Mối liên quan với các vùng khác
Cổ
Chi trên có liên quan trực tiếp với vùng cổ. Nằm ở mỗi bên của lỗ ngực trên (superior thoracic aperture) tại nền cổ là khe nách (axillary inlet), thành phần này được hình thành bởi:
- Bờ ngoài của xương sườn I.
- Mặt sau của xương đòn.
- Bờ trên của xương vai.
- Mặt trong của mỏm quạ xương vai (Hình 11).

Động mạch và tĩnh mạch chính của chi trên đi giữa ngực và chi trên bằng cách đi qua trên xương sườn I và qua khe nách. Các dây thần kinh, chủ yếu xuất phát từ phần cổ của tủy sống cũng đi qua khe nách và nách để chi phối cho chi trên.
Lưng và thành ngực
Các cơ nối các xương của vai vào thân thì có liên quan đến vùng lưng và thành ngực, bao gồm cơ thang, cơ nâng vai, cơ trám lớn, cơ trám bé và cơ lưng rộng (Hình 12).

Vú trên thành ngực trước có một số mối liên hệ đáng chú ý với nách và chi trên. Nó phủ trên cơ ngực lớn, cơ mà giúp hình thành nên hầu hết thành trước của nách và nối xương cánh tay với thành ngực (Hình 13). Thông thường, một phần vú mà được gọi là mỏm nách sẽ mở từ quanh bờ ngoài của cơ ngực lớn vào trong nách.

Thoát dịch bạch huyết từ phần ngoài và phần trên của vú chủ yếu là vào trong các hạch bạch huyết ở nách. Một số động mạch và tĩnh mạch cấp máu hay thoát máu cho tuyến vú cũng xuất phát từ hay đổ vào các mạch máu lớn của nách.
Các đặc điểm quan trọng của chi trên
Sự chi phối thần kinh bởi các dây thần kinh cổ và ngực trên
Sự chi phối thần kinh của chi trên được thực hiện bởi đám rối cánh tay, đám rối này được hình thành bởi nhánh trước của các dây thần kinh gai sống cổ C5 đến C8 và T1 (Hình 14). Đám rối này ban đầu được hình thành ở cổ và sau đó tiếp tục qua khe nách để vào trong nách. Các dây thần kinh chính mà cuối cùng chi phối cho cánh tay, cẳng tay và bàn tay sẽ xuất phát từ đám rối cánh tay ở nách.

Do kiểu chi phối thần kinh như thế này nên các kiểm tra lâm sàng về các dây thần kinh cổ dưới và ngực I (T1) được thực hiện bằng cách khám các đốt bì, các đốt cơ và các phản xạ gân xương ở chi trên. Ngoài ra, các dấu hiệu lâm sàng của các vấn đề liên quan đến các dây thần kinh cổ dưới – đau; cảm giác kiến bò hay dị cảm; và giật cơ – xuất hiện ở chi trên.

Các đốt bì của chi trên (Hình 15A) thường được kiểm tra về cảm giác. Các khu vực mà có sự trùng lặp các đốt bì ít bao gồm:
- Vùng da ngoài trên của cánh tay đối với mức tủy C5,
- Vùng lòng của đầu ngón tay cái đối với mức tủy C6,
- Vùng lòng của đầu ngón tay trỏ đối với mức tủy C7,
- Vùng lòng của đầu ngón tay út đối với mức tủy C8,
- Vùng da ở phía trong của khuỷu tay đối với mức tủy T1.
Một số vận động khớp được sử dụng để kiểm tra các đốt cơ (Hình 15B):
- Dạng cánh tay ở khớp ổ chảo – xương cánh tay được kiểm soat chủ yếu bởi C5.
- Gập cẳng tay ở khớp khuỷu được kiểm soát chủ yếu bởi C6.
- Duỗi cẳng tay ở khớp khuỷu được kiểm soát chủ yếu bởi C7.
- Gập các ngón tay được kiểm soát chủ yếu bởi C8.
- Dạng và khép các ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn được kiểm soát chủ yếu bởi T1.
Ở bệnh nhân không tỉnh táo, cả chức năng cảm giác và vận động của các mức tủy có thể được kiểm tra nhờ sử dụng các phản xạ gân xương:
- Gõ lên gân của cơ nhị đầu ở hố trụ sẽ giúp kiểm tra chủ yếu cho mức tủy C6.
- Gõ lên gân của cơ tam đầu ở phía sau khuỷu tay sẽ giúp kiểm tra chủ yếu cho mức tủy C7.
Mức tủy sống chính liên quan đến chi phối thần kinh của cơ hoành, C4, thì nằm ở ngay phía trên các mức tủy sống liên quan với chi trên.
Sự đánh giá các đốt bì và các đốt cơ ở chi trên có thể cung cấp các thông tin quan trọng về các vấn đề hô hấp có thể liên quan, các vấn đề này có thể phát triển như là các biến chứng của các tổn thương tủy sống ở các vùng ngay bên dưới mức tủy C4.

Mỗi khoang cơ chính ở cánh tay và cẳng tay và mỗi cơ nội tại của bàn tay được chi phối chủ yếu bởi một trong các dây thần kinh chính xuất phát từ đám rối cánh tay trong nách (Hình 16A):
- Tất cả các cơ ở khoang trước của cánh tay được chi phối bởi dây thần kinh cơ – bì.
- Dây thần kinh giữa chi phối cho các cơ ở khoang trước của cẳng tay, với 2 ngoại lệ – 1 cơ gấp cổ tay (cơ gấp cổ tay trụ) và một phần của một cơ gấp các ngón tay (nửa trong của cơ gấp các ngón sâu) là được chi phối bởi dây thần kinh trụ.
- Hầu hết các cơ nội tại của bàn tay được chi phối bởi dây thần kinh trụ, trừ các cơ mô cái và 2 cơ giun ngoài là được chi phối bởi dây thần kinh giữa.
- Tất cả các cơ trong khoang sau của cánh tay và cẳng tay là được chi phối bởi dây thần kinh quay.
Ngoài chi phối các nhóm cơ lớn thì mỗi dây thần kinh ngoại biên chính xuất phát từ đám rối cánh tay còn mang thông tin cảm giác từ các vùng da khá khác biệt từ các đốt bì (Hình 16B). Cảm giác trong những vùng này có thể được sử dụng để kiểm tra các tổn thương thần kinh ngoại biên:
- Dây thần kinh cơ – bì chi phối da ở mặt trước – ngoài của cẳng tay.
- Dây thần kinh giữa chi phối mặt lòng của 3 và 1/2 các ngón tay ngoài và dây thần kinh trụ chi phối 1 và 1/2 các ngón tay trong.
- Dây thần kinh quay chi phối da trên mặt sau của cẳng tay và mặt sau – ngoài của bàn tay.
Các dây thần kinh liên quan với xương

Ba dây thần kinh quan trọng liên quan trực tiếp với các phần của xương cánh tay (Hình 17):
- Dây thần kinh nách, chi phối cho cơ delta, một cơ dạng xương cánh tay chính tại khớp ổ chảo – xương cánh tay, đi quanh mặt sau của phần trên xương cánh tay (cổ phẫu thuật xương cánh tay).
- Dây thần kinh quay, chi phối cho tất cả các cơ duỗi của chi trên, đi chéo quanh mặt sau của phần giữa xương cánh tay trong rãnh quay.
- Dây thần kinh trụ, cuối cùng sẽ đến chi phối thần kinh cho bàn tay, đi phía sau một lồi xương, được gọi là mỏm trên lồi cầu trong, nằm ở phía trong của đầu xa xương cánh tay.
Gãy xương cánh tay ở bất kỳ vùng nào trong 3 vùng này có thể gây tổn thương các dây thần kinh liên quan.
Các tĩnh mạch nông
Các tĩnh mạch lớn vùi vào trong mạc nông của chi trên thường được sử dụng để can thiệp vào trong hệ thống mạch máu của bệnh nhân để lấy máu. Đáng chú ý nhất trong số các tĩnh mạch này là các tĩnh mạch đầu, tĩnh mạch nền và tĩnh mạch khuỷu giữa (Hình 18 – các bạn sửa “hố khuỷu” thành “hố trụ” nhé, mình ghi nhầm).

Các tĩnh mạch đầu (cephalic vein) và tĩnh mạch nền (basilic vein) xuất phát từ hệ thống tĩnh mạch mu bàn tay (dorsal venous network) trên mặt mu bàn tay.
Tĩnh mạch đầu xuất phát từ hõm lào giải phẫu ở nền ngón tay cái, đi quanh phía ngoài phần cẳng tay xa để đến mặt trước ngoài của chi trên và sau đó tiếp tục đi về phía gần của chi trên. Nó đi qua khuỷu tay, sau đó, đi lên theo cánh tay vào trong một lõm tam giác – tam giác đòn – ngực (tam giác delta – ngực) (clavipectoral triangle [deltopectoral triangle]) – nằm giữa cơ ngực lớn, cơ delta và xương đòn. Trong lõm này thì tĩnh mạch sẽ đi vào trong nách nhờ đâm xuyên qua lớp mạc sâu ngay bên dưới xương đòn.
Tĩnh mạch nền xuất phát từ phía trong của hệ thống tĩnh mạch mu bàn tay và đi lên trên về phía gần của chi trên ở mặt sau – trong của cẳng tay. Nó đi lên mặt trước của chi trên ở vị trí ngay dưới khuỷu tay và sau đó tiếp tục đi về phía gần để đâm xuyên qua mạc sâu ở khoảng giữa cánh tay.
Tại khuỷu tay, các tĩnh mạch đầu và tĩnh mạch nền được kết nối với nhau bởi tĩnh mạch khuỷu giữa (median cubital vein), tĩnh mạch này đi qua trần của hố trụ.
Định hướng của ngón tay cái
Ngón tay cái được định hướng vuông góc với định hướng của các ngón tay trỏ, ngón tay giữa, ngón tay nhẫn và ngón tay út (Hình 19). Kết quả là các vận động của ngón tay cái diễn ra vuông góc với các ngón tay khác. Ví dụ, gập ngón tay cái sẽ làm ngón cái đi băng qua lòng bàn tay, ngược lại, dạng ngọn cái sẽ di chuyển nó ra xa các ngón tay với một góc vuông so với lòng bàn tay.

Quan trọng, bởi vì ngón tay cái được định hướng vuông góc với bàn tay cho nên chỉ một sự xoay nhẹ của xương bàn tay I ở cổ tay sẽ làm cho vùng da lòng của đầu ngón tay cái đối diện trực tiếp với vùng da lòng của đầu các ngón tay khác. Vị trí đối này của ngón tay cái là cần thiết cho chức năng bình thường của bàn tay.
Các bạn có thể xem các bài viết mới trên trang Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết tiếp theo tại đây nhé: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-chi-tren-vai-phan-1/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!