơ chéo trong và cơ chéo ngoài.
- Ở phía trước, một cơ phân đoạn (cơ thẳng bụng) ở mỗi bên sẽ trải dài trên khoảng giữa thành ngực dưới và vùng chậu.
Sự liên tục về mặt cấu trúc giữa các phần sau, ngoài và trước của thành bụng được tạo ra bởi mạc dày ở phía sau và bởi các tấm gân dẹt (cân) có nguồn gốc từ các cơ của thành bụng ngoài. Một lớp mạc có độ dày thay đổi giúp phân chia thành bụng với với phúc mạc, đây là thành phần lót khoang bụng.
2. Khoang bụng
Sự tổ chức chung của khoang bụng là một khoang mà trong đó một ống ruột trung tâm (hệ thống tiêu hóa) được treo lơ lửng từ thành bụng sau và một phần từ thành bụng trước bởi các tấm mô mỏng (các mạc treo (mesenteries); Hình 6):
- Một mạc treo bụng (trước) cho các vùng gần của ống ruột.
- Một mạc treo lưng (sau) dọc theo toàn bộ chiều dài của hệ thống.
Các phần khác nhau của 2 mạc treo này được đặt trên theo các cơ quan mà chúng treo hoặc cơ quan mà chúng có liên quan.
Các tạng chính như các thận mà không được treo trong khoang bụng bởi các mạc treo thì sẽ có liên quan với thành bụng.
Khoang bụng được lót bởi phúc mạc (peritoneum), là thành phần chứa một lớp tế bào giống biểu mô đơn (trung biểu mô (mesothelium)) cùng với lớp mô liên kết nâng đỡ. Phúc mạc thì tương tự với màng phổi và ngoại tâm mạc thanh mạc trong lồng ngực.
Phúc mạc lật lên từ thành bụng để trở thành một thành phần của các mạc treo giúp treo các tạng.
- Phúc mạc thành (parietal peritoneum) lót thành bụng.
- Phúc mạc tạng (visceral peritoneum) che phủ các cơ quan.
Bình thường, các thành phần của đường tiêu hóa và các cơ quan liên quan sẽ hoàn toàn lấp đầy khoang bụng, làm cho khoang phúc mạc trở thành một khoang ảo và phúc mạc tạng trên các cơ quan và phúc mạc thành trên thành bụng lân cận sẽ trượt một cách tự do lên nhau.
Các tạng bụng thì có thể là trong phúc mạc (intraperitoneal) hay sau phúc mạc (retroperitoneal):
- Các cấu trúc trong phúc mạc như các thành phần của hệ thống tiêu hóa thì được treo lơ lửng từ thành bụng bởi các mạc treo.
- Các cấu trúc mà không được treo lơ lửng trong khoang bụng bởi mạc treo và nằm giữa phúc mạc thành và thành bụng là các các cấu trúc sau phúc mạc.
Các cấu trúc sau phúc mạc bao gồm các thận và các niệu quản, là các cấu trúc phát triển trong vùng giữa phúc mạc và thành bụng và vẫn nằm ở vị trí này ở người trưởng thành.
Trong suốt quá trình phát triển, một số cơ quan như các phần của ruột non và ruột già thì ban đầu được treo trong khoang bụng bởi một mạc treo và sau đó trở nên sau phúc mạc bởi sự dính thứ phát sau đó vào thành bụng (Hình 7).
Các mạch máu, dây thần kinh và mạch bạch huyết lớn thì liên quan với thành bụng sau dọc theo trục chính giữa cơ thể ở vùng mà trong suốt quá trình phát triển, phúc mạc lật khỏi thành để trở thành mạc treo lưng, nâng đỡ cho ống ruột đang phát triển. Kết quả, các nhánh của các cấu trúc thần kinh – mạch máu mà đi đến các phần của hệ thống tiêu hóa thì không theo cặp, chúng xuất phát từ các mặt trước của các cấu trúc gốc và đi trong các mạc treo hoặc qua sau phúc mạc để vào trong các vùng mà các mạc treo dính thứ phát vào thành.
Nhìn chung, các mạch máu, các dây thần kinh và các mạch bạch huyết đến thành bụng và đến các cơ quan có nguồn gốc từ các cấu trúc sau phúc mạc sẽ phân nhánh sang hai bên từ các cấu trúc thần kinh – mạch máu trung tâm và thường thành cặp, một nhánh mỗi bên.
3. Lỗ ngực dưới
Lỗ trên của bụng chính là lỗ ngực dưới, được đóng bởi cơ hoành. Bờ của lỗ ngực dưới bao gồm xương đốt sống TXII, xương sườn XII, đầu xa của xương sườn XI, bờ sườn và mỏm mũi kiếm của xương ức.
4. Cơ hoành
Cơ hoành có bản chất gân – cơ giúp phân chia vùng bụng với vùng ngực.
Cơ hoành bám vào bờ của lỗ ngực dưới nhưng sự bám thì sẽ phức tạp ở phía sau và mở rộng vào trong vùng thắt lưng của cột sống (Hình 8). Ở mỗi bên, một phần cơ mở rộng (trụ cơ hoành) sẽ nối chắc cơ hoành vào mặt trước ngoài của cột sống ở tận mức đốt sống LIII phía bên phải và mức đốt sống LII phía bên trái.
Bởi vì bờ sườn thì không hoàn toàn ở phía sau nên cơ hoành thì được nối với các dây chằng hình cung (các dây chằng cung), trải dài trên khoảng cách giữa các điểm xương và trên các mô mềm ở giữa:
- Dây chằng cung trong và cung ngoài (medial and lateral arcuate ligaments) băng qua các cơ của thành bụng sau và lần lượt bám vào các xương đốt sống, các mỏm ngang của xương đốt sống LI và xương sườn XII.
- Một dây chằng cung giữa (median arcuate ligament) băng qua động mạch chủ và liên tục với trụ cơ hoành ở mỗi bên.
Vị trí bám phía sau của cơ hoành thì mở rộng xuống phía dưới hơn nhiều so với vị trí bám phía trước. Kết quả, cơ hoành sẽ là một thành phần quan trọng của thành bụng sau, và một số tạng sẽ liên quan với cơ hoành.
5. Eo trên
Thành bụng thì liên tục với thành chậu ở eo trên và khoang bụng thì liên tục với khoang chậu.
Bờ hình tròn của eo trên được hình thành hoàn toàn bởi xương:
- Phía sau bởi xương cùng
- Phía trước bởi khớp vệ (khớp mu)
- Phía ngoài ở mỗi bên bởi một vành xương trên xương chậu (Hình 9).
Bởi vì cách mà xương cùng và các xương chậu nối vào nhau sẽ gập góc ra sau so với cột sống nên khoang chậu thì không được định hướng trên cùng mặt phẳng đứng dọc giống như khoang bụng. Thay vào đó, khoang chậu sẽ nhô ra sau và eo trên sẽ mở ra phía trước và hơi lên trên (Hình 10).
Liên quan đến các vùng khác
1. Vùng ngực
Vùng bụng thì được phân tách với vùng ngực bởi cơ hoành. Các cấu trúc đi giữa hai vùng qua hoặc sau cơ hoành (xem Hình 8).
2. Vùng chậu
Eo trên mở trực tiếp vào trong vùng bụng và các cấu trúc đi giữa vùng bụng và vùng chậu thì sẽ đi qua nó.
Phúc mạc lót khoang bụng thì liên tục với phúc mạc trong vùng chậu. Kết quả, khoang bụng thì hoàn toàn liên tục với khoang chậu (Hình 11). Các sự nhiễm khuẩn trong một vùng vì thế có thể lan một cách tự do vào trong vùng khác.
Bàng quan mở rộng lên phía trên từ khoang chậu vào trong khoang bụng và trong suốt quá trình mang thai, tử cung mở rộng một cách tự do lên phía trên, ra khỏi khoang chậu vào trong khoang bụng.
3. Chi dưới
Vùng bụng thông nối trực tiếp với đùi qua một lỗ được hình thành ở phía trước, giữa bờ dưới của thành bụng (được đánh dấu bởi dây chằng bẹn) và xương chậu (Hình 12). Các cấu trúc mà đi qua lỗ này là:
- Động mạch và tĩnh mạch lớn của chi dưới
- Dây thần kinh đùi, chi phối cho cơ tứ đầu đùi, thành phần cơ này mở rộng xuống gối.
- Các mạch bạch huyết
- Các đầu xa của cơ thắt lưng lớn và cơ chậu, là các cơ giúp gấp đùi ở khớp hông.
Khi các mạch máu đi xuống dưới dây chằng bẹn, các tên của chúng sẽ thay đổi – động mạch và tĩnh mạch chậu ngoài của vùng bụng sẽ trở thành động mạch và tĩnh mạch đùi của đùi.
Các đặc điểm quan trọng
1. Sự sắp xếp các tạng ổ bụng ở người trưởng thành
Một sự hiểu biết cơ bản về quá trình phát triển của đường tiêu hóa thì sẽ cần thiết để hiểu về sự sắp xếp của các tạng và các mạc treo trong khoang bụng (Hình 13).
Đường tiêu hóa ban đầu được định hướng dọc trong khoang cơ thể và được treo từ các thành xung quanh bởi một mạc treo lưng lớn và một mạc treo bụng nhỏ hơn nhiều.
Ở phía trên, các mạc treo lưng và bụng thì sẽ nối với cơ hoành.
Ống ruột nguyên thủy bao gồm ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Sự phát triển mạnh theo chiều dọc của ống ruột, sự xoay các phần nhất định của ống và sự dính thứ phát của một số tạng và các mạc treo liên quan của chúng vào thành cơ thể sẽ tham gia vào việc tạo ra sự sắp xếp của các cơ quan trong bụng ở người trưởng thành.
a. Sự phát triển của ruột trước
Trong các vùng bụng, ruột trước sẽ phát triển thành đầu xa của thực quản, dạ dày và phần gần của tá tràng. Ruột trước là phần duy nhất của ống ruột được treo từ thành bởi cả các mạc bụng và lưng.
Một túi thừa từ phía trước của ruột trước phát triển vào trong mạc treo bụng, nó sẽ tạo thành gan, túi mật, và cuối cùng là phần bụng của tụy.
Phần lưng của tụy phát triển từ phần nhô ra của ruột trước vào trong mạc treo lưng. Lách phát triển trong mạc treo lưng ở vùng giữa thành cơ thể dạ dày giả định.
Trong ruột trước, dạ dày đang phát triển xoay theo chiều kim đồng hồ và mạc treo lưng liên quan, chứa lách, sẽ di chuyển sang bên trái và mở rộng đáng kể. Trong suốt quá trình này, một phần của mạc treo trở nên liên quan và dính thứ phát với phía bên trái của thành cơ thể.
Cùng lúc đó, tá tràng cùng với mạc treo lưng của nó và một phần đáng kể của tụy được đưa sang bên phải và dính vào thành cơ thể.
Sự dính thứ phát của tá tràng vào thành cơ thể, sự phát triển mạnh của gan trong mạc treo bụng và sự dính của mặt trên gan vào cơ hoành sẽ làm hạn chế lỗ mở vào trong khoang được đóng bởi phần mạc treo lưng phồng lên liên quan với dạ dày. Lỗ mở hạn chế này chính là lỗ mạc nối (omental foramen hay epiploic foramen).
Một phần của khoang bụng được giới hạn bởi phần mạc treo lưng mở rộng và ở phía sau dạ dày, chính là túi mạc nối (omental bursa) (túi nhỏ (lesser sac)). Để đi đến khoang này từ phần còn lại của khoang phúc mạc (túi lớn (greater sac)) thì sẽ phải qua lỗ mạc nối nằm phía dưới bờ tự do của mạc treo bụng.
Phần mạc treo lưng mà ban đầu hình thành nên phần túi nhỏ sẽ mở rộng đáng kể theo hướng xuống dưới và 2 mặt đối diện của mạc treo dính lại để hình thành nên một cấu trúc dạng tấm phủ (mạc nối lớn). Mạc nối lớn được treo bởi đường cong lớn của dạ dày, nằm trên các tạng khác trong khoang bụng và là cấu trúc đầu tiên quan sát thấy khi mở khoang bụng từ phía trước.
b. Sự phát triển của ruột giữa
Ruột giữa phát triển thành phần xa của tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng, kết tràng lên, 2/3 gần của kết tràng ngang. Một túi noãn hoàng nhô ra trước từ ruột giữa đang phát triển vào trong rốn.
Sự phát triển nhanh của hệ thống tiêu hóa tạo thành một quai ruột giữa lồi ra từ khoang bụng và vào trong dây rốn. Khi cơ thể phát triển kích thước và sự kết nối với túi noãn hoàng bị mất, ruột giữa sẽ trở về khoang bụng. Trong khi quá trình này diễn ra thì 2 nhánh của quai ruột giữa xoay ngược chiều kim đồng hồ quanh trục trung tâm kết hợp của chúng và phần của quai mà trở thành manh tràng sẽ đi xuống dưới để vào phía dưới phải của khoang bụng. Động mạch mạc treo tràng trên, là thành phần cấp máu cho ruột giữa sẽ nằm ở trung tâm của trục xoay.
Manh tràng vẫn nằm trong phúc mạc, kết tràng lên dính với thành cơ thể trở thành cấu trúc sau phúc mạc thứ phát, và kết tràng ngang vẫn được treo bởi mạc treo lưng của nó (mạc treo kết tràng ngang). Mạc nối lớn được treo phủ qua kết tràng ngang và mạc treo kết tràng ngang và thường dính với các cấu trúc này.
c. Sự phát triển của ruột sau
1/3 xa của kết tràng ngang, kết tràng xuống, kết tràng sigma và phần trên của trực tràng sẽ phát triển từ ruột sau.
Các phần gần của ruột sau lật sang bên trái và trở thành kết tràng xuống và kết tràng sigma. Kết tràng xuống và mạc treo lưng của nó dính với thành cơ thể, trong khi kết tràng sigma vẫn nằm trong phúc mạc. Kết tràng sigma đi qua eo trên và liên tục với trực tràng ở mức đốt sống SIII.
2. Da và các cơ của thành bụng trước và ngoài và các dây thần kinh gian sườn ngực
Nhánh trước của các dây thần kinh gai sống T7 đến T12 sẽ đi theo sự dốc xuống dưới của các phần ngoài các xương sườn và băng qua bờ sườn để vào trong thành bụng (Hình 14). Các dây thần kinh gian sườn từ T7 đến T11 chi phối cho da và cơ của thành bụng, cũng như dây thần kinh dưới sườn T12. Ngoài ra, T5 và T6 chi phối cho các phần trên của cơ chéo ngoài của thành bụng; T6 cũng cung cấp sự chi phối đến da phủ trên mỏm mũi kiếm.
Da và cơ trong các vùng bẹn và trên mu của thành bụng được chi phối bởi L1 mà không phải bởi các dây thần kinh ngực.
Các đốt bì của thành bụng trước được thể hiện trong Hình 14. Trên đường giữa, vùng da phủ trên góc dưới ức là của T6 và da quanh rốn là của T10. L1 chi phối da trong các vùng bẹn và trên mu.
Các cơ của thành bụng được chi phối theo từng phần mà nhìn chung là giống với các đốt bì phủ bên trên.
3. Bẹn là một vùng yếu trong thành bụng trước
Trong suốt sự phát triển, các tuyến sinh dục của cả hai giới đều đi xuống dưới từ các vị trí ban đầu của chúng là ở trên thành bụng sau, vào trong khoang chậu ở nữ và bìu đang phát triển ở nam (Hình 15).
Trước khi đi xuống, một thừng mô (dây chằng bìu tinh hoàn (gubernaculum)) đi qua thành bụng trước và kết nối cực dưới của mỗi tuyến sinh dục với mầm bìu ở nam giới và môi lớn ở nữ giới (các phình môi – bìu).
Một phần mở rộng dạng ống (ống phúc tinh mạc (processus vaginalis)) của khoang phúc mạc và các lớp cơ kèm theo của thành bụng trước nhô dọc theo dây chằng bìu tinh hoàn ở mỗi bên vào trong các phình môi-bìu.
Ở nam giới, tinh hoàn cùng với các cấu trúc thần kinh – mạch máu và các ống đi ra (ống dẫn tinh) của nó đi xuống vào trong bìu dọc theo một đường, ban đầu được xác định bởi dây chằng bìu tinh hoàn, giữa các ống phúc tinh mạc và các thành phần che phủ kèm theo có nguồn gốc từ thành bụng. Tất cả những gì còn sót lại của dây chằng bìu tinh hoàn là một phần mô liên kết nối cực dưới của tinh hoàn với bìu.
Ống bẹn (inguinal canal) là một đường đi qua thành bụng trước được tạo ra bởi ống phúc tinh mạc. Thừng tinh (spermatic cord) là phần mở rộng dạng ống của các lớp thành bụng vào trong bìu mà chứa tất cả các cấu trúc đi giữa tinh hoàn và bụng.
Đầu tận xa dạng túi của thừng tinh ở mỗi bên chứa tinh hoàn, các cấu trúc liên quan và phần khoang phúc mạc tách biệt bây giờ (khoang của lớp tinh mạc).
Ở phụ nữ, các tuyến sinh dục đi xuống dưới đến một vị trí chỉ bên trong khoang chậu và không bao giờ đi qua thành bụng trước. Kết quả, chỉ có một cấu trúc chính đi qua ống bẹn đó là thành phần có nguồn gốc từ dây chằng bìu tinh hoàn (dây chằng tròn của tử cung).
Ở cả nam và nữ, háng (vùng bẹn) là một vùng yếu trong thành bụng (Hình 15) và là vị trí của các thoát vị bẹn.
4. Mức đốt sống LI
Mặt phẳng qua môn vị là một mặt phẳng ngang mà cắt ngang cơ thể qua phía dưới của xương đốt sống LI (Hình 16). Nó:
- Nằm ở khoảng chính giữa đường nối giữa khuyết cảnh và khớp vệ và đi qua bờ sườn mỗi bên ở gần sụn sườn thứ chín.
- Đi qua lỗ mở của dạ dày vào trong tá tràng (lỗ môn vị), thành phần mà nằm ngay bên phải của thân đốt sống LI; tá tràng sau đó tạo thành một quai hình chữ C đặc trưng trên thành bụng sau và băng qua đường giữa để mở vào trong hỗng tràng ngay bên trái thân đốt sống LII, ngược lại, đầu của tụy thì được giới hạn bởi quai tá tràng và thân của tụy mở qua đường giữa sang bên trái.
- Đi qua thân tụy
- Gần vị trí của rốn các thận; bởi vì thận trái hơi cao hơn thận phải nên mặt phẳng qua môn vị sẽ băng qua phía dưới của rốn thận trái và phần trên của rốn thận phải.
5. Hệ thống tiêu hóa và các cơ quan liên quan được cấp máu bởi 3 động mạch chính
3 động mạch lớn không thành cặp phân nhánh từ mặt trước của động mạch chủ bụng để cấp máu cho phần bụng của đường tiêu hóa và tất cả các cấu trúc (gan, tụy và túi mật) mà xuất phát từ phần ruột này trong suốt quá trình phát triển (Hình 17). Các động mạch này đi qua các thành phần của các mạc treo lưng và bụng để đến tạng đích. Vì thế, các mạch máu này cũng sẽ cấp máu cho các cấu trúc như lách và các hạch bạch huyết mà phát triển trong các mạc treo. Các động mạch này bao gồm:
- Động mạch tạng (celiac artery), phân nhánh từ động mạch chủ bụng tại bờ trên của xương đốt sống LI và cấp máu cho ruột trước.
- Động mạch mạc treo trên (superior mesenteric artery), xuất phát từ động mạch chủ bụng tại bờ dưới của xương đốt sống LI và cấp máu cho ruột giữa.
- Động mạch mạc treo dưới (inferior mesenteric artery), phân nhánh từ động mạch chủ bụng ở gần mức đốt sống LIII và cấp máu cho ruột sau.
6. Các shunts tĩnh mạch từ trái sang phải
Tất cả máu trở về tim từ các phần của cơ thể khác phổi thì sẽ chảy vào trong nhĩ phải của tim. Tĩnh mạch chủ dưới là tĩnh mạch hệ thống chính trong bụng giúp thoát máu vùng này cùng với vùng chậu và cả hai chi dưới (Hình 18).
Tĩnh mạch chủ dưới nằm bên phải cột sống và xuyên qua gân trung tâm của cơ hoành ở gần mức đốt sống TVIII. Một số các mạch máu lớn băng qua đường giữa để đưa máu từ phía bên trái của cơ thể đến tĩnh mạch chủ dưới.
- Một trong những tĩnh mạch quan trọng nhất là tĩnh mạch thận trái, giúp thoát máu của thận, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục ở cùng bên.
- Một tĩnh mạch khác là tĩnh mạch chậu chung trái, thành phần mà sẽ băng qua đường giữa ở gần mức đốt sống LV để hợp với mạch máu tương ứng phía bên phải và hình thành nên tĩnh mạch chủ dưới. Các mạch máu này thoát máu các chi dưới, vùng chậu, đáy chậu và các phần của thành bụng.
- Các mạch máu khác băng qua đường giữa bao gồm các tĩnh mạch thắt lưng trái, giúp thoát máu vùng lưng và thành bụng sau ở phía bên trái.
7. Tất cả các sự thoát máu tĩnh mạch từ hệ thống tiêu hóa đều đi qua gan
Máu từ các phần bụng của hệ thống tiêu hóa và lách đi qua một mạng mạch máu thứ hai trong gan trước khi cuối cùng trở về lại tim (Hình 19).
Máu tĩnh mạch từ đường tiêu hóa, tụy, túi mật và lách đi vào trong mặt dưới của gan qua tĩnh mạch cửa của gan. Tĩnh mạch này sau đó phân nhánh như một động mạch để phân bố máu đến các xoang gan được lót bởi tế bào nội mô, giúp hình thành nên mạng lưới mạch máu trao đổi của gan.
Sau khi đi qua các xoang, máu tập hợp trong một số tĩnh mạch gan ngắn, các tĩnh mạch này sẽ đổ vào trong tĩnh mạch chủ dưới ngay trước khi tĩnh mạch chủ dưới xuyên qua cơ hoành và đi vào nhĩ phải của tim.
Bình thường, các mạng mạch máu thoát máu bởi hệ thống tĩnh mạch cửa của gan kết nối với mạng mạch máu thoát máu bởi các mạch máu hệ thống qua các tĩnh mạch nhỏ, các thành phần mạch máu mà cuối cùng sẽ kết nối trực tiếp với tĩnh mạch chủ trên hoặc tĩnh mạch chủ dưới.
a. Các thông nối cửa-chủ
Các vùng quan trọng nhất trên lâm sàng mà có sự trùng lặp trong thoát máu giữa hệ thống tĩnh mạch cửa và hệ thống tĩnh mạch chủ là ở mỗi đầu trong phần bụng của đường tiêu hóa:
- Quanh đầu dưới của thực quản
- Quanh phần dưới của trực tràng
Các tĩnh mạch nhỏ mà đi kèm tĩnh mạch rốn đã thoái hóa (dây chằng tròn của gan) cũng sẽ thiết lập một thông nối cửa-chủ quan trọng khác.
Dây chằng tròn của gan sẽ kết nối rốn của thành bụng trước với nhánh trái của tĩnh mạch cửa khi nó đi vào trong gan. Các tĩnh mạch nhỏ mà đi kèm dây chằng này sẽ hình thành nên một sự kết nối giữa hệ thống tĩnh mạch cửa và các vùng quanh rốn của thành bụng, các vùng mà sẽ thoát máu vào trong các tĩnh mạch hệ thống.
Các vùng khác, nơi mà các hệ thống tĩnh mạch cửa và hệ thống tĩnh mạch chủ kết nối với nhau bao gồm:
- Nơi mà gan tiếp xúc trực tiếp với cơ hoành (vùng trống của gan).
- Nơi mà thành ống tiêu hóa tiếp xúc trực tiếp với thành bụng sau (các vùng sau phúc mạc của ruột già và ruột non).
- Mặt sau của tụy (hầu hết tụy là cấu trúc sau phúc mạc thứ phát).
b. Sự tắc nghẽn của tĩnh mạch cửa của gan hay của các kênh mạch máu của gan
Sự tắc nghẽn của tĩnh mạch cửa của gan hoặc của các kênh mạch máu trong gan có thể ảnh hưởng đến cách hồi lưu tĩnh mạch từ các phần bụng của hệ thống tiêu hóa. Các mạch máu mà kết nối giữa hệ thống tĩnh mạch cửa và hệ thống tĩnh mạch chủ có thể trở nên mở rộng và ngoằn ngoèo đáng kể, cho phép máu trong các nhánh của hệ thống tĩnh mạch cửa bỏ qua gan, đi vào trong hệ thống tĩnh mạch chủ và bằng cách đó, đưa máu trở về tim. Tăng áp tĩnh mạch cửa có thể làm giãn tĩnh mạch thực quản và trực tràng và tạo ra dấu hiệu đầu sứa (caput medusae) mà trong đó các tĩnh mạch hệ thống tỏa ra từ các tĩnh mạch quanh rốn sẽ giãn rộng và có thể nhìn thấy được trên thành bụng.
8. Các tạng bụng được chi phối thần kinh bởi một đám rối trước sống
Sự chi phối thần kinh của các tạng bụng thì xuất phát từ một đám rối trước sống lớn liên quan chủ yếu với các mặt trước và mặt ngoài của động mạch chủ (Hình 20). Các nhánh được phân bố đến các mô đích dọc theo các mạch máu mà có nguồn gốc từ động mạch chủ bụng.
Đám rối trước sống chứa các thành phần giao cảm, phó giao cảm và cảm giác tạng.
- Các thành phần giao cảm có nguồn gốc từ các mức tủy sống T5 đến L2.
- Các thành phần phó giao cảm là từ dây thần kinh lang thang [X] và các mức tủy sống S2 đến S4.
- Các sợi cảm giác tạng nhìn chung là đi song song với các đường dẫn truyền vận động.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết mới của mình tại đây nhé: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!