Vùng đáy chậu là một vùng hình thoi nằm phía dưới nền chậu giữa hai đùi. Giới hạn ngoài của nó là eo trên; trần của nó là hoành chậu (cơ nâng hậu môn và cơ cụt); và các thành bên hẹp được hình thành bởi các thành của khoang chậu, bên dưới chỗ bám của cơ nâng hậu môn (Hình 1A).
Đáy chậu được chia thành một tam giác niệu – dục trước và một tam giác hậu môn sau.
- Tam giác niệu – dục thì liên quan với các lỗ mở của hệ thống sinh dục và hệ thống tiết niệu.
- Tam giác hậu môn chứa hậu môn và cơ thắt hậu môn ngoài.
Thần kinh thẹn (S2 đến S4) và động mạch thẹn trong là thần kinh và động mạch chính của vùng.
Các bờ và trần
Bờ của đáy chậu được đánh dấu bởi bờ dưới của khớp mu ở điểm trước của nó, đỉnh xương cụt ở điểm sau của nó; và ụ ngồi ở mỗi điểm ngoài của nó (Hình 1A). Các bờ ngoài được hình thành bởi ngành ngồi-mu ở phía trước và bởi các dây chằng cùng – ụ ngồi ở phía sau. Khớp mu, ụ ngồi và xương cụt có thể sờ được trên bệnh nhân.
Đáy chậu được phân chia thành 2 tam giác bởi một đường tưởng tượng giữa 2 ụ ngồi (Hình 1A). Phía trước đường này là tam giác niệu-dục và phía sau đường này là tam giác hậu môn. Đáng chú ý, 2 tam giác thì không cùng nằm trên một mặt phẳng. Ở tư thế giải phẫu, tam giác niệu – dục được định hướng trên mặt phẳng nằm ngang, ngược lại, tam giác hậu môn thì được nâng lên phía trên ở đường gian ụ ngồi sao cho nó hướng ra phía sau hơn.
Mái (trần) của vùng đáy chậu được hình thành chủ yếu bởi các cơ nâng hậu môn mà phân chia khoang chậu ở phía trên với vùng đáy chậu ở phía dưới. Các cơ này, ở mỗi bên, hình thành nên một hoành chậu hình nón hay hình phễu, với lỗ hậu môn nằm ở đỉnh dưới của nó trong vùng tam giác hậu môn.
Ở phía trước, tam giác niệu – dục (urogenital triangle), một khuyết hình chữ U trong các cơ, được gọi là lỗ niệu – dục (urogenital hiatus), cho phép sự đi qua của niệu đạo và âm đạo.
Màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu
Màng đáy chậu là một tấm sợi dày mà lấp đầy tam giác niệu – dục (Hình 1B). Nó có một bờ sau tự do, nó nối trên đường giữa với thể đáy chậu và được nối ở phía bên ngoài với cung mu. Ngay trên màng đáy chậu là một vùng hẹp được gọi là khoang đáy chậu sâu, chứa một lớp cơ xương và các mô thần kinh – mạch máu. Trong số các cơ xương trong khoang này có cơ thắt niệu đạo ngoài.
Màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu cung cấp sự nâng đỡ cho các cơ quan sinh dục ngoài, là các thành phần mà bám vào mặt dưới của màng đáy chậu. Ngoài ra, các phần của màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu ở phía dưới lỗ niệu – dục trong cơ nâng hậu môn cũng cung cấp sự hỗ trợ cho các tạng chậu ở phía trên.
Niệu đạo rời khoang chậu và đi vào trong đáy chậu bằng cách đi qua khoang đáy chậu sâu và màng đáy chậu. Ở nữ giới, âm đạo cũng đi qua các cấu trúc này ở phía sau niệu đạo.
Các hố ngồi – hậu môn và các túi thừa của nó
Bởi vì cơ nâng hậu môn đi vào phía trong từ nguyên ủy của nó trên các thành chậu ngoài ở phía trên đến lỗ hậu môn và lỗ niệu – dục ở phía dưới nên rãnh có hình nêm đảo ngược xuất hiện giữa các cơ nâng hậu môn và các thành chậu lân cận khi hai cấu trúc hội tụ ở bên dưới (Hình 2). Trong tam giác hậu môn, các rãnh này, ở mỗi bên của lỗ hậu môn, được gọi là các hố ngồi – hậu môn (ischio-anal fossae). Thành ngoài của mỗi hố thì được hình thành chủ yếu bởi xương ngồi, cơ bịt trong và dây chằng cùng – ụ ngồi. Thành trong là cơ nâng hậu môn. Các thành trong và ngoài hội tụ ở phía trên nơi mà cơ nâng hậu môn bám vào mạc phủ cơ bịt trong. Các hố ngồi-hậu môn cho phép sự vận động của hoành chậu và sự giãn nở của ống hậu môn trong suốt quá trình đi đại tiện.
Các hố ngồi – hậu môn của tam giác hậu môn thì liên tục ở phía trước với các khe mà nhô vào trong tam giác niệu – dục đến khoang đáy chậu sâu. Các khe trước này của các hố ngồi – hậu môn thì có hình dạng giống như một hình chóp 3 mặt mà nằm lên một trong các mặt của chúng (Hình 2C). Đỉnh của mỗi hình chóp được đóng và hướng ra phía trước về phía xương mu. Đáy thì mở và liên tục ở phía sau với các hố ngồi – hậu môn liên quan của nó. Thành dưới của mỗi hình chóp là khoang đáy chậu sâu. Thành trên trong là cơ nâng hậu môn và thành trên ngoài được hình thành chủ yếu bởi cơ bịt trong. Các hố ngồi – hậu môn và các khe trước của chúng bình thường sẽ chứa mỡ.
Tam giác hậu môn
Tam giác hậu môn của đáy chậu hướng ra phía sau dưới và được xác định ở phía ngoài bởi các bờ trong của các dây chằng cùng – ụ ngồi, ở phía trước bởi một đường ngang giữa hai ụ ngồi và ở phía sau bởi xương cụt. Trần của tam giác hậu môn là hoành chậu, được hình thành bởi cơ nâng hậu môn và cơ cụt. Lỗ hậu môn xuất hiện ở trung tâm của tam giác hậu môn và có liên quan ở hai bên với hố ngồi – hậu môn. Cơ chính trong tam giác hậu môn là cơ thắt hậu môn ngoài.
Cơ thắt hậu môn ngoài (external anal sphincter), bao quanh ống hậu môn, được hình thành bởi cơ xương và bao gồm 3 phần – sâu, nông và dưới da – sắp xếp tuần tự dọc theo ống hậu môn từ trên xuống dưới (Hình 1B, Bảng 1). Phần sâu là một vòng cơ dày mà bao quanh phần trên của ống hậu môn và hòa lẫn với các sợi của cơ nâng hậu môn. Phần nông cũng bao quanh ống hậu môn nhưng nó bám ở phía trước vào thể đáy chậu và ở phía sau vào xương cụt và dây chằng hậu môn – cụt. Phần dưới da là một đĩa cơ dẹp định hướng ngang mà bao quanh lỗ hậu môn ngay bên dưới da. Cơ thắt hậu môn ngoài được chi phối bởi các nhánh trực tràng dưới của dây thần kinh thẹn và bởi các nhánh trực tiếp từ nhánh trước của S4.
Tam giác niệu – dục
Tam giác niệu – dục của vùng đáy chậu là nửa trước của vùng đáy chậu và được định hướng trên mặt phẳng nằm ngang. Nó chứa các gốc của các cơ quan sinh dục ngoài (Hình 3) và các lỗ mở của hệ thống niệu – dục.
Tam giác niệu – dục được xác định:
- Ở phía bên ngoài bởi ngành ngồi – mu.
- Ở phía sau bởi đường thẳng tưởng tượng giữa các ụ ngồi
- Ở phía trước bởi bờ dưới của khớp mu
Giống với tam giác hậu môn, trần của tam giác niệu – dục là cơ nâng hậu môn.
Không giống với tam giác hậu môn, tam giác niệu – dục chứa một nền nâng đỡ sợi – cơ khỏe, là màng đáy chậu và khoang đáy chậu sâu mà được nối với cung mu.
Các sự mở rộng ra phía trước của các hố ngồi – hậu môn xuất hiện giữa khoang đáy chậu sâu và cơ nâng hậu môn ở mỗi bên.
Giữa màng đáy chậu và lớp màng của mạc nông là khoang đáy chậu nông (superficial perineal pouch). Các cấu trúc chủ yếu trong khoang này là các mô cương của dương vật và âm vật và các cơ xương liên quan.
Các cấu trúc trong khoang đáy chậu nông
Khoang đáy chậu nông chứa:
- Các cấu trúc cương mà hợp lại cùng với nhau để hình thành nên dương vật ở nam giới và âm vật ở nữ giới.
- Các cơ xương mà liên quan chủ yếu với các phần của các cấu trúc cương bám vào màng đáy chậu và xương lân cận.
Mỗi cấu trúc cương bao gồm một lõi trung tâm là mô mạch máu có thể giãn nở và vỏ mô liên kết bao quanh của nó.
Các mô cương
Hai hệ thống các cấu trúc mô cương hợp lại để hình thành nên dương vật và âm vật.
Một cặp thể hang (corpora cavernosa) hình trụ, mỗi thể hang ở một bên của tam giác niệu – dục, được nối bởi các đầu gần của chúng đến cung mu. Các phần bám này thường được gọi là các trụ (crura) (tiếng Latin có nghĩa là “các chân”) của âm vật hay dương vật. Các đầu xa của thể hang, phần mà không bám vào xương, hình thành nên thân của âm vật ở nữ giới và các phần lưng của thân dương vật ở nam giới.
Hệ thống các mô cương thứ hai bao quanh các lỗ mở của hệ thống niệu – dục.
- Ở nữ giới, một cặp cấu trúc cương, được gọi là hành tiền đình (bulbs of the vestibule) được định vị, ở mỗi bên, tại các lỗ âm đạo và được nối chắc chắn vào màng đáy chậu (Hình 3A). Các dải mô cương nhỏ kết nối các đầu trước của các hành này đến một khối mô cương hình hạt đậu, nhỏ, đơn, là quy đầu âm vật (glans clitoris), là thành phần nằm trên đường giữa ở tận cùng của thân âm vật và phía trước lỗ mở của niệu đạo.
- Ở nam giới, một khối mô cương lớn đơn, là thể xốp (corpus spongiosum), là tương đương về cấu trúc với các hành tiền đình, quy đầu âm vật và các dải kết nối của các mô cương ở nữ giới (Hình 3B). Thể xốp được nối ở gốc của nó với màng đáy chậu. Đầu gần của nó, phần mà không bám dính, hình thành nên phần bụng của thân dương vật và mở qua đầu tận của thân dương vật để hình thành nên quy đầu dương vật. Kiểu bố trí này ở nam là do việc không có một lỗ âm đạo và do sự hợp lại của các cấu trúc qua đường giữa trong suốt quá trình phát triển của phôi thai. Khi cặp cấu trúc mô cương ban đầu hợp lại, chúng bao quanh lỗ niệu đạo và hình thành nên một kênh bổ sung mà cuối cùng trở thành hầu hết phần dương vật của niệu đạo. Kết quả của sự hợp lại và tăng trưởng này ở nam giới là niệu đạo được bao lấy bởi thể xốp và mở ở cuối dương vật. Điều này thì không giống với trường hợp của nữ giới, khi mà niệu đạo không được bao lấy bởi mô cương âm vật và mở một cách trực tiếp vào trong tiền đình đáy chậu.
Âm vật
Âm vật bao gồm hai thể hang và quy đầu âm vật (glans clitoris) (Hình 3A). Giống như ở dương vật, nó có một phần bám (gốc) và một phần tự do (thân).
- Không giống gốc dương vật, gốc âm vật (root of the clitoris) về mặt cấu trúc bao gồm chỉ 2 trụ. (Mặc dù các hành tiền đình được nối với âm vật bởi các dải mô cương mảnh nhưng chúng thì không bao gồm trong phần bám của âm vật).
- Thân âm vật (body of clitoris), là thành phần được hình thành chỉ bởi các phần không bám của 2 thể hang, gập góc ra phía sau và được vùi trong các mô liên kết của đáy chậu.
Thân của âm vật được nâng đỡ bởi một dây chằng treo mà nối ở phía trên vào khớp mu. Quy đầu âm vật được nối với đầu xa của thân và được kết nối với các hành tiền đình bởi các dải mô cương nhỏ. Quy đầu âm vật được bộc lộ trong vùng đáy chậu và thân âm vật có thể được sờ thấy qua da.
Dương vật
Dương vật bao gồm chủ yếu 2 thể hang và một thể xốp đơn mà chứa niệu đạo (Hình 3B). Giống như âm vật, nó có một phần bám (gốc) và một phần tự do (thân):
- Gốc dương vật (root of the penis) bao gồm 2 trụ, là các phần gần của thể hang nối với cung mu và hành dương vật (bulb of the penis), là phần gần của thể xốp nối với màng đáy chậu.
- Thân dương vật (body of the penis), được che phủ toàn bộ bởi da, được hình thành bằng sự kết nối của 2 phần tự do gần của thể hang và phần tự do liên quan của thể xốp.
Gốc của thân dương vật được nâng đỡ bởi hai dây chằng là dây chằng treo dương vật (suspensory ligament of the penis) (nối ở phía trên vào khớp mu) và dây chằng nông hơn là dây chằng quai dương vật (fundiform ligament of the penis) (nối ở phía trên vào đường trắng của thành bụng trước và phân chia ở bên dưới thành hai dải mà đi ở mỗi bên của dương vật và hợp lại ở bên dưới).
Bởi vì vị trí giải phẫu của dương vật là khi cương lên nên cặp thể hang được định nghĩa là lưng của thân dương vật và thể xốp đơn được xác định là bụng dương vật, mặc dù các vị trí là ngược lại ở trạng thái không cương (nhũn).
Thể xốp giãn nở để hình thành nên đầu của dương vật (glans penis) trên các đầu xa của thể hang (Hình 3B).
Sự cương của mô cương
Sự cương của dương vật và âm vật là một sự kiện mạch máu được tạo ra bởi các sợi phó giao cảm được mang trong các dây thần kinh tạng chậu từ các nhánh trước của S2 đến S4, là các thành phần mà đi vào trong phần hạ vị dưới của đám rối trước sống và cuối cùng đi qua khoang đáy chậu sâu và màng đáy chậu để chi phối cho các mô cương. Sự kích thích của các dây thần kinh này làm cho các động mạch chuyên biệt trong các mô cương giãn ra. Điều này cho phép máu lấp đầy các mô, làm cho dương vật và âm vật trở nên cương.
Các động mạch cấp máu cho dương vật và âm vật là các nhánh của động mạch thẹn trong; các nhánh của thần kinh thẹn (S2 đến S4) mang các dây thần kinh cảm giác chung từ dương vật và âm vật.
Các tuyến tiền đình lớn
Các tuyến tiền đình lớn (các tuyến Bartholin [Bartholin’s glands]) được quan sát thấy ở nữ giới. Chúng là các tuyến niêm mạc hình hạt đậu nhỏ mà nằm sau các hành tiền đình ở mỗi bên của lỗ âm đạo và là tương đương ở nữ giới của các tuyến hành – niệu đạo ở nam giới (Hình 3). Tuy nhiên, các tuyến hành – niệu đạo nằm bên trong khoang đáy chậu sâu, ngược lại, các tuyến tiền đình lớn nằm trong khoang đáy chậu nông.
Ống của mỗi tuyến tiền đình lớn mở vào trong tiền đình đáy chậu dọc theo bờ sau ngoài của lỗ âm đạo.
Giống như các tuyến hành – niệu đạo ở nam giới, các tuyến tiền đình lớn sản xuất dịch tiết trong suốt quá trình hưng phấn tình dục.
Các cơ
Khoang đáy chậu nông chứa 3 cặp cơ: cơ ngồi – hang, cơ hành – xốp và cơ đáy chậu ngang nông (Hình 4 và Bảng 2). Hai trong số 3 cơ này là liên quan với các gốc dương vật và âm vật; cặp cơ còn lại thì liên quan với thể đáy chậu.
Cơ ngồi – hang
Hai cơ ngồi – hang (ischiocavernosus muscles) che phủ các trụ của dương vật và âm vật (Hình 4). Mỗi cơ được nối với bờ trong của ụ ngồi và ngành xương ngồi liên quan và đi về phía trước để nối với các bên và mặt dưới của trụ liên quan và giúp đẩy máu từ trụ vào trong thân của dương vật và âm vật.
Cơ hành – xốp
Hai cơ hành – xốp (bulbospongiosus muscles) thì liên quan chủ yếu với các hành tiền đình ở nữ giới và với các phần bám của thể xốp ở nam giới (Hình 4).
Ở nữ giới, mỗi cơ hành – xốp được nối ở phía sau với thể đáy chậu và đi ra phía trước ngoài qua mặt dưới của tuyến tiền đình lớn và hành tiền đình liên quan để nối với bề mặt của hành và với màng đáy chậu (Hình 4A). Các sợi khác đi ra phía trước ngoài để hòa lẫn với các sợi của cơ ngồi – hang và các sợi khác nữa đi ra phía trước và vòng cung qua thân âm vật.
Ở nam giới, các cơ hành – xốp được hợp lại ở đường giữa thành một đường đan (raphe) trên mặt dưới của hành dương vật. Đường đan thì nối ở phía sau với thể đáy chậu. Các sợi cơ đi ra phía trước – ngoài, ở mỗi bên, từ rãnh và thể đáy chậu để che phủ mỗi bên của hành dương vật và nối với màng đáy chậu và mô liên kết của hành. Các sợi cơ khác mở ra phía trước ngoài để liên kết với các trụ và nối ở phía trước đến các cơ ngồi – hang.
Ở cả nam và nữ, các cơ hành – xốp đè ép các phần bám của thể xốp và các hành tiền đình và tống máu vào trong các vùng xa hơn, chủ yếu là quy đầu. Ở nam giới, các cơ hành – xốp có thêm hai chức năng:
- Chúng tạo điều kiện cho sự tống sạch nước tiểu của phần hành của niệu đạo dương vật sau khi đi tiểu.
- Sự co cơ phản xạ trong suốt quá trình xuất tinh của chúng chịu trách nhiệm cho sự xuất tinh dịch theo nhịp từ dương vật.
Các cơ đáy chậu ngang nông
Cặp cơ đáy chậu ngang nông (superficial transverse perineal muscles) đi theo một chặng song song với bờ sau của mặt dưới của màng đáy chậu (Hình 4). Các cơ hình dải dẹp này, mà bám vào các ụ ngồi và ngành xương ngồi, mở vào bên trong đến thể đáy chậu trên đường giữa và giúp ổn định thể đáy chậu.
Theo dõi facebook của mình: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!