Bàn chân là vùng của chi dưới ở phía xa so với khớp cổ chân. Nó được phân chia thành các vùng cổ chân, đốt bàn chân và các ngón chân.
Có năm ngón chân bao gồm ngón chân cái nằm ở bên trong (ngón chân I) và bốn ngón chân nằm ở phía ngoài hơn, kết thúc ở bên ngoài bởi ngón chân út (ngón chân V) (Hình 1).
Bàn chân có một mặt trên (mu bàn chân [dorsum of foot]) và một mặt dưới (lòng bàn chân [sole of foot]; Hình 1).
Dạng và khép các ngón chân được định nghĩa là tương ứng với trục dài của ngón chân thứ hai. Không giống như trong bàn tay, nơi mà ngón tay cái được định hướng 90o so với các ngón tay khác, ngón chân cái được định hướng theo cùng vị trí như các ngón chân khác. Bàn chân là điểm tiếp xúc của cơ thể với nền và cung cấp một nền tảng ổn định cho tư thế đứng thẳng. Nó cũng là đòn bẩy đưa cơ thể về phía trước trong suốt quá trình đi lại.
Các xương
Có ba nhóm xương trong bàn chân (Hình 2 – sửa “nhóm giữa của các xương cổ chân thành xương cổ chân trung gian nhé”, mình ghi nhầm):
- Bảy xương cổ chân (tarsal bones), mà hình thành nên hệ thống xương cho cổ chân.
- Các xương đốt bàn chân (metatarsals) (I đến V), là các xương của vùng đốt bàn chân.
- Các xương đốt ngón chân (phalanges), là các xương của ngón chân – mỗi ngón chân có ba xương đốt ngón chân, trừ ngón chân cái, mà chỉ có hai xương đốt ngón chân.
Các xương cổ chân (tarsal bones)
Các xương cổ chân được sắp xếp trong một nhóm gần và một nhóm xa với một xương trung gian giữa hai nhóm trên phía trong của bàn chân (Hình 2A).
Nhóm gần (proximal group)
Nhóm gần bao gồm hai xương lớn, xương sên và xương gót:
- Xương sên (talus) là xương nằm trên nhất của bàn chân và “ngồi” trên đỉnh của và được nâng đỡ bởi xương gót (Hình 2B) – nó khớp ở phía trên với xương chày và xương mác để hình thành nên khớp cổ chân và cũng nhô về phía trước để khớp với xương cổ chân trung gian (xương ghe) trên phía trong của bàn chân.
- Xương gót (calcaneus) là xương lớn nhất trong số các xương cổ chân – ở phía sau nó hình thành nên khung xương của gót chân và ở phía trước nó nhô về phía trước để khớp với một trong số các xương của nhóm xa của các xương cổ chân (xương hộp) trên phía ngoài của bàn chân.
Xương sên (talus)
Xương sên, khi nhìn từ các phía trong hay ngoài, thì có hình con ốc sên (Hình 3A, B). Nó có một đầu (head) tròn mà nhô về phía trước và vào phía trong ở cuối của một cổ (neck) rộng ngắn, mà được kết nối ở phía sau với một thân mở rộng.
Ở phía trước, đầu xương sên có hình vòm để khớp với lõm tương ứng trên mặt sau của xương ghe. Ở phía dưới, diện khớp hình vòm này thì liên tục với thêm ba diện khớp được phân tách bởi các gờ trơn láng:
- Các diện khớp trước và giữa khớp với các diện lân cận của xương gót.
- Diện khớp còn lại, ở phía trong của các diện khớp khớp với xương gót, thì khớp với một dây chằng – dây chằng gót-ghe gan chân (dây chằng lò xo) – giúp kết nối xương gót với xương ghe dưới đầu xương sên.
Cổ của xương sên được nổi bật bởi một rãnh sâu (rãnh xương sên [sulcus tali]), mà đi chéo ra phía trước qua mặt dưới từ trong ra ngoài và mở rộng đáng kể trên phía ngoài. Phía sau rãnh xương sên là một diện lớn (diện gót sau) để khớp với xương gót.
Mặt trên của thân xương sên được nâng lên để khớp vào trong ổ khớp được hình thành bởi các đầu xa của xương chày và xương mác để hình thành nên khớp cổ chân:
- Mặt trên (ròng rọc [trochlear]) của vùng nâng lên này khớp với đầu dưới của xương chày.
- Mặt trong khớp với mắt cá trong của xương chày.
- Mặt ngoài khớp với mắt cá ngoài của xương mác.
Bởi vì mắt cá ngoài thì lớn hơn và nhô nhiều hơn xuống phía dưới so với mắt cá trong ở khớp cổ chân nên mặt khớp ngoài tương ứng trên xương sên thì lớn hơn và nhô nhiều hơn xuống phía dưới so với mặt khớp trong.
Mặt dưới của thân xương sên có một diện lõm hình bầu dục (diện khớp gót sau [posterior calcaneal articular facet]) để khớp với xương gót.
Phía sau của thân xương sên bao gồm một lồi hướng về phía sau và vào trong (mỏm sau [posterior process]). Mỏm sau được nổi bật trên bề mặt của nó bởi một củ ngoài và một củ trong, mà bao lấy giữa chúng là rãnh cho gân của cơ gấp ngón chân cái dài (groove for the tendon of the flexor hallucis longus) khi nó đi từ cẳng chân vào trong bàn chân.
Xương gót (calcaneus)
Xương gót nằm ở phía dưới và nâng đỡ cho xương sên. Nó là một xương dài, có dạng hình hộp không đều với trục dài của nó nhìn chung là định hướng dọc theo trục chính giữa của bàn chân, nhưng lệch ra phía ngoài so với đường giữa ở phía trước (Hình 4).
Xương gót nhô ra phía sau khớp cổ chân để hình thành nên hệ thống xương của gót chân. Mặt sau của vùng gót này thì tròn và được phân chia thành các phần trên, giữa và dưới. Gân gót (gân Achilles) bám vào phần giữa:
- Phần trên được phân tách với gân gót bởi một túi hoạt dịch.
- Phần dưới cong về phía trước, được che phủ bởi mô dưới da, là vùng mang trọng lượng của gót chân và liên tục lên trên mặt gan chân của xương dưới dạng lồi củ xương gót (calcaneal tuberosity).
Lồi củ xương gót nhô về phía trước trên mặt lòng dưới dạng một mỏm trong lớn và một mỏm ngoài nhỏ, được phân tách với nhau bởi một khuyết hình chữ V (Hình 4B). Ở đầu trước của mặt lòng là một củ (củ xương gót [calcaneal tubercle]) cho sự bám phía sau của dây chằng gan chân ngắn của lòng bàn chân.
Mặt ngoài của xương gót có một đường nét trơn láng trừ hai vùng hơi nhô lên (Hình 4C). Một trong số các vùng nhô lên này – ròng rọc xương mác (fibular trochlea) (củ mác [peroneal tubercle]) – thì ở phía trước so với phần giữa của mặt ngoài và thường có hai rãnh nông, một rãnh ở phía trên rãnh còn lại, mà đi chéo qua bề mặt của nó. Các gân của cơ mác ngắn và dài được nối với ròng rọc khi chúng đi qua trên phía ngoài của xương gót.
Phía trên và phía sau ròng rọc xương mác là một vùng lồi lên thứ hai hay củ cho sự bám của phần gót-mác của dây chằng bên ngoài của khớp cổ chân.
Mặt trong của xương gót thì lõm và có một đặc điểm bật liên quan với bờ trên của nó (mỏm chân đế sên [sustentaculum tali]; Hình 4A), là một đế xương nhô vào phía trong và nâng đỡ cho phần sau hơn của đầu xương sên.
Phía dưới của mỏm đế chân sên có một rãnh rõ ràng đi từ phía sau ra phía trước mà dọc theo đó, gân của cơ gấp ngón chân cái dài đi vào trong lòng bàn chân.
Mặt trên của mỏm chân đế sên có một diện (diện khớp sên giữa [middle talar articular surface]) để khớp với diện giữa tương ứng trên đầu của xương sên.
Các diện khớp sên trước và sau (anterior and posterior talar articular surfaces) thì nằm trên mặt trên của chính xương gót (Hình 4A):
- Diện khớp sên trước thì nhỏ và khớp với diện trước tương ứng trên đầu xương sên.
- Diện khớp sên sau thì lớn và gần chính giữa mặt trên của xương gót.
Giữa diện khớp sên sau, mà khớp với thân xương sên, và hai diện khớp còn lại, mà khớp với đầu xương sên, là một rãnh sâu (rãnh xương gót [calcaneal sulcus]; Hình 4A, C).
Rãnh xương gót trên mặt trên của xương gót và rãnh xương sên trên mặt dưới của xương sên cùng với nhau hình thành nên xoang cổ chân (tarsal sinus), là một khoảng trống lớn giữa các đầu trước của xương gót và xương sên mà có thể nhìn thấy khi xương của bàn chân được nhìn từ phía ngoài (Hình 5).
Xương cổ chân trung gian (intermediate tarsal bone)
Xương cổ chân trung gian trên phía trong của bàn chân là xương ghe (navicular) (hình ghe) (Hình 2). Xương này khớp ở phía sau với xương sên và khớp ở phía trước và ở phía ngoài với nhóm xa của các xương cổ chân.
Một đặc điểm rõ ràng của xương ghe là một lồi củ tròn nổi bật cho sự bám của gân cơ chày sau, mà nhô xuống phía dưới trên phía trong của mặt gan chân của xương.
Nhóm xa (distal group)
Từ ngoài vào trong, nhóm xa của các xương cổ chân bao gồm (Hình 2):
- Xương hộp (cuboid) (tiếng Hy Lạp cho “hình hộp”), mà khớp ở phía sau với xương gót, ở phía trong với xương chêm ngoài và ở phía trước với các nền của hai xương đốt bàn chân ngoài – gân của cơ mác dài nằm trong một rãnh nổi bật trên mặt gan chân trước, mà đi chéo về phía trước qua xương từ ngoài vào trong.
- Ba xương chêm (cuneiforms) (tiếng Latin của “chêm”) – các xương chêm ngoài, giữa và trong (lateral, intermediate, and medial cuneiform bones), ngoài khớp với nhau, chúng còn khớp ở phía sau với xương ghe và ở phía trước với các nền của ba xương đốt bàn chân trong.
Các xương đốt bàn chân (metatarsals)
Có năm xương đốt bàn chân trong bàn chân, được đánh số từ I đến V từ trong ra ngoài (Hình 6). Xương đốt bàn chân I, liên quan với ngón chân cái, thì ngắn nhất và dày nhất. Xương đốt bàn chân thứ hai thì dài nhất.
Mỗi xương đốt bàn chân có một đầu (head) ở đầu xa, một thân (shaft) dài ở giữa và một nền (base) gần.
Đầu của mỗi xương đốt bàn chân khớp với xương đốt ngón chân gần của một ngón chân và nền khớp với một hoặc nhiều xương trong nhóm xa của các xương cổ chân. Mặt gan chân của đầu của xương xương đốt bàn chân I cũng khớp với hai xương vừng (sesamoid bones).
Các phía của các nền các xương đốt bàn chân II đến V cũng khớp với nhau. Phía ngoài của nền xương đốt bàn chân V có một lồi củ (tuberosity) nổi bật mà nhô ra phía sau và là vị trí bám cho gân của cơ mác ngắn.
Các xương đốt ngón chân (phalanges)
Các xương đốt ngón chân là các xương của các ngón chân (Hình 6). Mỗi ngón chân có ba xương đốt ngón chân (gần, giữa và xa [proximal, middle and distal]), trừ ngón chân cái, mà chỉ có hai xương đốt ngón chân (gần và xa).
Mỗi xương đốt ngón chân bao gồm một nền (base), một thân (shaft) và một đầu (head) xa:
- Nền của mỗi xương đốt ngón chân gần khớp với đầu của xương đốt bàn chân tương ứng.
- Đầu của mỗi xương đốt ngón chân xa thì không tiếp khớp và phẳng thành một lồi củ gan chân hình liềm dưới da gan chân ở cuối ngón chân.
Trong mỗi ngón chân, tổng chiều dài của các xương đốt ngón chân cộng lại thì ngắn hơn nhiều so với chiều dài của xương đốt bàn chân liên quan.
Các bạn có thể xem bài viết mới trên Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết trước tại đây: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-chi-duoi-cang-chan-phan-2/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!