Vùng chậu là vùng cơ thể mà được bao quanh bởi các xương chậu và các thành phần dưới của cột sống. Nó được chia thành 2 vùng chính: vùng trên là vùng chậu giả (vùng chậu lớn) và là một phần của khoang bụng; vùng dưới là vùng chậu thật (vùng chậu nhỏ), thành phần mà được giới hạn của khoang chậu.
Khoang chậu hình bát thì liên tục ở phía trên với khoang bụng. Vành của khoang chậu (eo trên) thì hoàn toàn được bao quanh bởi xương. Nền chậu là một cấu trúc sợi – cơ giúp phân chia khoang chậu ở phía trên và đáy chậu ở phía dưới.
Đáy chậu thì nằm dưới nền chậu và bờ của nó được hình thành bởi eo dưới. Đáy chậu chứa:
- Các lỗ tận cùng của các hệ thống tiêu hóa và tiết niệu
- Lỗ mở ngoài của đường sinh dục
- Các gốc của các cơ quan sinh dục ngoài
Vùng chậu
1. Các xương
Các xương của vùng chậu bao gồm các xương chậu (xương hông) phải và trái, xương cùng và xương cụt. Xương cùng khớp ở phía trên với xương đốt sống LV tại khớp thắt lưng – cùng. Các xương chậu khớp ở phía sau với xương cùng tại các khớp cùng – chậu và với nhau ở phía trước tại khớp mu.
a. Xương chậu
Xương chậu là xương có hình dạng không đều và có 2 phần chính được phân chia bởi một đường chếch trên mặt trong của xương (Hình 1A):
- Xương chậu phía trên đường này đại diện cho thành ngoài của chậu giả, là một phần của khoang bụng.
- Xương chậu bên dưới đường này đại diện cho thành ngoài của chậu thật, là thành phần chứa khoang chậu.
Đường tận cùng là 2/3 dưới của đường này và đóng góp vào việc hình thành nên bờ của eo trên.
Mặt ngoài của xương chậu có một ổ khớp lớn, được gọi là ổ cối (acetabulum), là thành phần cùng với đầu xương đùi hình thành nên khớp hông (Hình1B).
Phía dưới ổ cối là lỗ bịt (obturator foramen) lớn, hầu hết lỗ bịt được che bởi một màng mô liên kết dẹt, được gọi là màng bịt (obturator membrane). Một ống bịt nhỏ vẫn còn mở ở phía trên giữa màng và xương lân cận, cung cấp một đường liên hệ giữa chi dưới và khoang chậu.
Bờ sau của xương được được nổi bật bởi 2 khuyết mà được phân chia bởi gai ngồi (ischial spine):
- Khuyết ngồi lớn (greater sciatic notch)
- Khuyết ngồi nhỏ (lesser sciatic notch)
Bờ sau tận cùng ở phía dưới tại ụ ngồi (ischial tuberosity) lớn.
Bờ trước không đều của xương chậu được nổi bật bởi gai chậu trước trên (anterior superior iliac spine), gai chậu trước dưới (anterior inferior iliac spine) và củ mu (pubic tubercle).
Các thành phần của xương chậu
Mỗi xương chậu được hình thành bởi 3 thành phần: xương cánh chậu, xương mu và xương ngồi. Lúc sinh ra, các xương này được kết nối bởi sụn trong vùng ổ cối; sau này, trong khoảng 16 đến 18 tuổi, chúng sẽ dính thành một xương duy nhất (Hình 2).
Xương cánh chậu
Trong số 3 thành phần của xương chậu, xương cánh chậu (ilium) là thành phần xương nằm trên nhất.
Xương cánh chậu được phân tách thành các phần trên và dưới bởi một gờ trên mặt trong của nó (Hình 3A).
- Ở phía sau, gờ sắc và nằm ngay trên bề mặt xương mà khớp với xương cùng. Mặt cùng này có một diện hình chữ L lớn để khớp với xương cùng và một vùng gồ ghề mở rộng phía sau là chỗ bám cho các dây chằng vững chắc mà giúp hỗ trợ cho khớp cùng – chậu (Hình 3).
- Ở phía trước, gờ phân chia các phần trên và dưới của xương cánh chậu thì tù và được gọi là đường cung (arcuate line).
Đường cung hình thành nên một phần của đường tận cùng và vành chậu.
Một phần của xương cánh chậu nằm ở phía dưới đường cung là phần chậu của xương cánh chậu và đóng góp vào sự hình thành của thành chậu nhỏ hay chậu thật.
Phần trên của xương cánh chậu mở lên trên để hình thành nên một phần “cánh” dẹt hình quạt, thành phần mà cung cấp sự hỗ trợ xương cho vùng bụng dưới hay chậu giả. Phần này của xương cánh chậu cung cấp vị trí bám cho các cơ liên quan với chi dưới về mặt chức năng. Mặt trước – trong của cánh thì lõm và hình thành nên hố chậu (iliac fossa). Mặt ngoài (mặt mông) của cánh thì được nổi bật bởi các đường và các vùng gồ ghề và liên quan với vùng mông của chi dưới (Hình 3B).
Toàn bộ bờ trên của xương cánh chậu thì dày lên để hình thành nên một mào nổi bật (mào chậu [iliac crest]), là vị trí bám cho các cơ và mạc của vùng bụng, vùng lưng và chi dưới và tận cùng ở phía trước dưới dạng gai chậu trước trên (anterior superior iliac spine) và ở phía sau dưới dạng gai chậu sau trên (posterior superior iliac spine).
Một củ nổi bật, củ mào chậu (tuberculum of iliac crest), nhô ra bên ngoài gần đầu trước của mào; đầu sau của mào chậu dày lên để hình thành nên một củ chậu (iliac tuberosity).
Bên dưới gai chậu trước trên của mào chậu, trên bờ trước của xương cánh chậu là một lồi được gọi là gai chậu trước dưới (anterior inferior iliac spine). Cấu trúc này đóng vai trò như là một điểm bám của cơ thẳng đùi của khoang trước đùi và dây chằng chậu – đùi liên quan với khớp hông. Một gai chậu sau dưới (posterior inferior iliac spine) ít nổi bật hơn xuất hiện dọc theo bờ sau của mặt cùng của xương cánh chậu, nơi mà xương gập góc về phía trước để hình thành nên bờ trên của khuyết ngồi lớn.
Xương mu
Phần trước và dưới của xương chậu là xương mu (pubis) (Hình 3). Nó có một thân và 2 cành (ngành).
- Thân (body) thì dẹt theo hướng trước – sau và khớp với thân của xương mu ở bên còn lại tại khớp mu (pubic symphysis). Thân có một mào xương mu tù trên mặt trên của nó mà kết thúc ở phía bên ngoài dưới dạng một củ mu (pubic tubercle) nổi bật.
- Ngành mu trên (superior pubic ramus) nhô về phía sau – ngoài từ thân và khớp với xương cánh chậu và xương ngồi ở đáy của nó, là thành phần được định vị về phía ổ cối. Bờ trên sắc của diện tam giác này được gọi diện lược (pecten pubis) (đường lược [pectineal line]), là thành phần hình thành nên một phần của đường tận cùng và eo trên. Ở phía trước, đường này liên tục với mào xương mu (pubic crest), cũng là một phần của đường tận cùng và eo trên. Ngành mu trên (superior pubic ramus) được nổi bật trên mặt dưới của nó bởi rãnh bịt (obturator groove), là thành phần hình thành nên bờ trên của ống bịt.
- Ngành dưới hướng ra phía ngoài và xuống dưới để khớp với ngành xương ngồi.
Xương ngồi
Xương ngồi là phần sau và dưới của xương chậu (Hình 3). Nó có:
- Một thân lớn mà hướng lên phía trên để hợp với xương cánh chậu và ngành trên của xương mu.
- Một ngành hướng ra phía trước để khớp với ngành dưới của xương mu.
Bờ sau của xương được nổi bật bởi một gai ngồi (ischial spine) nhô lên rõ mà giúp phân chia khuyết ngồi nhỏ bên dưới với khuyết ngồi lớn bên trên.
Đặc điểm nổi bật nhất của xương ngồi là một ụ lớn (ụ ngồi [ischial tuberosity]) trên phía sau – dưới của xương. Ụ này là một vị trí quan trọng cho sự bám của các cơ chi dưới và cho sự nâng đỡ cơ thể khi ngồi.
b. Xương cùng
Xương cùng, là thành phần xương có hình dạng tam giác ngược, được hình thành bởi sự dính lại của 5 xương đốt sống cùng (Hình 4). Đáy của xương cùng khớp với xương đốt sống LV và đỉnh của nó khớp với xương cụt. Mỗi trong số các mặt bên của xương mang một diện hình chữ L lớn để khớp với xương cánh chậu của xương chậu. Phía sau diện khớp là một vùng gồ ghề lớn cho sự bám của các dây chằng mà hỗ trợ cho khớp cùng – chậu. Diện trên của xương cùng được đặc trưng bởi diện trên của thân xương đốt sống SI và được định vị ở mỗi bên bởi một mỏm ngang dạng cánh được gọi là cánh (ala). Bờ trước của thân đốt sống nhô về phía trước dưới dạng ụ nhô (promontory). Mặt trước của xương cùng thì lõm; mặt sau thì lồi. Bởi vì các mỏm ngang của các xương đốt sống cùng lân cận dính ở phía ngoài vị trí của lỗ gian đốt sống và phía ngoài của chỗ phân đôi của các dây thần kinh gai sống thành các nhánh sau và trước nên các nhánh sau và trước của các dây thần kinh gai sống từ S1 đến S4 xuất phát từ xương cùng qua các lỗ cùng. Có 4 cặp lỗ cùng trước (anterior sacral foramina) trên mặt trước của xương cùng cho các nhánh trước và 4 cặp lỗ cùng sau (posterior sacral foramina) trên mặt sau cho các nhánh sau. Ống cùng (sacral canal) là một sự liên tục của ống sống mà tận cùng dưới dạng lỗ cùng (sacral hiatus).
c. Xương cụt
Phần tận nhỏ của cột sống là xương cụt, thành phần xương này gồm 4 xương đốt sống cụt dính với nhau (Hình 4) và giống như xương cùng, nó có hình dạng tam giác ngược. Đáy xương cùng được hướng lên trên. Mặt trên mang một diện khớp với xương cùng và 2 sừng (horns hay cornua), mỗi sừng mỗi bên, các sừng này nhô lên trên để khớp hoặc dính với các sừng hướng xuống tương tự từ xương cùng. Các mỏm này chính là các mỏm khớp trên và dưới mà xuất hiện trên các xương đốt sống khác nhưng đã biến đổi. Mỗi mặt ngoài của xương cụt có một di tích của mỏm ngang, mở ra từ xương đốt sống cụt đầu tiên. Các cung đốt sống thì không có ở các xương đốt sống cụt; vì thế, không có ống sống xuất hiện ở xương cụt.
2. Các khớp
a. Các khớp thắt lưng – cùng
Xương cùng khớp ở bên trên với phần thắt lưng của cột sống. Các khớp thắt lưng – cùng được hình thành giữa xương đốt sống LV và xương cùng và bao gồm:
- Hai khớp liên mấu (zygapophysial joints), xuất hiện giữa các mỏm khớp trên và dưới.
- Một đĩa gian đốt sống mà giúp nối các thân của các xương đốt sống LV và SI (Hình 5A).
Các khớp này thì tương tự với các khớp giữa các xương đốt sống khác trừ việc xương cùng được gập góc ra phía sau trên xương đốt sống LV. Kết quả, phần trước của đĩa gian đốt sống giữa hai xương thì dày hơn phần sau.
Các khớp thắt lưng – cùng được tăng cường bởi các dây chằng chậu – thắt lưng và thắt lưng – cùng mà mở từ các mỏm ngang mở rộng của xương đốt sống LV lần lượt đến xương cánh chậu và xương cùng (Hình 5B).
b. Các khớp cùng – chậu
Các khớp cùng – chậu truyền các lực từ các chi dưới đến cột sống. Chúng là các khớp hoạt dịch giữa các diện khớp hình chữ L trên các mặt ngoài của xương cùng và các diện khớp tương tự trên phần xương cánh chậu của các xương chậu (Hình 6A). Các diện khớp có một đường viền không đều và cài vào nhau để hạn chế sự di động. Các khớp thường trở thành sợi theo tuổi và có thể trở nên cốt hóa một cách hoàn toàn.
Mỗi khớp cùng – chậu được cố định bởi 3 dây chằng:
- Dây chằng cùng – chậu trước (anterior sacro-iliac ligament), là một sự dày lên của màng sợi bao khớp và đi ra trước và xuống dưới đến khớp (Hình 6B).
- Dây chằng cùng – chậu gian cốt (interosseous sacro-iliac ligament), là dây chằng lớn nhất và khỏe nhất trong số 3 dây chằng, được định vị ngay phía sau – trên của khớp và nối với các vùng gồ ghề rộng trên xương cánh chậu và xương cùng, bằng cách đó, lấp đầy khoảng trống giữa hai xương (Hình 6A,C).
- Dây chằng cùng – chậu sau (posterior sacro-iliac ligament), giúp che phủ dây chằng cùng – chậu gian cốt (Hình 6C).
c. Khớp mu của xương mu
Khớp mu nằm ở phía trước giữa các mặt lân cận của các xương mu (Hình 7). Mỗi trong số các mặt khớp thì được che phủ bởi sụn hyaline (sụn trong) và được liên kết qua đường giữa đến các mặt lân cận bởi sụn sợi (fibrocartilage). Khớp được bao quanh bởi các lớp sợi collagen đan lẫn vào nhau và 2 dây chằng chính liên quan với nó là:
- Dây chằng mu trên (superior pubic ligament), nằm ở phía trên khớp
- Dây chằng mu dưới (inferior pubic ligament), nằm bên dưới khớp
3. Định hướng
Ở tư thế giải phẫu, vùng chậu được định hướng sao cho bờ trước của đỉnh khớp vệ và các gai chậu trước trên thì nằm trong cùng mặt phẳng đứng (Hình 8). Kết quả, eo trên, thành phần đánh dấu lối vào khoang chậu, thì bị nghiêng sao cho nó hướng ra phía trước và các thân của các xương mu và cung mu thì được định vị theo mặt phẳng gần như ngang, hướng xuống dưới.
4. Các sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới
Các vùng chậu của nữ giới và nam giới khác nhau theo một số phương diện, nhiều trong số đó là liên quan đến việc đi qua của một đứa trẻ qua khoang chậu trong suốt quá trình sinh con của phụ nữ.
- Eo trên ở phụ nữ có hình tròn (Hình 9A) so với eo trên hình trái tim (Hình 9B) ở nam giới. Hình dạng tròn hơn một phần được tạo ra bởi ụ nhô ít nổi bật hơn và các cánh xương cùng rộng hơn ở phụ nữ.
- Góc được tạo thành bởi 2 ngành của cung mu thì lớn hơn ở nữ giới (80° – 85°) so với ở nam (50° – 60°).
- Các gai ngồi nhìn chung thì không nhô xa vào bên trong khoang chậu ở nữ giới như ở nam giới.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!