Tủy sống mở từ lỗ lớn xương chẩm đến gần mức đĩa gian đốt sống LI và LII ở người trưởng thành, mặc dù nó có thể kết thúc cao hơn ở mức đốt sống TXII hoặc thấp hơn ở mức đĩa gian đốt sống LII và LIII (Hình 1). Ở trẻ sơ sinh, tủy sống mở xuống gần mức LIII nhưng có thể xuống đến mức LIV. Đầu tận cùng của tủy sống (nón tủy) có dạng hình nón. Một sợi mảnh mô liên kết (phần màng mềm của dây tận cùng) liên tục xuống dưới từ đỉnh của nón tủy.
Tủy sống thì không có cùng đường kính dọc theo chiều dài của nó. Nó có hai chỗ phình ở các vùng liên quan đến gốc các dây thần kinh gai sống chi phối chi trên và chi dưới. Một phình cổ ở vùng liên quan đến gốc các dây thần kinh gai sống từ C5 đến T1, phần mà chi phối chi trên. Một phình thắt lưng-cùng ở vùng liên quan đến gốc các dây thần kinh gai sống từ L1 đến S3, chi phối cho chi dưới.
Mặt ngoài của tủy sống được đặc trưng bởi các khe và rãnh (Hình 2):
– Khe giữa trước mở ra dọc theo mặt trước
– Rãnh giữa sau mở ra dọc theo mặt sau
– Rãnh sau-ngoài ở mỗi bên của mặt sau đánh dấu nơi mà các rễ con sau của các dây thần kinh gai sống đi vào tủy sống.
Bên trong, tủy sống có một ống trung tâm nhỏ bao quanh bởi chất xám và chất trắng:
– Chất xám chứa nhiều bên trong các thân tế bào thần kinh, hình thành nên những cột dọc theo tủy sống và trên thiết diện cắt ngang, những cột này hình thành nên hình chữ H ở vùng trung tâm của tủy sống.
– Chất trắng xung quanh chất xám và chứa nhiều trong các nhánh của tế bào thần kinh, hình thành những bó lớn đi lên trên và đi xuống dưới trong tủy sống để đến những mức đốt sống khác nhau hoặc mang thông tin đến não hay mang thông tin từ não đến tủy sống.
Hệ thống mạch máu
Các động mạch
Động mạch cấp máu cho tủy sống đến từ hai nguồn (Hình 3). Bao gồm:
– Các động mạch dọc, xuất phát từ phía trên đoạn cổ của tủy sống, đi xuống trên bề mặt tủy sống.
– Các động mạch nuôi đi vào trong ống sống qua lỗ gian đốt sống ở mọi mức đốt sống; những động mạch nuôi hay các động mạch gai sống thành phần này, xuất phát chủ yếu từ các động mạch đốt sống và động mạch cổ sâu ở cổ, các động mạch gian sườn sau ở ngực, và các động mạch thắt lưng ở bụng.
Sau khi đi vào một lỗ gian đốt sống, các động mạch gai sống thành phần chia thành các động mạch rễ trước và động mạch rễ sau (Hình 3). Điều này xảy ra ở mọi mức đốt sống. Các động mạch rễ đi theo và cấp máu cho rễ trước và rễ sau. Ở nhiều mức đốt sống khác nhau, các động mạch gai sống thành phần cũng chia ra các động mạch tủy sống thành phần (Hình 3). Những mạch máu này đi trực tiếp đến động mạch dọc, rồi đổ vào đây.
Các động mạch dọc bao gồm:
– Một động mạch gai sống trước, bắt nguồn từ bên trong khoang sọ khi có sự hợp lại của hai động mạch xuất phát từ các động mạch đốt sống – tạo ra một động mạch gai sống trước đi xuống dưới, gần như song song với khe giữa trước của tủy sống, dọc theo bề mặt của tủy sống
– Hai động mạch gai sống sau, cũng bắt nguồn từ khoang sọ, thường xuất phát trực tiếp từ một nhánh tận của mỗi động mạch đốt sống (động mạch tiểu não dưới sau) – các động mạch gai sống sau trái và phải đi xuống dọc theo tủy sống, các động mạch này sẽ được xếp vào rãnh sau ngoài và chỗ nối giữa các rễ sau với tủy sống.
Động mạch gai sống trước và sau được tăng cường bởi 8 đến 10 động mạch tủy sống thành phần dọc theo đường đi của nó (Hình 3). Động mạch lớn nhất trong những động mạch này là động mạch rễ lớn hay động mạch Adamkiewicz (Hình 3). Mạch máu này xuất phát từ vùng ngực dưới hoặc vùng thắt lưng trên, thường ở phía bên trái và tăng cường cấp máu đến phần dưới của tủy sống, bao gồm phình thắt lưng.
Các tĩnh mạch
Các tĩnh mạch dẫn máu từ tủy sống hình thành nên một số kênh tĩnh mạch dọc (Hình 4):
– Hai cặp tĩnh mạch ở mỗi bên kẹp lấy chỗ nối giữa các rễ trước và rễ sau với tủy sống.
– Một kênh tĩnh mạch giữa chạy song song với khe giữa trước.
– Một kênh tĩnh mạch giữa chạy dọc theo rãnh giữa sau.
Những kênh tĩnh mạch dọc này dẫn máu vào một đám rối tĩnh mạch đốt sống trong phong phú ở bên trong khoang ngoài màng cứng của ống sống, sau đó thoát vào các mạch máu thành phần có kết nối với các tĩnh mạch hệ thống lớn, như hệ thống tĩnh mạch đơn ở ngực. Đám rối tĩnh mạch đốt sống trong cũng có liên hệ với các tĩnh mạch nội sọ.
Các màng tủy
Màng cứng
Màng cứng tủy là màng tủy ngoài cùng và được ngăn cách với các xương hình thành nên ống sống bằng khoang ngoài màng cứng (Hình 5). Phía trên, nó liên tục với màng cứng não tại lỗ lớn của hộp sọ. Phía dưới, túi màng cứng đột ngột hẹp ở mức bờ dưới đốt sống cùng SII và hình thành nên phần vỏ cho phần màng mềm của dây tận cùng tủy sống. Phần mở rộng dạng dây này của màng cứng (phần màng cứng của dây tận cùng) bám vào mặt sau của các thân đốt sống cụt.
Khi các dây thần kinh gai sống và các rễ của chúng đi ra phía bên ngoài, chúng sẽ được bao quanh bởi màng cứng, sau đó phần màng cứng này sẽ hòa lẫn vào và trở thành thành phần bao bên ngoài của các dây thần kinh gai sống (vỏ dây thần kinh).
Màng nhện
Màng nhện là một màng mỏng bám sát nhưng không dính vào mặt sâu của màng cứng (Hình 5). Nó được phân tách khỏi màng mềm bởi khoang dưới nhện. Màng nhện kết thúc ở mức đốt sống cùng SII (Hình 1).
Khoang dưới nhện
Khoang dưới nhện nằm giữa màng nhện và màng mềm có chứa dịch não tủy (CSF) (Hình 5). Khoang dưới nhện bao quanh tủy sống, liên tục qua lỗ lớn với khoang dưới nhện quanh não. Phía dưới, khoang dưới nhện tận cùng ở xấp xĩ mức bờ dưới của đốt sống cùng SII (xem Hình 1).
Các dải mô (bè màng nhện) liên tục với màng nhện ở một bên và màng mềm ở bên kia; chúng trải ra trong khoang dưới nhện và kết nối hai màng này với nhau. Các mạch máu lớn được treo trong khoang dưới nhện bởi các dải tương tự, chúng bao phủ trên các mạch máu để hình thành nên lớp áo liên tục bên ngoài.
Khoang dưới nhện mở rộng xuống dưới hơn so với tủy sống. Tủy sống kết thúc ở gần đĩa gian đốt sống LI và LII, ngược lại khoang dưới nhện mở xuống gần bờ dưới của đốt sống SII (xem Hình 1). Khoang dưới nhện lớn nhất ở vùng phía dưới đầu tận cùng của tủy sống, nơi chúng bao lấy chùm đuôi ngựa. Do đó, CSF (dịch não tủy) có thể được lấy được từ khoang dưới nhện ở vùng thắt lưng dưới mà không ảnh hưởng đến tủy sống.
Màng mềm
Màng mềm là một màng mạch dính chắc vào bề mặt tủy sống (Hình 5). Chúng mở vào trong khe giữa trước và lật lên phủ lấy các rễ con và các rễ trước và sau khi chúng đi qua khoang dưới nhện. Bởi vì các rễ đi ra khỏi khoang dưới nhện nên màng mềm cũng lật lên trên màng nhện.
Ở mỗi bên của tủy sống, một tấm dọc của màng mềm (dây chằng răng cưa) mở ra bên ngoài từ tủy sống về phía màng nhện và màng cứng (Hình 5).
– Bên trong, mỗi dây chằng răng cưa bám vào tủy sống theo một mặt phẳng nằm giữa gốc của các rễ con trước và rễ con sau.
– Bên ngoài, mỗi dây chằng răng cưa hình thành nên một chuỗi các phần mở rộng dạng hình tam giác dọc theo bờ tự do của nó, với đỉnh tam giác của mỗi phần mở rộng nối với màng cứng qua màng nhện.
Các chỗ bám bên ngoài của các dây chằng răng cưa thường nằm giữa điểm đi ra của các rễ con trước và rễ con sau lân cận. Dây chằng này đóng vai trò trong việc cố định tủy sống ở trung tâm khoang dưới nhện.
Sự sắp xếp của các cấu trúc bên trong ống sống
Ống sống được giới hạn:
– Phía trước bởi thân các đốt sống, đĩa gian đốt sống và dây chằng dọc sau (Hình 6).
– Bên ngoài, ở mỗi bên bởi các cuống và lỗ gian đốt sống
– Phía sau bởi các mảnh và dây chằng vàng và ở mặt phẳng đứng dọc giữa có các dây chằng gian gai và các mỏm gai đốt sống.
Giữa các thành của ống sống và túi màng cứng là một khoang ngoài màng cứng có chứa đám rối tĩnh mạch đốt sống vùi trong mô liên kết chứa mỡ.
Các mỏm gai đốt sống có thể sờ được qua da ở đường giữa tại vùng ngực và vùng thắt lưng của vùng lưng. Giữa da và mỏm gai là một lớp mạc nông. Ở vùng thắt lưng, các mỏm gai lân cận và các mảnh đốt sống liên quan ở mỗi bên đường giữa không chồng lên nhau, kết quả là tạo thành các khoang giữa hai cung đốt sống lân cận.
Khi thực hiện chọc dò ở vùng thắt lưng, kim sẽ đi qua giữa hai mỏm gai đốt sống lân cận, qua dây chằng trên gai và dây chằng gian gai rồi đi vào khoang ngoài màng cứng. Kim tiếp tục đi qua màng cứng và màng nhện rồi đi vào khoang dưới nhện, có chứa CSF (dịch não tủy).
Các dây thần kinh gai sống
Mỗi dây thần kinh gai sống nối với tủy sống nhờ các rễ sau và rễ trước (Hình 7):
– Rễ sau chứa các nhánh của các tế bào thần kinh cảm giác mang thông tin đến hệ thần kinh trung ương (CNS) – thân tế bào của các tế bào thần kinh cảm giác, có nguồn gốc thời kì phôi thai từ các tế bào mào thần kinh, được tập trung trong một hạch gai ở phần xa của rễ sau, thường là trong lỗ gian đốt sống.
– Rễ trước chứa các sợi thần kinh vận động, mang thông tin đi ra từ hệ thần kinh trung ương – thân tế bào của các tế bào thần kinh vận động chủ yếu nằm ở các vùng trước của tủy sống.
Ở bên trong, các rễ trước và rễ sau chia thành các nhánh rễ con bám vào tủy sống.
Một thành phần tủy sống là vùng tủy sống cho ra các rễ con trước và rễ con sau giúp hình thành nên một cặp dây thần kinh gai sống. Bên ngoài, các rễ sau và rễ trước mỗi bên hợp lại thành một dây thần kinh gai sống.
Mỗi dây thần kinh gai sống sẽ chia ra ngay khi chúng đi ra từ lỗ gian đốt sống thành hai nhánh chính: một nhánh nhỏ phía sau và một nhánh trước lớn hơn nhiều (Hình 7):
– Nhánh sau chỉ chi phối cho các cơ nội tại vùng lưng (các cơ trên trục) và vùng da hẹp liên quan ở trên lưng.
– Nhánh trước chi phối hầu hết những cơ xương khác của cơ thể (các cơ dưới trục), bao gồm cả thân và các chi, và hầu hết các vùng da còn lại, trừ một số vùng nhất định ở đầu.
Gần điểm chia thành nhánh trước và nhánh sau, mỗi dây thần kinh gai sống sẽ cho hai đến bốn dây thần kinh quặt ngược màng tủy nhỏ (các dây thần kinh xoang đốt sống) (Hình 5). Những dây thần kinh này vào lại lỗ gian đốt sống để chi phối cho màng cứng, các dây chằng, các đĩa gian đốt sống và các mạch máu.
Tất cả các đám rối soma chủ yếu (cổ, cánh tay, thắt lưng và cùng) được hình thành bởi các nhánh trước.
Do tủy sống thì ngắn hơn nhiều so với cột sống, nên rễ của các dây thần kinh gai sống trở nên dài hơn và đi chéo hơn dần từ cổ đến vùng cụt của ống sống (Hình 8).
Ở người trưởng thành, tủy sống tận cùng ở mức gần giữa đốt sống LI và LII, nhưng giới hạn này có thể thay đổi giữa đốt sống TXII và đĩa gian đốt sống LII và LIII. Kết quả, các rễ trước và rễ sau hình thành nên các dây thần kinh gai sống đi ra từ giữa các đốt sống ở các vùng dưới của cột sống thì được nối với tủy sống ở các mức đốt sống cao hơn.
Bên dưới đầu tận của tủy sống, các rễ sau và rễ trước của các dây thần kinh gai sống thắt lưng, cùng và cụt sẽ đi xuống dưới để tới vị trí thoát ra khỏi ống sống. Cụm rễ tận cùng này được gọi là chùm đuôi ngựa.
Danh pháp các dây thần kinh gai sống
Có gần 31 cặp dây thần kinh gai sống (Hình 8), đặt tên theo vị trí tương ứng của chúng với các đốt sống liên quan:
– 8 dây thần kinh cổ – C1 đến C8
– 12 dây thần kinh ngưc – T1 đến T12
– 5 dây thần kinh thắt lưng – L1 đến L5
– 5 dây thần kinh cùng – S1 đến S5
– 1 dây thần kinh cụt – Co
Dây thần kinh cổ C1 đi ra từ ống sống giữa xương sọ và đốt sống cổ CI (Hình 9). Vì thế các dây thần kinh từ cổ C2 đến cổ C7 cũng đi ra từ ống sống ở phía trên các mức đốt sống tương ứng. Bởi vì chỉ có 7 đốt sống cổ nên dây thần kinh cổ C8 sẽ đi ra tại vị trí giữa đốt sống cổ CVII và ngực TI. Kết quả là tất cả các dây thần kinh gai sống còn lại, bắt đầu từ ngực T1, sẽ đi ra khỏi ống sống ở bên dưới các mức đốt sống tương ứng.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!