Vùng chậu
10. Các mạch máu
a. Các động mạch:
Động mạch chính của vùng chậu và đáy chậu là động mạch chậu trong ở mỗi bên (Hình 1). Ngoài ra việc cung cấp một sự cấp máu đến hầu hết các tạng chậu, các thành chậu, nền chậu và các cấu trúc trong đáy chậu, bao gồm cả các mô cương của âm vật và dương vật, động mạch này còn cho ra các nhánh mà đi theo các dây thần kinh vào trong vùng mông của chi dưới. Các mạch máu khác mà xuất phát ở trong vùng bụng và tham gia cấp máu đến các cấu trúc của vùng chậu bao gồm động mạch cùng giữa và các động mạch buồng trứng ở nữ giới.
– Động mạch chậu trong:
Động mạch chậu trong xuất phát từ động mạch chậu chung ở mỗi bên, gần mức đĩa gian đốt sống giữa LV và SI và nằm phía trước-trong so với khớp cùng – chậu (Hình 1). Mạch máu đi xuống dưới qua eo trên và sau đó phân chia thành các thân trước và sau ở mức bờ trên của lỗ ngồi lớn. Các nhánh từ thân sau đóng góp vào sự cấp máu của thành bụng sau dưới, thành chậu sau và vùng mông. Các nhánh từ thân trước cấp máu cho các tạng chậu, đáy chậu, vùng mông, vùng cơ khép của đùi và nhau thai ở thai nhi.
Thân sau:
Các nhánh của thân sau của động mạch chậu trong là động mạch chậu-thắt lưng, động mạch cùng ngoài và động mạch mông trên (Hình 1).
- Động mạch chậu-thắt lưng (iliolumbar artery) đi lên ở phía ngoài khỏi phía sau của eo trên và chia thành một nhánh thắt lưng và một nhánh chậu. Nhánh thắt lưng đóng góp vào sự cấp máu của thành bụng sau, cơ thắt lưng, cơ vuông thắt lưng và chùm đuôi ngựa, thông qua một nhánh gai sống nhỏ mà đi qua lỗ gian đốt sống giữa đốt sống LV và SI. Nhánh chậu đi ra phía ngoài vào trong hố chậu để cấp máu cho cơ và xương.
- Các động mạch cùng ngoài (lateral sacral arteries), thường có hai động mạch, bắt nguồn từ phân nhánh sau của động mạch chậu trong và đi vào bên trong và xuống dưới dọc theo thành chậu sau. Chúng cho ra các nhánh mà đi vào trong các lỗ cùng trước để cấp máu cho xương và các mô mềm liên quan, các cấu trúc trong ống sống (ống cùng) và da và cơ phía sau xương cùng.
- Động mạch mông trên (superior gluteal artery) là nhánh lớn nhất của động mạch chậu trong và là sự liên tục tận cùng của thân sau. Nó đi ra sau, thường đi giữa thân thắt lưng – cùng và nhánh trước của SI, để rời khỏi khoang chậu qua lỗ ngồi lớn ở phía trên cơ hình lê và đi vào trong vùng mông của chi dưới. Mạch máu này đóng góp chủ yếu vào trong sự cấp máu của các cơ và da trong vùng mông và cũng cung cấp các nhánh đến các cơ và xương lân cận của các thành chậu.
Thân trước:
Các nhánh của thân trước của động mạch chậu trong bao gồm động mạch bàng quang trên, động mạch rốn, động mạch bàng quang dưới, động mạch trực tràng giữa, động mạch tử cung, động mạch âm đạo, động mạch bịt, động mạch thẹn trong và động mạch mông dưới (Hình 2).
- Nhánh đầu tiên của thân trước là động mạch rốn (umbilical artery), đây là động mạch cho ra động mạch bàng quang trên và sau đó đi về phía ngay bên dưới bờ của eo trên. Ở phía trước, mạch máu rời khỏi khoang chậu và đi lên trên mặt trong của thành bụng trước để đến rốn. Trong thời kỳ thai nhi, động mạch rốn sẽ lớn và đưa máu từ thai nhi đến nhau thai. Sau khi sinh, mạch máu đóng lại ở phía xa của gốc của động mạch bàng quang trên và cuối cùng trở thành một dây sợi chắc. Trên thành bụng trước, dây sợi nâng lên một nếp phúc mạc được gọi là nếp rốn trong (medial umbilical fold). Di tích sợi của động mạch rốn chính là dây chằng rốn trong (medial umbilical ligament).
- Động mạch bàng quang trên (superior vesical artery) bình thường bắt nguồn từ gốc của động mạch rốn và đi vào bên trong và xuống dưới để cấp máu cho phía trên của bàng quang và các phần xa của niệu quản. Ở nam giới, nó cũng có thể cho ra một động mạch cấp máu cho ống dẫn tinh.
- Động mạch bàng quang dưới (inferior vesical artery) xuất hiện ở nam và cung cấp các nhánh đến bàng quang, niệu quản, túi tinh và tuyến tiền liệt. Động mạch âm đạo (vaginal artery) ở nữ giới tương đương với động mạch bàng quang dưới ở nam giới và, đi xuống đến âm đạo, cung cấp các nhánh đến âm đạo và đến các phần lân cận của bàng quang và trực tràng. Động mạch âm đạo và động mạch tử cung có thể xuất phát cùng nhau dưới dạng một nhánh chung từ thân trước, hoặc động mạch âm đạo có thể xuất phát một cách độc lập.
- Động mạch trực tràng giữa (middle rectal artery) đi vào bên trong để cấp máu cho trực tràng. Các thông nối mạch máu với động mạch trực tràng trên, là động mạch xuất phát từ động mạch mạc treo tràng dưới trong vùng bụng và động mạch trực tràng dưới, là động mạch xuất phát từ động mạch thẹn trong trong vùng đáy chậu.
- Động mạch bịt (obturator artery) đi ra phía trước dọc theo thành chậu và rời khỏi khoang chậu thông qua ống bịt. Cùng với dây thần kinh bịt ở phía trên và tĩnh mạch bịt ở phía dưới, nó đi vào và cấp máu cho vùng cơ khép của đùi.
- Động mạch thẹn trong (internal pudendal artery) đi xuống phía dưới từ gốc của nó trong thân trước và rời khỏi khoang chậu qua lỗ ngồi lớn ở phía dưới cơ hình lê. Trong mối liên quan với dây thần kinh thẹn ở phía trong của nó, mạch máu đi ra phía ngoài đến gai ngồi và sau đó qua lỗ ngồi nhỏ để vào trong vùng đáy chậu. Động mạch thẹn trong là động mạch chính của vùng đáy chậu. Trong số các cấu trúc mà nó cấp máu thì có các mô cương của âm vật và dương vật.
- Động mạch mông dưới (inferior gluteal artery) là một nhánh tận lớn của thân trước của động mạch chậu trong. Nó đi giữa các nhánh trước của S1 và S2 hay S2 và S3 của đám rối cùng và rời khỏi khoang chậu qua lỗ ngồi lớn ở bên dưới cơ hình lê. Nó đi vào và đóng góp sự cấp máu của vùng mông và các thông nối với một hệ thống các mạch máu quanh khớp hông.
- Động mạch tử cung (uterine artery) ở nữ giới đi vào trong và ra trước trong đáy của dây chằng rộng để đến cổ tử cung (Hình 2B và Hình 3). Dọc theo chặng đi của nó, mạch máu bắt chéo niệu quản và đi lên trên đến túi cùng âm đạo ngoài. Một khi mạch máu đến cổ tử cung, nó đi lên dọc theo bờ ngoài của tử cung để đến ống tử cung, nơi mà nó sẽ đi cong ra phía bên ngoài và thông nối với động mạch buồng trứng. Động mạch tử cung là sự cấp máu chính đến tử cung và mở rộng đáng kể trong suốt quá trình mang thai. Thông qua các thông nối với các động mạch khác, mạch máu này cũng đóng góp vào trong sự cấp máu của buồng trứng và âm đạo nữa.
– Các động mạch buồng trứng:
Ở nữ giới, các mạch máu tuyến sinh dục (buồng trứng) xuất phát từ động mạch chủ bụng và sau đó đi xuống để qua eo trên và cấp máu cho các buồng trứng. Chúng thông nối với các phần tận của các động mạch tử cung (Hình 3). Ở mỗi bên, các mạch máu đi trong dây chằng treo của buồng trứng (suspensory ligament of the ovary [infundibulopelvic ligament]) khi chúng đi qua eo trên đến buồng trứng. Các nhánh đi qua mạc treo buồng trứng để đến buồng trứng và qua mạc treo tử cung của dây chằng rộng để thông nối với động mạch tử cung. Các động mạch buồng trứng mở rộng một cách đáng kể trong suốt quá trình mang thai để tăng cường sự cấp máu tử cung.
– Động mạch cùng giữa:
Động mạch cùng giữa (Hình 2A và Hình 3) bắt nguồn từ mặt sau của động mạch chủ ngay trên chỗ phân đôi của động mạch chủ ở mức đốt sống LIV trong vùng bụng. Nó đi xuống trên đường giữa, đi qua eo trên, và sau đó đi dọc theo mặt trước của xương cùng và xương cụt. Nó cho ra cặp động mạch thắt lưng cuối cùng và các nhánh mà thông nối với các động mạch chậu – thắt lưng và động mạch cùng ngoài.
b. Các tĩnh mạch
Các tĩnh mạch chậu đi theo tất cả các nhánh của động mạch chậu trong trừ động mạch rốn và động mạch chậu – thắt lưng (Hình 4A). Ở mỗi bên, các tĩnh mạch thoát máu vào trong các tĩnh mạch chậu trong, thành phần tĩnh mạch mà rời khoang chậu để hợp với các tĩnh mạch chậu chung nằm ngay trên và ngoài eo trên.
Bên trong khoang chậu, các đám rối tĩnh mạch thông nối rộng rãi liên quan với các mặt của các tạng (bàng quang, trực tràng, tuyến tiền liệt, tử cung và âm đạo). Cùng với nhau, các đám rối này hình thành nên đám rối các tĩnh mạch chậu.
Phần đám rối tĩnh mạch bao quanh trực tràng và ống hậu môn thoát máu thông qua các tĩnh mạch trực tràng trên (các phụ lưu của các tĩnh mạch mạc treo tràng dưới) vào trong hệ thống tĩnh mạch gan và thông qua các tĩnh mạch trực tràng giữa và dưới vào trong hệ thống chủ. Đám rối chậu này là một thông nối cửa – chủ quan khi mà hệ thống cửa của gan bị tắc (Hình 4B).
Phần dưới của đám rối trực tràng quanh ống hậu môn có hai phần, một phần trong và một phần ngoài. Đám rối trực tràng trong thì nằm trong mô liên kết giữa cơ thắt hậu môn trong và biểu mô lót ống hậu môn. Đám rối này kết nối ở phía trên với các nhánh định hướng dọc của tĩnh mạch trực tràng trên mà có một nhánh trong mỗi cột hậu môn. Khi giãn rộng, các nhánh này hình thành nên các giãn tĩnh mạch và trĩ nội, có nguồn gốc ở phía trên đường lược và được che phủ bởi niêm mạc đại tràng. Đám rối trực tràng ngoài bao quanh cơ thắt hậu môn ngoài và ở dưới da. Sự giãn rộng của các mạch máu trong đám rối trực tràng ngoài hình thành nên trĩ ngoại.
Tĩnh mạch mu sâu (deep dorsal vein) mà thoát máu các mô cương của âm vật và dương vật thì không đi theo các nhánh của động mạch thẹn trong vào trong khoang chậu. Thay vào đó, tĩnh mạch này đi một cách trực tiếp vào trong khoang chậu qua một khe được hình thành giữa dây chằng mu dưới và bờ trước của màng đáy chậu. Tĩnh mạch hợp với đám rối các tĩnh mạch tiền liệt ở nam giới và đám rối các tĩnh mạch bàng quang ở nữ giới. (Các tĩnh mạch nông mà thoát máu da dương vật và các vùng tương ứng của âm vật sẽ thoát máu vào trong các tĩnh mạch thẹn ngoài, là các phụ lưu của tĩnh mạch hiển lớn trong đùi).
Ngoài việc là các phụ lưu của tĩnh mạch chậu trong, các tĩnh mạch cùng giữa và các tĩnh mạch buồng trứng còn đi song song với các chặng đi của động mạch cùng giữa và động mạch buồng trứng tương ứng và rời khỏi khoang chậu để hợp với các tĩnh mạch trong vùng bụng:
- Các tĩnh mạch cùng giữa (median sacral veins) kết hợp lại để hình thành nên một tĩnh mạch đơn mà sẽ hợp với tĩnh mạch chậu chung trái hoặc chỗ nối của hai tĩnh mạch chậu chung để hình thành nên tĩnh mạch chủ dưới.
- Các tĩnh mạch buồng trứng (ovarian veins) đi theo chặng đi của các động mạch tương ứng; ở phía bên trái, chúng hợp với tĩnh mạch thận trái và ở phía bên phải, chúng hợp với tĩnh mạch chủ dưới trong vùng bụng.
11. Mạch bạch huyết (lymphatics)
Các mạch bạch huyết từ hầu hết các tạng chậu sẽ thoát dịch bạch huyết chủ yếu vào trong các hạch bạch huyết mà phân bố dọc theo các động mạch chậu trong, động mạch chậu ngoài và các nhánh liên quan của chúng (Hình 5), các hạch này sau đó sẽ thoát dịch vào trong các hạch liên quan với các động mạch chậu chung và sau đó thoát vào trong các hạch động mạch chủ bên hay các hạch thắt lưng liên quan với các mặt ngoài của động mạch chủ bụng. Cuối cùng, các hạch động mạch chủ bên hay các hạch thắt lưng này thoát dịch vào trong các thân thắt lưng, là các thành phần mà liên tục đến gốc tại ống ngực ở gần mức đốt sống TXII.
Mạch bạch huyết từ các buồng trứng và các phần liên quan của tử cung và các ống tử cung rời khoang chậu lên phía trên và thoát, qua các mạch bạch huyết đi kèm theo các động mạch buồng trứng, một cách trực tiếp vào trong các hạch động mạch chủ bên hay hạch thắt lưng và trong một số trường hợp, là vào trong các hạch trước động mạch chủ trên mặt trước của động mạch chủ.
Ngoài việc thoát dịch bạch huyết của các tạng chậu, các hạch dọc theo động mạch chậu trong cũng nhận dịch thoát từ vùng mông của chi dưới và từ các vùng sâu của đáy chậu.
Theo dõi facebook của mình: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!