Vùng chậu (pelvis)
5. Chậu thật (true pelvis)
Chậu thật có dạng hình trụ và có một eo trên, một thành và một eo dưới. Eo trên thì mở, ngược lại, nền chậu sẽ đóng eo dưới lại và phân chia khoang chậu ở phía trên với đáy chậu ở phía dưới.
a. Eo trên (pelvic inlet)
Eo trên là lỗ mở hình tròn giữa khoang bụng và khoang chậu mà qua đó các cấu trúc đi giữa vùng bụng và khoang chậu. Nó được bao quanh hoàn toàn bởi các xương và các khớp (Hình 1). Ụ nhô của xương cùng lồi vào trong eo trên, hình thành nên bờ sau của nó trên đường giữa. Ở hai bên của ụ nhô, bờ được hình thành bởi các cánh của xương cùng. Bờ của eo trên sau đó băng qua khớp cùng – chậu và tiếp tục đi dọc theo đường tận cùng (gồm đường lược, diện lược hay đường lược và mào xương mu) đến khớp mu.
b. Thành chậu (pelvic wall)
Các thành của khoang chậu bao gồm xương cùng, xương cụt, các xương chậu phía dưới đường tận cùng, hai dây chằng và hai cơ
Các dây chằng của thành chậu
Các dây chằng cùng – gai và dây chằng cùng – ụ ngồi (Hình 2A) là các thành phần chính của các thành chậu ngoài, chúng giúp xác định nên các lỗ giữa khoang chậu và các vùng lân cận mà qua đó các cấu trúc sẽ đi qua.
- Nhỏ hơn trong số hai dây chằng này là dây chằng cùng – gai (ngồi), có hình tam giác với đỉnh của nó nối với gai ngồi và đáy của nó nối với các bờ liên quan của xương cùng và xương cụt.
- Dây chằng cùng – ụ ngồi cũng có hình tam giác và nông hơn dây chằng cùng – gai. Đáy của nó có một diện bám rộng mà mở từ gai chậu sau trên của xương chậu, dọc theo mặt lưng và bờ ngoài của xương cùng và lên trên mặt lưng ngoài của xương cụt. Phía bên ngoài, đỉnh của dây chằng được nối vào bờ trong của ụ xương ngồi.
Các dây chằng này giúp cố định xương cùng và các xương chậu bằng cách hạn chế sự nghiêng lên trên của phần dưới xương cùng (Hình 2B). Chúng cũng giúp chuyển các khuyết ngồi lớn và nhỏ của xương chậu thành các lỗ (Hình 2A, B).
- Lỗ ngồi lớn (greater sciatic foramen) nằm phía trên dây chằng cùng – gai và gai ngồi.
- Lỗ ngồi nhỏ (lesser sciatic foramen) nằm phía dưới gai ngồi và dây chằng cùng – gai và nằm giữa dây chằng cùng – gai và cùng – ụ ngồi.
Các cơ của thành chậu
Hai cơ, cơ bịt trong và cơ hình lê sẽ tham gia hình thành nên các thành ngoài của khoang chậu. Các cơ này xuất phát từ trong khoang chậu nhưng sẽ bám ra ngoại vi vào xương đùi.
– Cơ bịt trong (obturator internus):
Cơ bịt trong là một cơ dẹt, hình quạt mà xuất phát từ mặt sâu của màng bịt và từ các vùng xương chậu liên quan mà bao quanh lỗ bịt (Hình 3 và Bảng 1).
Các sợi cơ của cơ bịt trong hội tụ lại để hình thành nên một gân mà rời khoang chậu qua lỗ ngồi nhỏ, hình thành nên một gập góc 90o quanh xương ngồi giữa gai ngồi và ụ ngồi, và sau đó đi ra sau khớp hông để bám lên mấu chuyển lớn xương đùi.
Cơ bịt trong hình thành nên một phần lớn của thành khoang chậu trước – ngoài.
– Cơ hình lê (piriformis):
Cơ hình lê có dạng hình tam giác và xuất phát tại các cầu xương giữa 4 lỗ cùng trước. Nó đi ra ngoài qua lỗ ngồi lớn, băng qua phía sau – trên của khớp hông và bám vào mấu chuyển lớn xương đùi ở phía trên chỗ bám của cơ bịt trong (Hình 3 và Bảng 1).
Một phần lớn của thành khoang chậu sau – ngoài được hình thành bởi cơ hình lê. Ngoài ra, cơ này giúp phân tách lỗ ngồi lớn thành 2 vùng, một vùng là ở phía trên cơ và một vùng là ở phía dưới cơ. Các mạch máu và các dây thần kinh đi giữa khoang chậu và vùng mông thì sẽ đi qua hai vùng này.
Các lỗ trong thành chậu
Mỗi thành chậu ngoài sẽ có 3 lỗ lớn mà qua đó các cấu trúc sẽ đi giữa khoang chậu và các vùng khác:
- Ống bịt
- Lỗ ngồi lớn
- Lỗ ngồi nhỏ
– Ống bịt (obturator canal):
Ở đỉnh của lỗ bịt là ống bịt, là thành phần được giới hạn bởi màng bịt, các cơ bịt liên quan và ngành mu trên (Hình 4). Dây thần kinh bịt và các mạch máu bịt đi từ khoang chậu đến đùi qua ống này.
– Lỗ ngồi lớn (greater sciatic foramen):
Lỗ ngồi lớn là một chặng đi chính của sự liên hệ giữa khoang chậu và chi dưới (Hình 4). Nó được hình thành bởi khuyết ngồi lớn trong xương chậu, dây chằng cùng – ụ ngồi và dây chằng cùng – gai.
Cơ hình lê đi qua lỗ ngồi lớn và chia lỗ ngồi lớn thành hai phần:
- Các dây thần kinh và các mạch máu mông trên đi qua lỗ ở phía trên cơ hình lê.
- Đi qua lỗ ở bên dưới cơ hình lê là các dây thần kinh và mạch máu mông dưới, dây thần kinh ngồi, dây thần kinh thẹn, các mạch máu thẹn trong, các dây thần kinh bì đùi sau và các dây thần kinh đến cơ bịt trong và cơ vuông đùi.
– Lỗ ngồi nhỏ (lesser sciatic foramen):
Lỗ ngồi nhỏ được hình thành bởi khuyết ngồi nhỏ của xương chậu, gai ngồi, dây chằng cùng – gai và dây chằng cùng – ụ ngồi (Hình 4). Gân của cơ bịt trong đi qua lỗ này để vào trong vùng mông của chi dưới.
Bởi vì lỗ ngồi nhỏ được định vị bên dưới chỗ bám của nền chậu nên nó đóng vai trò như là một chặng đi của sự liên hệ giữa đáy chậu và vùng mông. Dây thần kinh thẹn và các mạch máu thẹn trong đi giữa khoang chậu (phía trên nền chậu) và đáy chậu (bên dưới nền chậu), bằng cách đầu tiên đi ra ngoài khoang chậu qua lỗ ngồi lớn và sau đó quấn quanh gai ngồi và dây chằng cùng – gai để đi qua lỗ ngồi nhỏ và vào trong đáy chậu. Dây thần kinh đến cơ bịt trong sẽ đi theo một chặng tương tự.
c. Eo dưới (pelvic outlet)
Eo dưới có hình thoi, với phần trước của hình thoi được xác định chủ yếu bởi xương và phần sau được xác định chủ yếu bởi các dây chằng (Hình 5). Trên đường giữa ở phía trước, giới hạn của eo dưới là khớp mu. Mở ra bên ngoài và ra sau, giới hạn ở mỗi bên là bờ dưới của thân xương mu, ngành dưới xương mu, ngành xương ngồi và ụ ngồi. Cùng với nhau, các thành phần ở cả hai bên hình thành nên cung mu.
Từ các ụ ngồi, các giới hạn tiếp tục đi ra phía sau và vào trong dọc theo dây chằng cùng – ụ ngồi ở cả hai bên đến xương cụt.
Các phần tận cùng của các đường tiết niệu và tiêu hóa và âm đạo đi qua eo dưới.
Vùng được bao quanh bởi các giới hạn của eo dưới và bên dưới nền chậu chính là đáy chậu (perineum).
d. Nền chậu (pelvic floor)
Nền chậu được hình thành bởi hoành chậu, và màng đáy chậu và các cơ trong khoang đáy chậu sâu trên đường giữa trước. Hoành chậu được hình thành bởi các cơ nâng hậu môn và các cơ cụt từ cả hai bên. Nền chậu phân chia khoang chậu ở phía trên với đáy chậu ở phía dưới.
Hoành chậu (pelvic diaphragm)
Hoành chậu là phần cơ của nền chậu. Có hình dạng giống như là một chiếc bát hay chiếc phễu và bám ở phía trên vào các thành chậu, nó bao gồm các cơ nâng hậu môn và các cơ cụt (Hình 6 và Bảng 2).
Đường bám tròn của hoành chậu vào trong thành chậu hình trụ đi giữa lỗ ngồi lớn và lỗ ngồi nhỏ ở mỗi bên. Vì thế:
- Lỗ ngồi lớn được định vị phía trên mức nền chậu và là một chặng liên hệ giữa khoang chậu và vùng mông của chi dưới.
- Lỗ ngồi nhỏ được định vị bên dưới nền chậu, cung cấp một chặng liên hệ giữa vùng mông của chi dưới và đáy chậu.
– Các cơ nâng hậu môn (levator ani):
Hai cơ nâng hậu môn xuất phát từ mỗi bên của thành chậu, đi vào bên trong và xuống dưới và hợp lại cùng với nhau tại đường giữa. Sự bám vào thành chậu theo một đường cong tròn của thành chậu và bao gồm:
- Phía sau của thân xương mu.
- Một đường dày lên thẳng được gọi là cung gân (tendinous arch) trong mạc che phủ cơ bịt trong.
- Gai xương ngồi.
Tại đường giữa, các cơ hòa lẫn với nhau ở phía sau âm đạo ở nữ giới và quanh ống hậu môn ở cả hai giới. Phía sau lỗ hậu môn, các cơ hợp với nhau dưới dạng một dây chằng hay một rãnh nối được gọi là dây chằng hậu môn – cụt (anococcygeal ligament) (thể hậu môn – cụt [anococcygeal body]) và nối đến xương cụt. Ở phía trước, các cơ được phân tách bởi một khuyết hay khe hình chữ U được gọi là lỗ niệu – dục (urogenital hiatus). Các bờ của lỗ này hợp với các thành của các tạng liên quan và với các cơ trong khoang đáy chậu sâu bên dưới. Lỗ cho phép niệu đạo (ở cả nam và nữ) và âm đạo (ở nữ), đi qua hoành chậu (Hình 6).
Các cơ nâng hậu môn được phân chia thành ít nhất 3 tập hợp các sợi cơ, dựa trên vị trí nguyên ủy và mối liên hệ với các tạng trên đường giữa: cơ mu – cụt, cơ mu – trực tràng và cơ chậu – cụt.
- Cơ mu – cụt (pubococcygeus) xuất phát từ thân xương mu và đi ra sau để bám dọc theo đường giữa đến tận xương cụt. Phần này của cơ được chia nhỏ hơn nữa trên cơ sở liên quan với các cấu trúc trên đường đường giữa thành cơ mu – tiền liệt (puboprostaticus muscle) (cơ nâng tuyến tiền liệt [levator prostatae muscle]), cơ mu – âm đạo (pubovaginalis muscle) và cơ mu – hậu môn (puboanalis muscle).
- Một tập hợp các sợi cơ thứ hai là phần cơ mu – trực tràng (puborectalis) của các cơ nâng hậu môn, xuất phát, trong mối liên hệ với cơ mu – cụt, từ xương mu và đi xuống dưới ở mỗi bên để hình thành nên một vòng (sling) quanh phần tận cùng của đường tiêu hóa. Vòng cơ này giúp duy trì một góc hay một gập, được gọi là gập đáy chậu (perineal flexure), ở vị trí nối hậu môn – trực tràng. Góc này thực hiện chức năng như là một phần của cơ chế mà giúp giữ phần tận cùng của đường tiêu hóa đóng lại.
- Phần cuối cùng của các cơ nâng hậu môn là cơ chậu – cụt (iliococcygeus). Phần này của cơ xuất phát từ mạc che phủ cơ bịt trong. Nó hợp với cơ tương ứng ở phía bên đối diện trên đường giữa để hình thành nên một dây chằng hay một rãnh nối mà mở từ lỗ hậu môn đến xương cụt.
Các cơ nâng hậu môn giúp nâng đỡ các tạng chậu và duy trì sự đóng của trực tràng và âm đạo. Chúng được chi phối một cách trực tiếp bởi các nhánh từ nhánh trước của S4 và bởi các nhánh của dây thần kinh thẹn (S2 đến S4).
– Các cơ cụt (coccygeus):
Hai cơ cụt, mỗi cơ ở mỗi bên, thì có hình tam giác và phủ lên trên các dây chằng cùng – gai; cùng với nhau chúng giúp hoàn thiện phần sau của hoành chậu (Hình 6 và Bảng 2). Chúng nối, bởi các đỉnh của chúng, với các đỉnh của các gai ngồi và bởi các đáy của chúng, với các bờ ngoài của xương cụt và các bờ lân cận của xương cùng.
Các cơ cụt được chi phối bởi các nhánh từ các nhánh trước của S3 và S4 và tham gia vào việc nâng đỡ phía sau của nền chậu.
Màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu
Màng đáy chậu (perineal membrane) là một cấu trúc tam giác dạng mạc dày, bám vào khung xương của cung chậu (Hình 7A). Nó được định hướng trong mặt phẳng ngang và có một bờ sau tự do. Ở phía trước, có một khe (mũi tên màu xanh trong Hình 7A) giữa màng và dây chằng mu dưới (inferior pubic ligament) (một dây chằng liên quan với khớp mu).
Màng đáy chậu thì liên quan bên trên với một khoang hẹp được gọi là khoang đáy chậu sâu (deep perineal pouch hay deep perineal space) (Hình 7B), chứa một lớp cơ xương và các thành phần thần kinh – mạch máu khác nhau.
Khoang đáy chậu sâu thì mở ở bên trên và không được tách biệt với các cấu trúc ở phía trên hơn bởi một lớp mạc riêng biệt. Các phần của màng đáy chậu và và các cấu trúc trong khoang đáy chậu sâu, giới hạn lỗ niệu – dục ở phía trên, vì thế, tham gia hình thành nên nền chậu và nâng đỡ các thành phần của hệ thống niệu – dục trong khoang chậu, mặc dù màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu thường được xem là các phần của đáy chậu.
Màng đáy chậu và cung mu lân cận cung cấp chỗ bám cho các gốc của các cơ quan sinh dục ngoài và các cơ liên quan với chúng (Hình 7C).
Niệu đạo xuyên thẳng đứng qua một lỗ tròn trong màng đáy chậu khi nó đi từ khoang châu bên trên đến đáy chậu bên dưới. Ở phụ nữ, âm đạo cũng đi qua một lỗ trong màng đáy chậu ngay sau lỗ niệu đạo.
Bên trong khoang đáy chậu sâu, một tấm cơ xương thực hiện chức năng như là một cơ thắt, chủ yếu là cho niệu đạo và như là một cơ cố định bờ sau của màng đáy chậu (Hình 8 và Bảng 3).
- Ở phía trước, một nhóm các sợi cơ bao quanh niệu đạo và cùng hình thành nên cơ thắt niệu đạo ngoài (external urethral sphincter).
- Hai nhóm các sợi cơ khác có liên quan với niệu đạo và âm đạo ở phụ nữ. Một nhóm hình thành nên cơ thắt niệu đạo – âm đạo (sphincter urethrovaginalis), bao quanh cả niệu đạo và âm đạo cùng một lúc. Nhóm thứ hai hình thành nên cơ thắt niệu đạo (compressor urethrae) ở mỗi bên, xuất phát từ ngành ngồi – mu và gặp nhau ở phía trước niệu đạo. Cùng với cơ thắt niệu đạo ngoài, cơ thắt niệu đạo – âm đạo và cơ thắt niệu đạo sẽ hỗ trợ đóng niệu đạo.
- Ở cả nam và nữ, một cơ đáy chậu ngang sâu (deep transverse perineal muscle) ở mỗi bên song song với bờ tự do của màng đáy chậu và hợp với cơ tương ứng phía bên đối diện ở đường giữa. Các cơ này được cho là cố định vị trị của thể đáy chậu, là một cấu trúc đường giữa dọc theo bờ sau của màng đáy chậu.
e. Thể đáy chậu (perineal body)
Thể đáy chậu là một cấu trúc mô liên kết không rõ ràng nhưng quan trọng mà các cơ của nền chậu và đáy chậu bám vào đó (Hình 9). Nó được định vị trên đường giữa dọc theo bờ sau của màng đáy chậu, nơi mà nó sẽ bám vào. Đầu sau của lỗ niệu – dục trong các cơ nâng hậu môn thì cũng kết nối với thể đáy chậu.
Các cơ đáy chậu ngang sâu giao ở thể đáy chậu; ở phụ nữ, cơ thắt niệu đạo – âm đạo cũng nối với thể đáy chậu. Các cơ khác mà kết nối với thể đáy chậu bao gồm cơ thắt hậu môn ngoài, các cơ đáy chậu ngang nông và các cơ hành xốp của đáy chậu.
Các bạn có thể xem thêm phần 1 tại đây nhé: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-vung-chau-phan-1/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!