Vùng bụng sau thì nằm ở phía sau phần bụng của đường tiêu hóa, lách và tụy (Hình 1). Khu vực này, được giới hạn bởi các xương và các cơ hình thành nên thành bụng sau, bao gồm nhiều cấu trúc mà không chỉ liên quan trực tiếp đến các hoạt động của các thành phần của vùng bụng mà còn sử dụng vùng này như là một con đường nối giữa các vùng cơ thể. Các ví dụ bao gồm động mạch chủ bụng và các đám rối thần kinh liên quan của nó, tĩnh mạch chủ dưới, các thân giao cảm và các mạch bạch huyết. Cũng có các cấu trúc bắt nguồn trong vùng này mà cần thiết cho chức năng bình thường của các vùng khác của cơ thể (như đám rối thần kinh thắt lưng) và có các cơ quan mà liên quan với vùng này trong suốt quá trình phát triển và vẫn tồn tại ở đây khi trưởng thành (như các thận và các tuyến thượng thận).

Thành bụng sau
Các xương
1. Các xương đốt sống thắt lưng và xương cùng
Nhô vào trong đường giữa của vùng bụng sau là các thân của 5 xương đốt sống thắt lưng (Hình 2). Sự lồi vào của các cấu trúc này trong vùng này là do đoạn cong thứ phát (sự lồi ra phía trước) của phần thắt lưng của cột sống.

Các xương đốt sống thắt lưng có thể được phân biệt với các xương đốt sống cổ và ngực nhờ kích thước của chúng. Chúng thì lớn hơn nhiều so với bất kỳ xương đốt sống nào khác trong bất kỳ vùng nào khác. Các thân đốt sống thì lớn và tăng dần kích thước từ đốt sống LI đến LV. Các cuống đốt sống thì ngắn và dày chắc, các mỏm ngang thì dài và mảnh và các mỏm gai thì lớn và dày. Các mỏm khớp thì lớn và định hướng vào trong và ra ngoài, kiểu mỏm khớp này giúp cho động tác gập và ngửa trong phần này của cột sống.
Giữa mỗi xương đốt sống thắt lưng là một đĩa gian đốt sống, thành phần giúp hoàn thiện phần giới hạn đường giữa này của thành bụng sau.
Giới hạn đường giữa của thành bụng sau, bên dưới các xương đốt sống thắt lưng, bao gồm bờ trên của xương cùng (Hình 2). Xương cùng được hình thành bởi sự nối của 5 xương đốt sống cùng thành một cấu trúc xương hình nêm, rộng bên trên và hẹp bên dưới. Mặt trước lõm và mặt sau lồi của nó chứa các lỗ cùng trước và sau để cho các nhánh trước và sau của các dây thần kinh gai sống đi qua.
2. Các xương chậu
Các xương cánh chậu (ilia), là các thành phần của mỗi xương chậu, nối ở phía ngoài của xương cùng bởi các khớp cùng – chậu (Hình 2). Phần trên của mỗi xương cánh chậu mở ra phía ngoài thành một vùng dạng cánh mỏng (hố chậu [iliac fossa]). Phía trong vùng của mỗi xương cánh chậu này và các cơ liên quan là các thành phần của thành bụng sau.
3. Các xương sườn
Ở phía trên, các xương sườn XI và XII sẽ hoàn thành khung xương của thành bụng sau (Hình 2). Các xương sườn này thì đặc biệt ở việc chúng không khớp với xương ức hay các xương sườn khác, chúng có một diện khớp duy nhất trên các đầu sườn và chúng không có cổ sườn hay củ sườn.
Xương sườn XI thì nằm ở phía sau so với phần trên của thận trái và xương sườn XII thì nằm ở phía sau phần trên của cả hai thận. Ngoài ra, xương sườn XII đóng vai trò như là một vị trí bám cho nhiều cơ và dây chằng.
Các cơ
Các cơ hình thành nên các giới hạn trong, ngoài, dưới và trên của vùng bụng sau sẽ lấp đầy trong hệ thống xương của thành bụng sau (Bảng 1). Ở phía bên trong là cơ thắt lưng lớn và cơ thắt lưng nhỏ, ở phía ngoài là cơ vuông thắt lưng, ở phía dưới là cơ chậu và ở phía trên là cơ hoành (Hình 3 và Hình 4).



1. Cơ thắt lưng lớn và cơ thắt lưng nhỏ
Ở phía bên trong, các cơ thắt lưng lớn (psoas major muscles) che phủ mặt trước ngoài của các thân xương đốt sống thắt lưng và các mỏm ngang (Hình 3). Mỗi cơ trong số các cơ này xuất phát từ các thân của các xương đốt sống TXII và tất cả 5 xương đốt sống thắt lưng, từ các đĩa gian đốt sống giữa mỗi xương đốt sống và từ các mỏm ngang của các xương đốt sống thắt lưng. Đi xuống dưới dọc theo vành chậu (pelvic brim), mỗi cơ tiếp tục đi vào trong vùng đùi trước, dưới dây chằng bẹn, để bám vào mấu chuyển nhỏ xương đùi.
Cơ thắt lưng lớn gập đùi ở khớp hông khi thân được cố định và gập thân chống lại trọng lực khi cơ thể nằm ngửa. Nó được chi phối thần kinh bởi nhánh trước của các dây thần kinh L1 đến L3.
Liên quan với cơ thắt lưng lớn là cơ thắt lưng nhỏ (psoas minor muscle), cơ này đôi khi không có. Khi có thì nó sẽ nằm trên bề mặt của cơ thắt lưng lớn. Cơ mảnh này xuất phát từ các xương đốt sống TXII và LI và đĩa gian đốt sống liên quan; gân cơ dài của nó sẽ bám tận vào trong đường lược của vành chậu và lồi chậu – mu.
Cơ thắt lưng nhỏ là một cơ gập yếu của cột sống thắt lưng và được chi phối bởi nhánh trước của dây thần kinh L1.
2. Cơ vuông thắt lưng
Ở phía bên ngoài, các cơ vuông thắt lưng (quadratus lumborum muscles) lấp khoảng trống giữa xương sườn XII và mào chậu ở cả hai bên của cột sống (Hình 3). Chúng được phủ lên ở bên trong bởi các cơ thắt lưng; dọc theo các bờ ngoài của chúng là các cơ ngang bụng.
Mỗi cơ vuông thắt lưng xuất phát từ mỏm ngang của xương đốt sống LV, dây chằng chậu – thắt lưng và phần mào chậu lân cận. Cơ bám ở phía trên vào mỏm ngang của của 4 xương đốt sống thắt lưng đầu tiên và bờ dưới của xương sườn XII.
Các cơ vuông thắt lưng giúp hạ thấp và cố định xương sườn thứ mười hai và đóng góp vào sự gập sang bên của thân mình. Khi co cùng nhau, các cơ này có thể giúp ngửa phần thắt lưng của cột sống. Chúng được chi phối thần kinh bởi nhánh trước của các dây thần kinh gai sống T12 và L1 đến L4.
3. Cơ chậu
Ở phía dưới, một cơ chậu (iliacus muscle) sẽ lấp đầy hố chậu ở mỗi bên (Hình 3). Từ nguyên ủy rộng che phủ hố chậu này, cơ đi xuống dưới, hợp với cơ thắt lưng lớn và bám vào mấu chuyển nhỏ xương đùi. Khi chúng đi vào trong đùi, các cơ kết hợp này được gọi là cơ thắt lưng – chậu (iliopsoas muscle).
Giống như cơ thắt lưng lớn, cơ chậu giúp gập đùi ở khớp hông khi mà thân mình được cố định và gập thân mình chống lại trọng lực khi mà cơ thể nằm ngửa. Nó được chi phối bởi các nhánh của dây thần kinh đùi.
4. Cơ hoành
Ở phía trên, cơ hoành (diaphragm) hình thành nên giới hạn của vùng bụng sau. Tấm gân – cơ này cũng giúp phân tách khoang bụng với khoang ngực.
Về mặt cấu trúc, cơ hoành bao gồm một phần gân trung tâm mà các sợi cơ được xếp vòng quanh nó sẽ bám vào (Hình 4). Cơ hoành bám vào các đốt sống thắt lưng bởi các trụ cơ – gân, là thành phần hòa lẫn với dây chằng dọc trước của cột sống:
- Trụ phải là trụ dài nhất và rộng nhất trong các trụ và được nối với các thân đốt sống từ LI đến LIII và các đĩa gian đốt sống liên quan (Hình 5).
- Tương tự, trụ trái được nối với các xương đốt sống LI và LII và đĩa gian đốt sống liên quan.

Các trụ được nối với nhau qua đường giữa bởi một cung gân (dây chằng cung giữa [median arcuate ligament]), thành phần này đi phía trước động mạch chủ (Hình 5).
Bên ngoài các trụ là một cung gân thứ hai được hình thành bởi mạc che phủ phần trên của cơ thắt lưng lớn. Đây là dây chằng cung trong (medial arcuate ligament), dây chằng này bám vào các mặt của các xương đốt sống LI và LII ở bên trong và bám với mỏm ngang của xương đốt sống LI ở bên ngoài (Hình 5).
Một cung gân thứ ba là dây chằng cung ngoài (lateral arcuate ligament), được hình thành bởi sự dày lên của mạc che phủ cơ vuông thắt lưng. Nó bám vào mỏm ngang của xương đốt sống LI ở bên trong và vào xương sườn XII ở bên ngoài (Hình 5).
Các dây chằng cung trong và cung ngoài đóng vai trò như là các điểm nguyên ủy cho một số thành phần cơ của cơ hoành.
Các cấu trúc đi qua và quanh cơ hoành:
Nhiều cấu trúc đi qua hay quanh cơ hoành (Hình 4):
- Động mạch chủ đi ở phía sau cơ hoành và phía trước các thân đốt sống ở mức dưới của xương đốt sống TXII; nó nằm giữa hai trụ của cơ hoành và phía sau dây chằng cung giữa, ngay bên trái đường giữa.
- Kèm theo động mạch chủ qua lỗ động mạch chủ là ống ngực và đôi khi có cả tĩnh mạch đơn.
- Thực quản đi qua phần cơ của trụ phải của cơ hoành ở mức xương đốt sống TX, ngay bên trái lỗ động mạch chủ.
- Đi qua lỗ thực quản với thực quản là các thân lang thang trước và sau, các nhánh thực quản của động mạch và tĩnh mạch vị trái và một số mạch bạch huyết.
- Lỗ lớn thứ ba trong cơ hoành là lỗ tĩnh mạch chủ, qua lỗ này thì tĩnh mạch chủ dưới đi từ khoang bụng đến khoang ngực (Hình 4) ở gần mức đốt sống TVIII trong phần gân trung tâm của cơ hoành.
- Kèm theo tĩnh mạch chủ dưới qua lỗ tĩnh mạch chủ là dây thần kinh hoành phải.
- Dây thần kinh hoành trái đi qua phần cơ của cơ hoành ngay phía trước gân trung tâm ở phía bên trái.
Các cấu trúc khác đi qua các lỗ mở nhỏ trong hoặc ngay bên ngoài cơ hoành khi chúng đi từ khoang ngực đến khoang bụng (Hình 4):
- Các dây thần kinh tạng lớn, tạng nhỏ và tạng nhỏ nhất (khi có) đi qua các trụ cơ hoành ở cả hai bên.
- Tĩnh mạch bán đơn đi qua trụ trái cơ hoành.
- Đi phía sau dây chằng cung giữa ở cả hai bên là các thân giao cảm.
- Đi phía trước cơ hoành, ngay bên dưới các xương sườn là các mạch máu thượng vị trên.
- Các mạch máu và dây thần kinh khác (các mạch máu cơ hoành và các dây thần kinh gian sườn) cũng đi qua cơ hoành ở các vị trí khác nhau.
Các vòm hoành:
Hình dạng kinh điển của các vòm trái và vòm phải của cơ hoành được gây ra bởi các thành phần của vùng bụng bên dưới làm đẩy các vùng bên này lên trên và bởi ngoại tâm mạc sợi, là thành phần bám vào trung tâm, làm phẳng cơ hoành trong khu vực này (Hình 6).

Các vòm hoành được tạo ra bởi:
- Gan ở phía bên phải, với một ít sự đóng góp từ thận phải và tuyến thượng thận phải.
- Đáy dạ dày và lách phía bên trái, với các sự đóng góp thêm từ thận trái và tuyến thượng thận trái.
Mặc dù chiều cao của các vòm này thay đổi trong suốt quá trình thở nhưng một sự ghi lại phù hợp về các vị trí khi thở ra bình thường của vòm trái là ở mức khoang gian sườn thứ năm và vòm phải là ở mức xương sườn V. Các vị trí này thì quan trọng nên cần ghi nhớ khi gõ lồng ngực.
Trong suốt quá trình hít vào, phần cơ của cơ hoành co lại, làm cho gân trung tâm của cơ hoành bị kéo xuống phía dưới. Điều này làm phẳng các vòm hoành một chút, mở rộng khoang ngực và giảm trong áp suất nội ngực. Tác động sinh lý của các sự thay đổi này là không khí đi vào trong các phổi và hồi lưu tĩnh mạch được tăng cường.
Cấp máu cơ hoành:
Có sự cấp máu đến cơ hoành trên các mặt trên và dưới của nó:
- Ở phía trên, các động mạch cơ hoành và ngoại tâm mạc – hoành, cả hai đều là các nhánh của động mạch ngực trong và động mạch hoành trên, một nhánh của động mạch chủ ngực, sẽ cấp máu cho cơ hoành.
- Ở phía dưới, các động mạch hoành dưới, các nhánh của động mạch chủ bụng, sẽ cấp máu cho cơ hoành (xem Hình 4).
Thoát máu tĩnh mạch là qua các tĩnh mạch đồng hành với các động mạch này.
Chi phối thần kinh cơ hoành:
Sự chi phối thần kinh cho cơ hoành chủ yếu là bởi các dây thần kinh hoành (phrenic nerves). Các dây thần kinh này, từ các mức tủy sống C3 đến C5, cung cấp tất cả sự chi phối vận động đến cơ hoành và các sợi cảm giác đến phần trung tâm. Chúng đi qua khoang ngực, giữa các màng phổi trung thất và ngoại tâm mạc, đến mặt trên của cơ hoành. Ở vị trí này, dây thần kinh hoành phải đi kèm theo tĩnh mạch chủ dưới qua cơ hoành và dây thần kinh hoành trái qua cơ hoành một mình (xem Hình 4). Các sợi cảm giác khác được chi phối cho các vùng ngoại vi của cơ hoành là bởi các dây thần kinh gian sườn.
Các bạn xem thêm các bài viết trên nhóm Facebook tại đây nhé: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn xem lại bài viết trước tại đây nhé: https://docsachxyz.com/dong-mach-tinh-mach-bach-huyet-va-chi-phoi-than-kinh-cho-tang-bung/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!