Khớp hông
Khớp hông (hip joint) là một khớp hoạt dịch giữa đầu xương đùi và ổ cối của xương chậu (Hình 1A). Khớp là một khớp ổ-cầu (ball and socket joint) đa trục được cấu trúc cho sự ổn định và mang trọng lượng nhưng bị hạn chế sự di động. Các vận động ở khớp bao gồm gấp, duỗi, dạng, khép, xoay trong và xoay ngoài và quay vòng.
Khi xem xét các tác động của hoạt động cơ trên khớp hông, cổ dài của xương đùi và sự tạo góc của cổ xương đùi trên thân xương đùi phải được quan tâm đến. Ví dụ, sự xoay trong và xoay ngoài của xương đùi liên quan đến các cơ mà di chuyển mấu chuyển lớn lần lượt về phía trước và về phía sau so với ổ cối (Hình 1B).
Các diện khớp của khớp hông là:
- Đầu hình khối cầu của xương đùi
- Diện nguyệt của ổ cối xương chậu.
Ổ cối gần như hoàn toàn bao lấy đầu bán cầu của xương đùi và đóng góp quan trọng vào tính ổn định của khớp. Hố ổ cối không khớp chứa mô liên kết lỏng lẻo. Diện nguyệt được che phủ bởi sụn trong và rộng nhất ở phía trên.
Trừ hố đầu xương đùi, đầu xương đùi cũng được che phủ bởi sụn trong.
Vành của ổ cối hơi nhô lên bởi vòng sụn sợi (vành ổ cối [acetabular labrum]). Ở phía dưới, vành bắt qua khuyết ổ cối dưới dạng dây chằng ngang ổ cối (transverse acetabular ligament) và chuyển khuyết thành một lỗ (Hình 2A).
Dây chằng đầu xương đùi (ligament of the head of the femur) là một dải dẹt của mô liên kết mềm mà nối một đầu lên đầu xương đùi và đầu còn lại vào hố ổ cối, dây chằng ngang ổ cối và các bờ của khuyết ổ cối (Hình 2B). Nó mang một nhánh nhỏ của động mạch bịt mà đóng góp vào sự cấp máu của đầu xương đùi.
Màng hoạt dịch bám vào các bờ của các diện khớp của xương đùi và ổ cối, hình thành nên một sự che phủ dạng ống quanh dây chằng đầu xương đùi và lót màng sợi của khớp (Hình 2B và Hình 3). Từ chỗ bám của nó vào bờ của đầu xương đùi, màng hoạt dịch che phủ cổ xương đùi trước khi lật lên trên màng sợi (Hình 3).
Màng sợi mà bao quanh khớp hông thì khỏe và nhìn chung là dày. Ở bên trong, nó nối vào bờ của ổ cối, dây chằng ngang ổ cối và bờ lân cận của lỗ bịt (Hình 4A). Ở bên ngoài, nó được nối với đường gian mấu trên phía trước của xương đùi và vào cổ xương đùi, ngay phía gần của mào gian mấu trên mặt sau.
Các dây chằng
Ba dây chằng tăng cường cho mặt ngoài của màng sợi và giúp ổn định khớp: các dây chằng chậu-đùi, mu-đùi và ngồi-đùi.
- Dây chằng chậu-đùi (iliofemoral ligament) thì nằm phía trước khớp hông và có hình tam giác (Hình 4B). Đỉnh của nó được nối với xương cánh chậu giữa gai chậu trước trên và bờ của ổ cối và đáy của nó được nối dọc theo đường gian mấu của xương đùi. Các phần của dây chằng nối ở phía trên và phía dưới đường gian mấu thì dày hơn phần nối với phần trung tâm của đường. Điều này làm cho dây chằng giống một hình chữ Y.
- Dây chằng mu-đùi (pubofemoral ligament) thì nằm ở phía trước-dưới so với khớp hông (Hình 4B). Nó cũng có hình tam giác với đáy của nó bám ở phía trong vào lồi chậu-mu, xương lân cận và màng bịt. Phía bên ngoài, nó hòa lẫn với màng sợi và với mặt sâu của dây chằng chậu-đùi.
- Dây chằng ngồi-đùi (ischiofemoral ligament) tăng cường cho phía sau của màng sợi (Hình 4C). Nó được nối ở phía trong với xương ngồi, ngay phía sau-dưới so với ổ cối và ở phía ngoài vào mấu chuyển lớn, sâu dưới dây chằng chậu-đùi.
Các sợi của tất cả 3 dây chằng được định hướng theo một kiểu xoắn quanh khớp hông sao cho chúng trở nên căng khi khớp được duỗi. Điều này làm ổn định khớp và giảm lượng năng lượng cơ cần để duy trì một tư thế đứng.
Cấp máu cho khớp hông chủ yếu thông qua các nhánh của động mạch bịt, các động mạch mũ đùi trong và ngoài, các động mạch mông trên và dưới và nhánh xuyên đầu tiên của động mạch đùi sâu. Các nhánh khớp của các mạch máu này hình thành nên một mạng lưới quanh khớp (Hình 5).
Khớp hông được chi phối thần kinh bởi các nhánh khớp từ các thần kinh đùi, bịt, mông trên và thần kinh đến cơ vuông đùi.
Các đường vào chi dưới
Có 4 chặng chính mà các cấu trúc đi từ vùng bụng và vùng chậu vào trong và ra khỏi chi dưới. Các chặng này là ống bịt, lỗ ngồi lớn, lỗ ngồi bé và khoảng trống giữa dây chằng bẹn và bờ trước-trên của vùng chậu (Hình 6).
Ống bịt
Ống bịt (obturator canal) là một lối đi định hướng gần như thẳng đứng ở bờ trước-trên của lỗ bịt (Hình 6). Nó được giới hạn:
- Ở phía trên bởi một rãnh (rãnh bịt [obturator groove]) trên mặt dưới của ngành trên của xương mu.
- Ở phía dưới bởi bờ trên của màng bịt, là màng mà lấp hầu hết lỗ bịt và bởi các cơ (cơ bịt trong và cơ bịt ngoài) mà bám vào các mặt trong và ngoài của màng bịt và xương xung quanh.
Ống bịt kết nối vùng bụng-chậu với khoang đùi trong. Thần kinh và các mạch máu bịt đi qua ống bịt.
Lỗ ngồi lớn
Lỗ ngồi lớn (greater sciatic foramen) được hình thành trên thành chậu sau-ngoài và là chặng đi chính cho các cấu trúc đi giữa vùng chậu và vùng mông của chi dưới (Hình 6). Các bờ của lỗ được hình thành bởi:
- Khuyết ngồi lớn
- Các phần của bờ trên của các dây chằng cùng-gai ngồi và cùng-ụ ngồi
- Bờ ngoài của xương cùng.
Cơ hình lê đi ra khỏi vùng chậu vào trong vùng mông qua lỗ ngồi lớn và phân chia lỗ ngồi lớn thành 2 phần, một phần trên cơ và một phần dưới cơ:
- Thần kinh và các mạch máu mông trên đi qua lỗ ngồi lớn ở phía trên cơ hình lê.
- Thần kinh ngồi, thần kinh và các mạch máu mông dưới, thần kinh thẹn và các mạch máu thẹn trong, thần kinh bì sau của đùi, thần kinh đến cơ bịt trong và cơ sinh đôi trên và thần kinh đến cơ vuông đùi và cơ sinh đôi dưới sẽ đi qua lỗ ngồi lớn bên dưới cơ.
Lỗ ngồi nhỏ
Lỗ ngồi nhỏ (lesser sciatic foramen) thì nằm ở bên dưới lỗ ngồi lớn trên thành chậu sau-ngoài (Hình 6). Nó cũng nằm phía dưới vị trí bám bên ngoài của nền chậu (cơ nâng hậu môn và cơ cụt) vào thành chậu và vì thế, kết nối vùng mông với vùng đáy chậu:
- Gân của cơ bịt trong đi từ thành chậu ngoài, qua lỗ ngồi nhỏ, vào trong vùng mông để bám tận vào xương đùi.
- Thần kinh thẹn và các mạch máu thẹn trong, các thành phần mà đầu tiên thoát khỏi vùng chậu bằng cách đi qua lỗ ngồi lớn ở bên dưới cơ hình lê, đi vào trong vùng đáy chậu ở bên dưới nền chậu bằng cách đi quanh gai ngồi và dây chằng cùng-gai ngồi và qua lỗ ngồi nhỏ ở bên trong.
Khoảng trống giữa dây chằng bẹn và xương chậu
Khoảng trống hình liềm lớn giữa dây chằng bẹn ở phía trên và bờ trước-trên của xương chậu ở bên dưới là chặng chính của sự liên hệ giữa vùng bụng và phía trước-trong của vùng đùi (Hình 6). Cơ thắt lưng lớn, cơ chậu và cơ lược đi qua khoảng trống này để bám tận lên trên xương đùi. Các mạch máu chính (động mạch và tĩnh mạch đùi) và các mạch bạch huyết của chi dưới, cũng như là thần kinh đùi, cũng đi qua khoảng trống này để vào trong tam giác đùi của vùng đùi.
Các bạn có thể xem bài viết mới trên Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết trước tại đây: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-chi-duoi-phan-chau-xuong-va-phan-gan-xuong-dui/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!