Các cơ
Các cơ của đùi được sắp xếp trong 3 khoang được phân chia bởi các vách gian cơ (Hình 1).
Khoang đùi trước (anterior compartment of the thigh) chứa cơ may và bốn cơ tứ đầu đùi lớn (cơ thẳng đùi, cơ rộng ngoài, cơ rộng giữa và cơ rộng trong). Tất cả đều được chi phối bởi thần kinh đùi. Ngoài ra, các đầu tận của cơ thắt lưng lớn và cơ chậu cũng đi vào trong phần trên của khoang đùi trước từ các vị trí nguyên ủy trên thành bụng sau. Các cơ này được chi phối bởi các nhánh trực tiếp từ nhánh trước của L1 đến L3 (cơ thắt lưng lớn) hay từ thần kinh đùi (cơ chậu) khi nó đi xuống theo thành bụng.
Khoang đùi trong (medial compartment of the thigh) chứa sáu cơ (cơ thon, cơ lược, cơ khép dài, cơ khép ngắn, cơ khép lớn và cơ bịt ngoài). Tất cả các cơ trừ cơ lược mà được chi phối bởi thần kinh đùi và một phần của cơ khép lớn mà được chi phối bởi thần kinh ngồi, là được chi phối bởi thần kinh bịt.
Khoang đùi sau (posterior compartment of the thigh) chứa ba cơ lớn được gọi là “các cơ đùi sau” (hamstrings). Tất cả đều được chi phối bởi thần kinh ngồi.
Khoang đùi trước
Các cơ trong khoang đùi trước (Bảng 3) hoạt động trên khớp hông và khớp gối:
- Cơ thắt lưng lớn và cơ chậu hoạt động trên khớp hông
- Cơ may và cơ thẳng đùi hoạt động trên cả khớp hông và khớp gối
- Các cơ rộng hoạt động trên khớp gối.
Cơ chậu-thắt lưng – cơ thắt lưng lớn và cơ chậu
Cơ thắt lưng lớn (psoas major) và cơ chậu (iliacus) xuất phát trên thành bụng sau và đi xuống vào trong phần trên của khoang đùi trước qua nửa ngoài của khoảng trống giữa dây chằng bẹn và xương chậu (Hình 2).
Mặc dù cơ chậu và cơ thắt lưng lớn xuất phát dưới dạng các cơ riêng biệt trong vùng bụng nhưng cả hai sẽ bám tận bởi một gân chung lên trên mấu chuyển nhỏ của xương đùi và cùng với nhau thường được gọi chung là cơ chậu-thắt lưng (iliopsoas).
Cơ chậu-thắt lưng là một cơ gấp mạnh của đùi ở khớp hông và cũng có thể đóng góp vào động tác xoay ngoài của đùi. Cơ thắt lưng lớn được chi phối bởi các nhánh từ nhánh trước của L1 đến L3 và cơ chậu được chi phối bởi các nhánh từ thần kinh đùi trong vùng bụng.
Cơ tứ đầu đùi – cơ rộng trong, cơ rộng giữa, cơ rộng ngoài và cơ thẳng đùi
Cơ tứ đầu đùi (quadriceps femoris) lớn chứa 3 cơ rộng (cơ rộng trong, cơ rộng giữa và cơ rộng ngoài) và cơ thẳng đùi (Hình 3).
Cơ tứ đầu đùi chủ yếu giúp duỗi cẳng chân ở khớp gối nhưng thành phần cơ thẳng đùi cũng hỗ trợ sự gấp của đùi ở khớp hông. Bởi vì các cơ rộng bám tận vào trong các bờ của xương bánh chè cũng như là vào trong gân của cơ tứ đầu đùi, nên chúng giúp ổn định vị trí của xương bánh chè trong suốt quá trình vận động của khớp gối.
Cơ tứ đầu đùi được chi phối thần kinh bởi thần kinh đùi với các sự đóng góp chủ yếu từ các đoạn tủy L3 và L4. Vì thế, một sự gõ bằng búa cao su lên dây chằng xương bánh chè sẽ giúp kiểm tra hoạt động phản xạ chủ yếu ở các mức tủy L3 và L4.
Các cơ rộng
Các cơ rộng xuất phát từ xương đùi, ngược lại, cơ thẳng đùi xuất phát từ xương chậu. Tất cả đều bám đầu tiên vào xương bánh chè bởi gân cơ tứ đầu đùi và sau đó vào xương chày bởi dây chằng xương bánh chè (patellar ligament).
Cơ rộng trong (vastus medialis) xuất phát từ một đường bám liên tục trên xương đùi mà bắt đầu ở phía trước-trong trên đường gian mấu và tiếp tục theo phía sau-dưới dọc theo đường lược và sau đó đi xuống dọc theo bờ trong của đường ráp và lên trên đường trên lồi cầu trong. Các sợi cơ hội tụ lên trên mặt trong của gân cơ tứ đầu đùi và bờ trong của xương bánh chè (Hình 3).
Cơ rộng giữa (vastus intermedius) xuất phát chủ yếu từ hai phần ba trên của các mặt trước và ngoài của xương đùi và vách gian cơ lân cận (Hình 3). Nó hợp vào trong mặt sâu của gân cơ tứ đầu đùi và cũng bám vào bờ ngoài của xương bánh chè và lồi cầu ngoài của xương chày.
Một cơ nhỏ (cơ khớp gối [articularis genus]) xuất phát từ xương đùi, ngay bên dưới nguyên ủy của cơ rộng giữa và bám tận vào trong túi hoạt dịch trên xương bánh chè mà liên quan với khớp gối (Hình 3). Cơ khớp này, thường là một phần của cơ rộng giữa, giúp kéo bao hoạt dịch ra khỏi khớp gối trong suốt động tác duỗi.
Cơ rộng ngoài (vastus lateralis) là cơ rộng lớn nhất (Hình 3). Nó xuất phát từ một đường bám liên tục, mà bắt đầu ở phía trước-ngoài từ phần trên của đường gian mấu của xương đùi và sau đó đi vòng ở phía bên ngoài quanh xương để bám vào bờ ngoài của lồi củ cơ mông và tiếp tục đi xuống theo phần trên của bờ ngoài đường ráp. Các sợi cơ hội tụ chủ yếu lên trên gân cơ tứ đầu đùi và bờ ngoài của xương bánh chè.
Cơ thẳng đùi
Không giống như các cơ rộng, mà chỉ đi qua khớp gối, cơ thẳng đùi (rectus femoris) thì đi qua cả khớp hông và khớp gối (Hình 3).
Cơ thẳng đùi có hai đầu nguyên ủy gân từ xương chậu:
- Một từ gai chậu trước trên (đầu thẳng [straight head])
- Đầu còn lại từ một diện xù xì của xương cánh chậu ngay bên trên ổ cối (đầu gập [reflected head]) (Hình 3).
Hai đầu của cơ thẳng đùi hợp lại để hình thành nên một bụng cơ dài nằm ở phía trước cơ rộng giữa và giữa cơ rộng ngoài và cơ rộng trong mà được bám ở hai bên. Ở đầu xa, cơ thẳng đùi hội tụ trên gân cơ tứ đầu đùi và bám tận lên đáy xương bánh chè.
Dây chằng xương bánh chè
Dây chằng xương bánh chè là sự liên tục về mặt chức năng của gân cơ tứ đầu đùi bên dưới xương bánh chè và được nối ở bên trên vào đỉnh và các bờ của xương bánh chè và bên dưới vào lồi củ xương chày (Hình 3). Các sợi nông hơn của gân cơ tứ đầu đùi và dây chằng xương bánh chè thì liên tục trên mặt trước của xương bánh chè và các sợi ngoài và trong thì liên tục với dây chằng bên cạnh các bờ của xương bánh chè.
Cơ may
Cơ may (sartorius) là cơ nông nhất trong khoang đùi trước và là một cơ hình dây dài mà đi xuống chéo qua vùng đùi từ gai chậu trước trên đến mặt trong của thân gần xương chày (Hình 3). Sự bám tận dạng cân dẹt của nó vào xương chày thì nằm ở ngay trước chỗ bám tận của cơ thon và cơ bán gân.
Cơ may, cơ thon và cơ bán gân bám vào xương chày theo một kiểu chạc ba trên xương chày, vì thế các gân bám tận kết hợp thường được gọi là “pes anserinus” (tiếng Latin của “chân ngỗng”).
Trong một phần ba trên của vùng đùi, bờ trong của cơ may hình thành nên bờ ngoài của tam giác đùi.
Trong một phần ba giữa của đùi, cơ may hình thành nên thành trước của ống cơ khép.
Cơ may hỗ trợ trong việc gấp đùi ở khớp hông và cẳng chân ở khớp gối. Nó cũng giúp dạng đùi và xoay ngoài đùi, như khi đặt bàn chân nghỉ lên trên gối bên đối diện khi ngồi.
Cơ may được chi phối bởi thần kinh đùi.
Khoang đùi trong
Có sáu cơ trong khoang đùi trong (Bảng 4): cơ thon, cơ lược, cơ khép dài, cơ khép ngắn, cơ khép lớn và cơ bịt ngoài (Hình 4). Cùng với nhau, tất cả các cơ này trừ cơ bịt ngoài, chủ yếu giúp khép đùi ở khớp hông; các cơ khép cũng có thể xoay trong đùi. Cơ bịt ngoài là một cơ xoay ngoài của đùi ở khớp hông.
Cơ thon
Cơ thon (gracilis) là cơ nông nhất trong số các cơ trong khoang đùi trong và đi xuống gần như thẳng đứng theo mặt trong của đùi (Hình 4). Nó được bám ở phía trên vào mặt ngoài ngành ngồi-mu của xương chậu và bên dưới vào mặt trong của thân gần xương chày, nơi mà nó nằm kẹp giữa gân của cơ may ở phía trước và gân của cơ bán gân ở phía sau.
Cơ lược
Cơ lược (pectineus) là một cơ tứ giác dẹt (Hình 5). Nó được nối ở phía trên vào đường lược của xương chậu và xương lân cận, và đi xuống ra bên ngoài để bám vào một đường chếch mở từ nền của mấu chuyển nhỏ đến đường ráp trên mặt sau của phần gần xương đùi.
Từ nguyên ủy của nó trên xương chậu, cơ lược đi vào trong đùi ở bên dưới dây chằng bẹn và hình thành nên một phần nền của nửa trong của tam giác đùi.
Cơ lược giúp khép và gấp đùi ở khớp hông và được chi phối bởi thần kinh đùi.
Cơ khép dài
Cơ khép dài (adductor longus) là một cơ dạng quạt dẹt mà xuất phát từ một vùng tam giác xù xì nhỏ trên mặt ngoài của thân xương mu, ngay bên dưới mào xương mu và bên ngoài khớp mu (Hình 5). Nó mở rộng khi nó đi xuống theo phía sau-ngoài để bám tận thông qua một cân vào trong một phần ba giữa của đương ráp.
Cơ khép dài đóng góp vào nền của tam giác đùi và bờ trong của nó giúp hình thành nên bờ trong của tam giác đùi. Cơ cũng hình thành nên thành sau gần của ống cơ khép.
Cơ khép dài giúp khép và xoay trong đùi ở khớp hông và được chi phối bởi phân nhánh trước của thần kinh bịt.
Cơ khép ngắn
Cơ khép ngắn (adductor brevis) nằm ở phía sau của cơ lược và cơ khép dài. Nó là một cơ hình tam giác bám bởi đỉnh của nó vào thân xương mu và phía dưới ngành mu dưới, ngay trên nguyên ủy của cơ thon (Hình 5). Cơ được bám bởi đáy mở rộng của nó thông qua một cân vào một đường dọc mở từ phía ngoài chỗ bám tận của cơ lược, vào trong phía trên của đường ráp, ở phía ngoài chỗ bám của cơ khép dài.
Cơ khép ngắn giúp khép và xoay trong đùi ở khớp hông và được chi phối bởi thần kinh bịt.
Cơ khép lớn
Cơ khép lớn (adductor magnus) là cơ lớn nhất và sâu nhất của các cơ trong khoang đùi trong (Hình 6). Cơ hình thành nên thành sau phía xa của ống cơ khép. Giống như cơ khép dài và cơ khép ngắn, cơ khép lớn là một cơ có hình tam giác hay hình quạt được nối bởi đỉnh của nó vào vùng xương chậu và được bám bởi đáy mở rộng của nó vào xương đùi.
Trên xương chậu, cơ khép lớn được nối dọc theo một đường mà mở từ ngành mu dưới, phía trên các vị trí bám của cơ khép dài và cơ khép ngắn và dọc theo ngành của xương ngồi đến ụ ngồi. Một phần của cơ mà xuất phát từ ngành ngồi-mu mở rộng ra phía bên ngoài và xuống dưới để bám tận lên xương đùi dọc theo một đường bám dọc mà mở từ ngay dưới củ vuông và phía phía trong lồi củ cơ mông, dọc theo đường ráp và lên trên đường trên lồi cầu trong. Phần ngoài này của cơ thường được gọi là “phần cơ khép” của cơ khép lớn.
Phần trong của cơ khép lớn, thường được gọi là “phần cơ đùi sau” (“hamstring part”), xuất phát từ ụ ngồi của xương chậu và đi xuống gần như thẳng đứng dọc theo đùi để bám tận thông qua một gân tròn vào trong củ cơ khép trên lồi cầu trong của đầu xa xương đùi. Nó cũng bám tận thông qua một cân lên phía trên lên trên đường trên lồi cầu trong. Một khe tròn lớn ở phía dưới giữa phần cơ đùi sau và phần cơ khép của cơ là lỗ cơ khép (adductor hiatus) (Hình 6), mà cho phép động mạch đùi và các tĩnh mạch liên quan đi giữa ống cơ khép trên phía trước-trong của đùi và hố khoeo ở phía sau gối.
Cơ khép lớn giúp khép và xoay trong đùi ở khớp hông. Phần cơ khép của cơ thì được chi phối bởi thần kinh bịt và phần cơ đùi sau được chi phối bởi phân nhánh chày của thần kinh ngồi.
Cơ bịt ngoài
Cơ bịt ngoài (obturator externus) là một cơ hình quạt. Thân rộng của nó được nối vào phía ngoài của màng bịt và xương lân cận (Hình 6). Các sợi cơ hội tụ ở phía sau-ngoài để hình thành nên một gân mà đi phía sau khớp hông và cổ của xương đùi để bám tận lên một lõm bầu dịch trên thành ngoài của hố mấu chuyển.
Cơ bịt ngoài xoay ngoài đùi ở khớp hông và được chi phối bởi nhánh sau của thần kinh bịt.
Các bạn có thể xem bài viết mới trên Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết trước tại đây: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-chi-duoi-vung-dui-phan-1/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!