Vùng mông nằm ở phía sau-ngoài của phần chậu xương và đầu gần của xương đùi (Hình 1). Các cơ trong vùng chủ yếu giúp dạng, duỗi và xoay ngoài xương đùi so với xương chậu.
Vùng mông liên hệ ở phía trước-trong với khoang chậu và vùng đáy chậu lần lượt thông qua lỗ ngồi lớn và lỗ ngồi bé. Ở phía dưới, nó liên tự với vùng đùi sau.
Thần kinh ngồi đi vào chi dưới từ khoang chậu, đi qua lỗ ngồi lớn và đi xuống qua vùng mông, vào trong vùng đùi sau và sau đó vào trong cẳng chân và bàn chân.
Thần kinh thẹn và các mạch máu thẹn trong đi giữa khoang chậu và vùng đáy chậu bằng cách đầu tiên đi qua lỗ ngồi lớn để vào trong vùng mông và sau đó ngay lập tức đi qua lỗ ngồi bé để vào trong vùng đáy chậu. Thần kinh đến cơ bịt trong và cơ sinh đôi trên đi theo một chặng tương tự. Các thần kinh và mạch máu khác mà đi qua lỗ ngồi lớn từ khoang chậu thì sẽ chi phối cho các cấu trúc trong chính vùng mông.
Các cơ
Các cơ của vùng mông (Bảng 2) bao gồm chủ yếu hai nhóm:
- Một nhóm sâu của các cơ nhỏ, chủ yếu là giúp xoay ngoài xương đùi ở khớp hông và bao gồm cơ hình lê, cơ bịt trong, cơ sinh đôi trên, cơ sinh đôi dưới và cơ vuông đùi.
- Một nhóm nông hơn của các cơ lớn hơn mà chủ yếu giúp dạng và duỗi khớp hông và bao gồm cơ mông nhỏ, cơ mông nhỡ và cơ mông lớn; một cơ nữa trong nhóm này, là cơ căng mạc đùi, giúp ổn định gối trong động tác duỗi bằng cách tác động lên một dải dọc chuyên biệt của mạc sâu (dải chậu-chày) mà đi xuống dưới theo phía ngoài của đùi để bám tận đến đầu gần của xương chày trong cẳng chân.
Nhiều trong số các dây thần kinh quan trọng của vùng mông là nằm trong mặt phẳng giữa các nhóm cơ nông và sâu.
Nhóm cơ sâu
Cơ hình lê
Cơ hình lê (piriformis muscle) là cơ nông nhất của nhóm cơ sâu (Hình 2) và là một cơ của thành chậu và của vùng mông. Nó xuất phát từ giữa các lỗ cùng trước trên mặt trước-ngoài của xương cùng và đi ra phía ngoài và xuống dưới qua lỗ ngồi lớn.
Trong vùng mông, cơ hình lê đi ra sau khớp hông và bám vào một diện trên bờ trên của mấu chuyển lớn xương đùi.
Cơ hình lê xoay ngoài và dạng xương đùi ở khớp hông và được chi phối trong khoang chậu bởi thần kinh đến cơ hình lê, là thần kinh xuất phát dưới dạng các nhánh từ S1 và S2 của đám rối cùng.
Ngoài hoạt động của nó trên khớp hông, cơ hình lê là một mốc giải phẫu quan trọng bởi vì nó phân chia lỗ ngồi lớn thành 2 vùng, một bên trên và một bên dưới cơ hình lê. Các mạch máu và các thần kinh đi giữa vùng chậu và vùng mông bằng cách đi qua lỗ ngồi lớn ở bên trên hoặc bên dưới cơ hình lê.
Cơ bịt trong
Cơ bịt trong (obturator internus), giống như cơ hình lê, là một cơ của thành chậu và của vùng mông (Hình 2). Nó là một cơ hình quạt dẹt xuất phát từ mặt trong của màng bịt và xương lân cận của lỗ bịt. Bởi vì nền chậu bám vào một dải mạc dày qua mặt trong của cơ bịt trong nên cơ bịt trong hình thành nên:
- Thành trước-ngoài của khoang chậu phía trên nền chậu
- Thành ngoài của các hố ngồi-hậu môn trong vùng đáy chậu ở bên dưới nền chậu.
Các sợi cơ của cơ bịt trong hội tụ lại để hình thành nên một gân mà gấp 90o quanh xương ngồi ở giữa gai xương ngồi và ụ ngồi và đi qua lỗ ngồi nhỏ để đi vào trong vùng mông. Gân sau đó sẽ đi ra phía sau-dưới đến khớp hông và bám vào mặt trong của bờ trên của mấu chuyển lớn xương đùi ngay bên dưới chỗ bám của cơ hình lê.
Cơ bịt trong xoay ngoài và dạng xương đùi ở khớp hông và được chi phối bởi thần kinh đến cơ bịt trong.
Cơ sinh đôi trên và dưới
Cơ sinh đôi trên và dưới (gemelli là tiếng Latin của “sinh đôi”) là một cặp cơ hình tam giác liên quan với các bờ trên và dưới của gân cơ bịt trong (Hình 2).
- Đáy của cơ sinh đôi trên (gemellus superior) xuất phát từ diện mông của gai xương ngồi.
- Đáy của cơ sinh đôi dưới (gemellus inferior) xuất phát từ các diện mông trên và chậu của ụ ngồi.
Các sợi của các cơ sinh đôi bám dọc theo chiều dài của gân cơ bịt trong và các đỉnh của hai cơ này bám tận cùng với gân của cơ bịt trong lên trên mấu chuyển lớn xương đùi.
Cơ sinh đôi trên được chi phối bởi thần kinh đến cơ bịt trong và cơ sinh đôi dưới được chi phối bởi thần kinh đến cơ vuông đùi. Các cơ sinh đôi hoạt động cùng với cơ bịt trong để xoay ngoài và dạng xương đùi ở khớp hông.
Cơ vuông đùi
Cơ vuông đùi (quadratus femoris) là cơ dưới nhất của nhóm cơ sâu trong vùng mông (Hình 2). Nó là một cơ hình chữ nhật dẹt nằm ở bên dưới cơ bịt trong và các cơ sinh đôi liên quan.
Cơ vuông đùi được nối ở một đầu vào trong một đường ráp thẳng trên mặt ngoài của xương ngồi, ngay trước ụ ngồi và ở đầu còn lại vào củ vuông trên mào gian mấu của phần gần xương đùi.
Cơ vuông đùi xoay ngoài xương đùi ở khớp hông và được chi phối bởi thần kinh đến cơ vuông đùi.
Nhóm cơ nông
Cơ mông bé và cơ mông nhỡ
Cơ mông bé và cơ mông nhỡ là hai cơ của nhóm cơ nông hơn trong vùng mông (Hình 2).
Cơ mông bé (gluteus minimus) là cơ hình quạt mà xuất phát từ diện ngoài của phần trên mở rộng của xương cánh chậu, giữa đường mông dưới và đường mông trước. Các sợi cơ hội tụ bên dưới và bên ngoài để hình thành nên một gân mà bám tận vào trong một diện thẳng rộng trên mặt trước-ngoài của mấu chuyển lớn.
Cơ mông nhỡ (gluteus medius) phủ trên cơ mông bé và cũng có hình quạt. Nó có một nguyên ủy rộng từ diện ngoài của xương cánh chậu giữa đường mông trước và đường mông sau và bám tận lên một diện dài trên mặt ngoài của mấu chuyển lớn.
Cơ mông nhỡ và cơ mông nhỏ dạng chi dưới tại khớp hông và làm giảm sự hạ xương chậu qua phía chi di chuyển bên đối diện trong suốt quá trình đi lại bằng cách giữ vững vị trí của xương chậu trên chi trụ (Hình 2B). Cả hai cơ đều được chi phối bởi thần kinh mông trên.
Cơ mông lớn
Cơ mông lớn (gluteus maximus) là cơ lớn nhất trong vùng mông và phủ trên hầu hết các cơ mông khác (Hình 3).
Cơ mông lớn là cơ có hình tứ giác và có một nguyên ủy rộng, mở từ một diện xù xì của xương cánh chậu ở phía sau đường mông sau và dọc theo diện sau của xương cùng dưới và diện ngoài của xương cụt cho đến diện ngoài của dây chằng cùng-ụ ngồi. Nó cũng bám vào mạc phủ trên cơ mông nhỡ và vào mạc phủ trên cơ dựng sống ở giữa xương cánh chậu và xương cùng và thường được mô tả là được bao trong hai lớp của mạc đùi mà che phủ vùng đùi và vùng mông.
Ở phía ngoài, các phần trên và dưới nông của cơ mông lớn bám tận vào trong phía sau của một phần dày lên dạng gân của mạc đùi (dải chậu-chày), mà đi qua mặt ngoài của mấu chuyển lớn và đi xuống theo đùi và vào trong vùng cẳng chân trên. Các phần xa sâu của cơ bám vào lồi củ cơ mông dài của phần gần xương đùi.
Cơ mông lớn chủ yếu giúp duỗi đùi đang gấp ở khớp hông. Thông qua sự bám tận của nó vào trong dải chậu-chày, nó cũng giúp ổn định khớp gối và khớp hông. Nó được chi phối bởi thần kinh mông dưới.
Cơ căng mạc đùi
Cơ căng mạc đùi (tensor fasciae latae) là cơ trước nhất của nhóm cơ nông trong số các cơ trong vùng mông và phủ trên cơ mông nhỏ và phần trước của cơ mông nhỡ (Hình 4).
Cơ căng mạc đùi xuất phát từ bờ ngoài của mào chậu từ gai chậu trước trên đến gần củ mào chậu. Các sợi cơ đi xuống dưới để bám tận vào trong phía trước dải chậu-chày của mạc sâu, là cấu trúc mà chạy xuống theo phía ngoài của đùi và bám vào phần trên xương chày. Giống như cơ mông lớn, cơ căng mạc đùi được bao bên trong một khoang của mạc đùi.
Các cơ căng mạc đùi giúp ổn định khớp gối trong động tác duỗi, hoạt động cùng với cơ mông lớn trên dải chậu-chày ở phía ngoài của mấu chuyển lớn, giúp ổn định khớp hông bằng cách giữ đầu của xương đùi trong ổ cối (Hình 4). Nó được chi phối bởi thần kinh mông trên.
Các dây thần kinh
Bảy dây thần kinh đi vào trong vùng mông từ vùng chậu thông qua lỗ ngồi lớn (Hình 5): thần kinh mông trên, thần kinh ngồi, thần kinh đến cơ vuông đùi, thần kinh đến cơ bịt trong, thần kinh bì đùi sau, thần kinh thẹn và thần kinh mông dưới.
Thêm một thần kinh, là thần kinh bì xuyên, đi vào trong vùng mông bằng cách đi một cách trực tiếp qua dây chằng cùng-ụ ngồi.
Một số trong số các dây thần kinh này, như thần kinh ngồi và thần kinh thẹn, là đi qua vùng mông khi đang trên đường đi đến các vùng khác. Các dây thần kinh như mông trên và mông dưới thì chi phối cho các cấu trúc trong vùng mông. Nhiều trong số các dây thần kinh này trong vùng mông là nằm trong mặt phẳng giữa các nhóm cơ nông và sâu.
Thần kinh mông trên
Trong số tất cả các thần kinh đi qua lỗ ngồi lớn thì thần kinh mông trên (superior gluteal nerve) là thần kinh duy nhất mà đi phía trên cơ hình lê (Hình 5). Sau khi đi vào trong vùng mông, thần kinh vòng lên trên qua trên bờ dưới của cơ mông nhỏ và đi ra phía trước và ra ngoài trong mặt phẳng giữa cơ mông nhỏ và cơ mông nhỡ.
Thần kinh mông trên cung cấp các nhánh đến cơ mông nhỏ và cơ mông nhỡ và tận cùng bởi sự chi phối cho cơ căng mạc đùi.
Thần kinh ngồi
Thần kinh ngồi (sciatic nerve) đi vào trong vùng mông qua lỗ ngồi lớn ở phía dưới cơ hình lê (Hình 5). Nó đi xuống trong mặt phẳng giữa nhóm nông và sâu của các cơ vùng mông, bắt chéo mặt sau của cơ bịt trong và các cơ sinh đôi liên quan đầu tiên và sau đó đến cơ vuông đùi. Nó nằm sâu ngay dưới cơ mông lớn ở điểm giữa ụ ngồi và mấu chuyển lớn. Ở bờ dưới của cơ vuông đùi, thần kinh ngồi đi vào trong vùng đùi sau.
Thần kinh ngồi là thần kinh lớn nhất trong cơ thể và chi phối cho tất cả các cơ trong khoang đùi sau mà giúp gấp gối và tất cả các cơ mà hoạt động ở cổ chân và bàn chân. Nó cũng chi phối cho một diện tích da rộng trong chi dưới.
Thần kinh đến cơ vuông đùi
Thần kinh đến cơ vuông đùi (nerve to the quadratus femoris) đi vào trong vùng mông thông qua lỗ ngồi lớn, phía dưới cơ hình lê và sâu dưới so với thần kinh ngồi (Hình 5). Không giống như các thần kinh khác trong vùng mông, thần kinh đến cơ vuông đùi nằm phía trước mặt phẳng của các cơ sâu.
Thần kinh đến cơ vuông đùi đi xuống dọc theo xương ngồi, sâu dưới gân cơ bịt trong và các cơ sinh đôi liên quan để đâm xuyên và chi phối cho cơ vuông đùi. Nó cung cấp một nhánh nhỏ đến cơ sinh đôi dưới.
Thần kinh đến cơ bịt trong
Thần kinh đến cơ bịt trong (nerve to the obturator internus) đi vào trong vùng mông thông qua lỗ ngồi lớn, dưới cơ hình lê và giữa thần kinh bì đùi sau và thần kinh thẹn (Hình 5). Nó cung cấp một nhánh nhỏ đến cơ sinh đôi trên và sau đó đi qua trên gai xương ngồi và qua lỗ ngồi nhỏ để chi phối cho cơ bịt trong từ mặt trong của cơ trong vùng đáy chậu.
Thần kinh bì đùi sau
Thần kinh bì đùi sau (hay thần kinh bì sau của đùi) (posterior cutaneous nerve of the thigh) đi vào trong vùng mông qua lỗ ngồi lớn, phía dưới cơ hình lê và ngay phía trong thần kinh ngồi (Hình 5). Nó đi xuống qua vùng mông sâu ngay dưới cơ mông lớn và đi vào trong vùng đùi sau.
Thần kinh bì đùi sau có một số nhánh mông mà vòng quanh bờ dưới của cơ mông lớn để chi phối cho da phủ trên nếp lằn mông. Một nhánh đáy chậu nhỏ đi vào bên trong để đóng góp vào sự chi phối cho da của bìu hoặc môi lớn trong vùng đáy chậu. Thân chính của thần kinh bì đùi sau của vùng đùi đi xuống dưới, cho ra các nhánh mà chi phối cho da phủ trên vùng đùi và vùng cẳng chân sau.
Thần kinh thẹn
Thần kinh thẹn (pudendal nerve) đi vào trong vùng mông qua lỗ ngồi lớn ở phía dưới cơ hình lê và phía trong thần kinh ngồi (Hình 5). Nó đi qua trên dây chằng cùng-gai ngồi và ngay lập tức đi qua lỗ ngồi nhỏ để đi vào trong vùng đáy chậu. Chặng đi của thần kinh thẹn trong vùng mông thì ngắn và thần kinh thường bị ẩn bởi bờ trên của dây chằng cùng-ụ ngồi phủ bên trên.
Thần kinh thẹn là thần kinh soma chính của vùng đáy chậu và không có các nhánh trong vùng mông.
Thần kinh mông dưới
Thần kinh mông dưới (inferior gluteal nerve) đi vào trong vùng mông qua lỗ ngồi lớn ở phía dưới cơ hình lê và dọc theo mặt sau của thần kinh ngồi (Hình 5). Nó đâm xuyên và chi phối cho cơ mông lớn.
Thần kinh bì xuyên
Thần kinh bì xuyên (perforating cutaneous nerve) là thần kinh duy nhất trong vùng mông mà không đi vào vùng qua lỗ ngồi lớn. Nó là một thần kinh nhỏ mà rời đám rối cùng trong khoang chậu bằng cách đâm xuyên qua dây chằng cùng-ụ ngồi. Nó sau đó vòng quanh bờ dưới của cơ mông lớn để chi phối cho da phủ trên mặt trong của cơ mông lớn (Hình 5).
Các động mạch
Hai động mạch đi vào trong vùng mông từ khoang chậu qua lỗ ngồi lớn, là động mạch mông dưới và động mạch mông trên (Hình 6). Chúng cấp máu cho các cấu trúc trong vùng mông và vùng đùi sau và có các thông nối bàng hệ quan trọng với các nhánh của động mạch đùi.
Động mạch mông dưới
Động mạch mông dưới (inferior gluteal artery) xuất phát từ thân trước của động mạch chậu trong trong khoang chậu. Nó rời khoang chậu cùng với thần kinh mông dưới qua lỗ ngồi lớn ở phía dưới cơ hình lê (Hình 6).
Động mạch mông dưới cấp máu cho các cơ lân cận và đi xuống qua vùng mông và vào trong vùng đùi sau, nơi mà nó cấp máu cho các cấu trúc lân cận và thông nối với các nhánh xuyên của động mạch đùi. Nó cũng cung cấp một nhánh đến thần kinh ngồi.
Động mạch mông trên
Động mạch mông trên (superior gluteal artery) xuất phát từ thân sau của động mạch chậu trong trong khoang chậu. Nó rời khoang chậu cùng với thần kinh mông trên qua lỗ ngồi lớn ở phía trên cơ hình lê (Hình 6). Trong vùng mông, nó phân chia thành một nhánh nông và một nhánh sâu:
- Nhánh nông đi lên trên mặt sâu của cơ mông lớn.
- Nhánh sâu đi giữa cơ mông nhỡ và cơ mông nhỏ.
Ngoài các cơ lân cận, động mạch mông trên cũng đóng góp vào sự cấp máu cho khớp hông. Các nhánh của động mạch cũng thông nối với các động mạch mũ đùi ngoài và trong từ động mạch đùi sâu trong vùng đùi và với động mạch mông dưới (Hình 7).
Các tĩnh mạch
Các tĩnh mạch mông dưới và trên (inferior and superior gluteal veins) đi theo các động mạch mông dưới và trên vào trong vùng chậu, nơi mà chúng hợp với đám rối các tĩnh mạch chậu. Ở ngoại vi, các tĩnh mạch thông nối với các tĩnh mạch mông nông, mà cuối cùng sẽ thoát máu ra phía trước, vào trong tĩnh mạch đùi.
Các mạch bạch huyết
Các mạch bạch huyết sâu của vùng mông đi kèm theo các mạch máu vào trong khoang chậu và kết nối với các hạch chậu trong.
Các mạch bạch huyết nông thoát dịch vào trong các hạch bẹn nông trên mặt trước của đùi.
Các bạn có thể xem bài viết mới trên Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết trước tại đây: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-chi-duoi-mac-sau-lo-tinh-mach-hien-va-tam-giac-dui/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!