Các tĩnh mạch và chức năng của chúng
Các tĩnh mạch cung cấp các con đường để cho dòng máu đến tim nhưng chúng cũng thực hiện các chức năng đặc biệt khác mà cần thiết cho sự hoạt động của hệ thống tuần hoàn. Đặc biệt quan trọng là chúng có khả năng co và giãn rộng và bằng cách đó, chúng tích trữ các lượng máu nhiều hoặc ít và làm cho lượng máu này sẵn sàng được cung cấp khi được cần đến bởi phần còn lại của hệ thống tuần hoàn. Các tĩnh mạch ngoại vi cũng có thể đẩy máu về phía tim bởi các trung gian được gọi là bơm tĩnh mạch (venous pump) và chúng thậm chí còn giúp điều hòa cung lượng tim, một chức năng cực kỳ quan trọng được mô tả trong các bài viết sau nhé.
1. Các áp suất tĩnh mạch – áp suất nhĩ phải (áp suất tĩnh mạch trung tâm) và các áp suất tĩnh mạch ngoại vi
Máu từ tất cả các tĩnh mạch hệ thống chảy vào trong nhĩ phải của tim. Vì thế, áp suất trong nhĩ phải được gọi là áp suất tĩnh mạch trung tâm (central venous pressure).
Áp suất nhĩ phải được điều hòa bởi một sự cân bằng giữa (1) khả năng của tim trong việc bơm máu ra khỏi nhĩ phải và thất phải vào trong các phổi và (2) khuynh hướng máu chảy từ các tĩnh mạch ngoại vi vào trong nhĩ phải. Nếu như tim phải đang bơm máu một cách mạnh mẽ thì áp suất nhĩ phải giảm xuống. Ngược lại, sự yếu đi của tim sẽ nâng áp suất nhĩ phải. Ngoài ra, bất kỳ tác động nào mà gây ra sự chảy nhanh của máu vào trong nhĩ phải từ các tĩnh mạch ngoại vi sẽ làm tăng áp suất nhĩ phải. Một số yếu tố có thể làm tăng sự hồi lưu tĩnh mạch này và bằng cách đó làm tăng áp suất nhĩ phải như sau: (1) tăng thể tích máu; (2) tăng trương lực mạch máu lớn trên khắp cơ thể gây ra tăng các áp suất tĩnh mạch ngoại vi; và (3) sự giãn của các tiểu động mạch, điều này sẽ làm giảm sức cản ngoại vi và cho phép dòng máu nhanh từ các động mạch vào trong các tĩnh mạch.
Giống các yếu tố mà điều hòa áp suất thất phải, các yếu tố này cũng sẽ đóng góp vào sự điều hòa cung lượng tim bởi vì lượng máu được bơm bởi tim phụ thuộc vào cả khả năng của tim bơm máu và khuynh hướng của máu chảy vào trong tim từ các mạch máu ngoại vi. Vì thế, chúng ta sẽ bàn luận về sự điều hòa áp lực nhĩ phải sâu hơn nhiều trong các bài viết tiếp theo trong mối liên hệ với cung lượng tim nhé.
Áp suất nhĩ phải bình thường là khoảng 0 mm Hg, bằng với áp suất không khí quanh cơ thể. Nó có thể tăng đến 20 đến 30 mm Hg dưới các tình trạng rất bất thường như sau: (1) suy tim nặng; hoặc (2) sau khi truyền một lượng máu lớn, điều này làm tăng mạnh tổng thể tích máu và làm cho các lượng máu lớn chảy vào trong tim từ các mạch máu ngoại vi.
Giới hạn dưới đối với áp suất nhĩ phải thường là khoảng -3 đến -5 mm Hg dưới áp suất khí quyển, đây cũng là áp suất trong lồng ngực quanh tim. Áp suất nhĩ phải tiếp cận đến các giá trị thấp này khi tim bơm máu mạnh hơn hay khi dòng máu vào trong tim từ các mạch máu ngoại vi bị giảm, như sau chảy máu nặng.
a. Sức cản tĩnh mạch và áp suất tĩnh mạch ngoại vi
Các tĩnh mạch lớn có quá ít sức cản đối với dòng máu khi chúng bị trương phồng, khi này sức cản thì gần như bằng 0. Tuy nhiên, như được thể hiện trong Hình 1, hầu hết các tĩnh mạch lớn mà đi vào trong lồng ngực thì bị đè ép ở nhiều điểm bởi các mô xung quanh, vì thế, dòng máu bị cản lại ở những điểm này. Ví dụ, các tĩnh mạch từ các cánh tay bị đè ép bởi các sự gập góc rõ của chúng trên xương sườn I. Ngoài ra, áp suất trong các tĩnh mạch cổ thường rơi xuống thấp đến nỗi áp suất khí quyển ở phía bên ngoài cổ có thể làm cho các tĩnh mạch này bị xẹp. Cuối cùng, các tĩnh mạch đi qua bụng thường bị đè ép bởi các cơ quan khác nhau và bởi áp suất nội bụng (intra-abdominal pressure), vì thế, chúng thường ít nhất là xẹp một phần thành dạng hình trứng hoặc dạng hình khe. Vì những lý do này, các tĩnh mạch lớn thường sẽ có một ít sức cản đối với dòng máu và vì thế áp suất trong các tĩnh mạch nhỏ nằm ở ngoại vi hơn ở một người đang nằm thì thường sẽ nhiều hơn +4 đến +6 mm Hg so với áp suất nhĩ phải.
Tác động của áp suất nhĩ phải cao lên áp suất tĩnh mạch ngoại vi. Khi áp suất nhĩ phải tăng lên trên giá trị bình thường của nó là 0 mm Hg thì máu bắt đầu đi ngược lên trong các tĩnh mạch lớn. Sự đi ngược lại này của máu sẽ làm giãn rộng các tĩnh mạch và thậm chí các điểm xẹp trong các tĩnh mạch sẽ mở ra khi áp suất nhĩ phải tăng trên +4 đến +6 mm Hg. Sau đó, khi áp suất tâm nhĩ phải tăng hơn nữa, sự tăng thêm sẽ gây ra một sự tăng lên tương ứng trong áp suất tĩnh mạch ngoại vi ở các chi và bất cứ nơi nào khác. Bởi vì chức năng tim phải bị giảm đáng kể mới gây ra một sự tăng lên trong áp suất nhĩ phải đến mức +4 đến +6 mm Hg, nên áp suất mạch tĩnh mạch ngoại vi thì không tăng lên đáng kể ngay cả ở các giai đoạn sớm của suy tim, khi nghỉ ngơi.
Tác động của áp suất nội bụng lên áp suất tĩnh mạch của chân. Áp suất trong khoang bụng của một người đang nằm bình thường trung bình là khoảng +6 mm Hg, nhưng có thể tăng đến +15 đến +30 mm Hg khi mang thai, có các khối u lớn, béo phì bụng hay thừa dịch (được gọi là cổ trướng) trong khoang bụng. Khi áp suất nội bụng tăng, áp suất trong các tĩnh mạch của chân phải tăng lên trên áp suất của bụng trước khi các tĩnh mạch của bụng có thể mở và cho phép máu chảy từ các chân đến tim. Vì thế, nếu như áp suất nội bụng là +20 mm Hg thì áp suất thấp nhất có thể có trong các tĩnh mạch đùi cũng phải là khoảng +20 mm Hg.
b. Tác động của áp suất của trọng lực lên áp suất tĩnh mạch
Trong bất kỳ vùng nước nào mà tiếp xúc với không khí, áp suất ở bề mặt của nước thì bằng với áp suất khí quyển nhưng áp suất tăng lên 1 mm Hg cho mỗi 13.6 millimeters khoảng cách bên dưới bề mặt. Áp suất này là do trọng lượng của nước và vì thế được gọi là áp suất trọng lực (gravitational pressure) hay áp suất thủy tĩnh (hydrostatic pressure).
Áp suất trọng lực cũng xuất hiện trong hệ thống mạch máu do trọng lượng của máu trong các mạch máu, như được thể hiện trong Hình 2. Khi một người đang đứng, áp suất trong nhĩ phải thì vẫn ở giá trị 0 mm Hg bởi vì tim bơm bất kỳ lượng máu dư nào mà tập hợp ở điểm này vào trong các động mạch. Tuy nhiên, ở người trưởng thành mà hoàn toàn đang đứng yên thì áp suất trong các tĩnh mạch của bàn chân là khoảng +90 mm Hg, đơn giản là bởi trọng lượng do trọng lực của máu trong các tĩnh mạch giữa tim và chân. Áp suất tĩnh mạch ở các mức khác của cơ thể thì theo tỷ lệ giữa 0 và +90 mm Hg.
Trong các tĩnh mạch cánh tay, áp suất ở mức xương sườn trên cùng thường là khoảng +6 mm Hg bởi vì sự đè ép của tĩnh mạch dưới đòn khi nó đi qua trên xương sườn này. Áp suất trọng lực theo chiều dài của cánh tay sau đó được xác định bởi khoảng cách bên dưới mức xương sườn này. Vì thế, nếu như sự chênh lệch áp suất trọng lực giữa mức xương sườn và bàn tay là +29 mm Hg thì áp suất trọng lực này được thêm vào áp suất +6 mm Hg được tạo ra bởi sự đè ép của tĩnh mạch khi nó đi qua xương sườn, tạo ra tổng cộng là một áp suất +35 mm Hg trong các tĩnh mạch của bàn tay.
Các tĩnh mạch cổ của một người đang đứng thẳng xẹp gần như hoàn toàn đến xương sọ bởi vì áp suất khí quyển ở phía bên ngoài của cổ. Sự xẹp này làm cho áp suất trong các tĩnh mạch này vẫn ở mức 0 dọc theo toàn bộ chiều dài của nó. Bất cứ khuynh hướng nào làm cho áp suất tăng lên trên mức này sẽ làm mở các tĩnh mạch và cho phép áp suất rơi ngược về 0 nhờ dòng máu. Ngược lại, bất kỳ khuynh hướng nào làm cho áp suất tĩnh mạch cổ giảm xuống dưới 0 sẽ làm xẹp các tĩnh mạch nhiều hơn nữa, điều này làm tăng sức cản của chúng nhiều hơn và một lần nữa đưa áp suất trở về 0.
Mặt khác, các tĩnh mạch bên trong sọ thì ở trong một buồng (khoang sọ) mà không thể xẹp xuống. Kết quả, áp suất âm có thể tồn tại trong các khoang màng cứng của đầu; trong tư thế đứng, áp suất tĩnh mạch trong xoang dọc trên ở đỉnh của não là khoảng -10 mm Hg bởi vì lực hút thủy tĩnh giữa đỉnh sọ và nền sọ. Vì thế, nếu như xoang dọc trên được mở trong suốt quá trình phẫu thuật, không khí thậm chí có thể đi xuống để gây ra thuyên tắc khí (air embolism) trong tim và gây tử vong.
Tác động của yếu tố trọng lực lên các áp suất động mạch và các áp suất khác. Yếu tố trọng lực cũng ảnh hưởng đến áp suất trong các động mạch ngoại vi và các mao mạch. Ví dụ, một người đang đứng có áp suất động mạch trung bình là 100 mm Hg ở mức tim thì sẽ có một áp suất động mạch ở chân là khoảng 190 mm Hg. Vì thế, khi áp suất động mạch được ghi lại là 100 mm Hg, điều này nói chung sẽ có nghĩa là 100 mm Hg ở mức trọng lực của tim mà không phải là ở bất cứ đâu khác trong các mạch máu động mạch.
c. Các van tĩnh mạch và bơm tĩnh mạch: Các tác động của chúng lên áp suất tĩnh mạch
Nếu không có các van trong các tĩnh mạch thì áp suất trọng lực sẽ làm cho áp suất tĩnh mạch trong bàn chân luôn luôn là khoảng +90 mm Hg ở người trưởng thành đang đứng. Tuy nhiên, mỗi khi các chân di chuyển, các cơ co lại và đè lên các tĩnh mạch trong hoặc cạnh các cơ, điều này là ép máu ra khỏi các tĩnh mạch. Tuy nhiên, các van trong các tĩnh mạch, được thể hiện trong Hình 3, được sắp xếp sao cho hướng dòng máu của các tĩnh mạch chỉ có thể chảy về phía tim. Kết quả, mỗi khi một người di chuyển các chân hay thậm chí gồng các cơ chân, một lượng máu tĩnh mạch nhất định được đẩy về phía tim. Hệ thống bơm máu này được gọi là bơm tĩnh mạch (venous pump) hay bơm cơ (muscle pump) và nó sẽ đủ hiệu quả mà trong những trường hợp thông thường, khi áp suất tĩnh mạch trong bàn chân của một người trưởng thành đang đi bộ vẫn dưới +20 mm Hg.
Nếu như một người đứng yên, bơm tĩnh mạch không hoạt động và các áp suất tĩnh mạch trong các phần dưới của chân tăng đến một giá trị áp suất trọng lực tối đa là 90 mm Hg trong khoảng 30 giây. Các áp suất trong các mao mạch cũng tăng nhiều, làm cho dịch thoát từ hệ thống tuần hoàn vào trong các khoảng kẽ của mô. Kết quả, các chân sẽ sưng lên và thể tích máu giảm xuống; 10% đến 20% thể tích máu có thể mất khỏi hệ thống tuần hoàn trong vòng 15 đến 30 phút khi đứng yên hoàn toàn, điều này có thể dẫn đến ngất, đôi khi xuất hiện khi một người lính phải ở tư thế đứng nghiêm. Tình huống này có thể được tránh đơn giản bằng cách co các cơ chân theo chu kỳ và hơi gập các gối, cho phép bơm tĩnh mạch hoạt động.
Suy van tĩnh mạch gây ra giãn tĩnh mạch chân. Các van của hệ thống tĩnh mạch có thể trở nên suy yếu hoặc thậm chí bị phá hủy khi các tĩnh mạch căng quá mức do áp suất tĩnh mạch quá cao kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng, điều này có thể xuất hiện khi mang thai hoặc khi một người ở tư thế đứng trong hầu hết thời gian. Sự căng ra của các tĩnh mạch làm tăng các thiết diện ngang của chúng, nhưng các lá của các van thì không tăng trong kích thước. Vì thế, các lá của các van không thể đóng hoàn toàn nữa. Với sự đóng không hoàn toàn này, áp suất trong các tĩnh mạch của các chân tăng nhiều do suy bơm tĩnh mạch, điều mà sẽ làm tăng kích thước của các tĩnh mạch hơn nữa và cuối cùng phá hủy chức năng của các van một cách hoàn toàn. Vì thế, những người mà xuất hiện các tĩnh mạch bị giãn (varicose veins) sẽ được đặc trưng bởi các lồi hình củ lớn của các tĩnh mạch bên dưới da trên toàn bộ chân, đặc biệt là vùng chân dưới.
Bất cứ khi nào mà những người có các tĩnh mạch bị giãn đứng lâu hơn vài phút thì các áp suất tĩnh mạch và mao mạch trở nên rất cao và sự thoát của dịch từ các mao mạch làm cho phù hằng định ở các chân. Phù, cuối cùng sẽ ngăn cản sự khuếch tán đầy đủ các chất dinh dưỡng từ các mao mạch đến các tế bào cơ và da, do đó, làm cho các cơ trở nên đau và yếu, và da thậm chí có thể trở nên hoại thư và loét. Phương pháp điều trị tốt nhất cho những tình trạng như vậy là sự nâng liên tục các chân đến một mức ít nhất là ngang tim. Mang tất ép dài lên các chân cũng có thể là một sự hỗ trợ đáng quan tâm trong việc ngăn chặn phù và di chứng của nó.
Ghi nhận lâm sàng về áp suất tĩnh mạch. Áp suất tĩnh mạch thường có thể được ghi nhận một cách đơn giản bằng cách quan sát độ trương phồng của các tĩnh mạch ngoại vi, đặc biệt là các tĩnh mạch cổ. Ví dụ, trong tư thế ngồi, các tĩnh mạch cổ thì không bao giờ trương phồng ở một người bình thường đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi áp suất nhĩ phải tăng lên +10 mm Hg, các tĩnh mạch bên dưới của cổ sẽ bắt đầu lồi lên và ở +15 mm Hg áp lực nhĩ thì tất cả các tĩnh mạch cổ sẽ bị trương phồng.
Sự đo trực tiếp áp suất tĩnh mạch và áp suất nhĩ phải. Áp suất tĩnh mạch có thể được đo một cách dễ dàng bằng cách đặt kim một cách trực tiếp vào trong một tĩnh mạch và kết nối nó với một máy ghi áp suất. Phương tiện duy nhất mà bằng cách đó áp suất nhĩ phải có thể được đo một cách chính xác là bằng cách đặt một ống thông qua các tĩnh mạch ngoại vi và vào trong nhĩ phải. Các áp lực được đo qua các ống thông tĩnh mạch trung tâm (central venous catheters) thường được sử dụng trong một số trường hợp các bệnh nhân mắc bệnh tim phải nhập viện để cung cấp một sự đánh giá liên tục của khả năng bơm máu của tim.
Mức tham chiếu áp suất để đo các áp suất tĩnh mạch và các áp suất tuần hoàn khác. Mặc dù chúng ta đã nói là áp suất nhĩ phải là 0 mm Hg và áp suất động mạch là 100 mm Hg, nhưng chúng ta không cho biết mức áp suất trọng lực trong hệ thống tuần hoàn mà các áp suất này tham chiếu đến. Có một điểm trong hệ thống tuần hoàn mà ở đó các áp suất trọng lực được tạo ra bởi các sự thay đổi trong vị trí cơ thể của một người khỏe mạnh thường không ảnh hưởng đến sự đo áp suất nhiều hơn 1-2 mm Hg. Điểm này thì nằm ở hoặc gần mức của van ba lá, như được thể hiện bởi các trục vuông góc trong Hình 4. Vì thế, tất cả các sự đo áp suất trong được nói đến trong bài viết của mình thì sẽ được tham chiếu ở mức này nhé, mức này được gọi là mức tham chiếu cho sự đo áp suất (reference level for pressure measurement).
Nguyên nhân của sự thiếu của các tác động trọng lực ở van ba lá là tim tự động ngăn các sự thay đổi đáng kể do trọng lực trong áp suất ở điểm này theo cách sau. Nếu như áp suất ở van ba lá tăng lên hơi cao hơn bình thường thì sẽ làm cho tim bơm máu nhanh hơn và vì thế, làm giảm áp suất ở van ba lá quay trở về giá trị trung bình bình thường. Ngược lại, nếu như áp suất giảm xuống, thất phải không có khả năng đổ đầy đầy đủ, khả năng bơm máu của nó giảm xuống và máu bị giữ trong hệ thống tĩnh mạch cho đến khi áp suất ở mức van ba lá tăng lên lại đến giá trị bình thường. Nói cách khác, tim đóng vai trò như là một thành phần điều hòa phản hồi của áp suất ở van ba lá.
Khi một người đang nằm ngửa, van ba lá thì sẽ gần như ở chính xác mức 60% của độ dày của ngực, phía trước lưng. Đây là mức tham chiếu áp suất không (zero pressure reference level) đối với một người đang nằm.
2. Chức năng tích trữ máu của các tĩnh mạch
Chúng ta đã biết rằng hơn 60% tất cả lượng máu trong hệ thống tuần hoàn thường là nằm trong các tĩnh mạch. Vì lý do này và cũng do các tĩnh mạch thì giãn dễ dàng nên hệ thống tĩnh mạch đóng vai trò như là bể trữ máu cho hệ thống tuần hoàn.
Khi máu mất khỏi cơ thể và áp suất động mạch bắt đầu giảm xuống, các tín hiệu thần kinh được kích thích từ các xoang cảnh và các khu vực nhạy cảm với áp suất khác của hệ thống tuần hoàn. Những tín hiệu này cuối cùng sẽ tạo ra các tín hiệu từ não và tủy sống, chủ yếu là qua các dây thần kinh giao cảm đến các tĩnh mạch, làm cho chúng co lại. Quá trình này sẽ làm mất đi nhiều tính trì trệ trong hệ thống tuần hoàn gây ra bởi mất máu. Ngay cả sau khi đến 20% tổng lượng máu bị mất đi, hệ thống tuần hoàn thường thực hiện chức năng gần như bình thường do chức năng trữ máu thay đổi của các tĩnh mạch.
3. Các bể tích trữ máu đặc hiệu
Các phần nhất định của hệ thống tuần hoàn thì rộng lớn và/hoặc giãn đến nỗi mà chúng được gọi là các bể tích trữ máu đặc hiệu. Các bể tích trữ máu này bao gồm: (1) lách, đôi khi có thể giảm kích thước đủ để giải phóng đến 100 ml máu vào trong các khu vực khác của hệ thống tuần hoàn; (2) gan, các xoang của gan có thể giải phóng vài trăm milliliters máu vào trong phần còn lại của hệ thống tuần hoàn; (3) các tĩnh mạch bụng lớn, có thể đóng góp đến 300 ml; và (4) đám rối tĩnh mạch bên dưới da, cũng có thể đóng góp vài trăm milliliters máu. Tim và các phổi mặc dù không phải là các phần của hệ thống tích trữ tĩnh mạch hệ thống nhưng chúng cũng có thể được xem như là các bể chứa máu. Ví dụ, tim co lại trong suốt sự kích thích giao cảm và theo cách này có thể đóng góp từ 50 đến 100 ml máu; các phổi có thể đóng góp khoảng 100 đến 200 ml máu khác khi các áp suất phổi giảm đến các giá trị thấp.
4. Lách là một bể chứa các tế bào hồng cầu
Hình 5 cho thấy rằng lách có 2 khu vực riêng rẽ để tích trữ máu, các xoang tĩnh mạch (venous sinuses) và tủy (pulp). Các xoang có thể phồng lên giống như các phần khác của hệ thống tĩnh mạch và tích trữ máu toàn phần.
Trong tủy lách, các mao mạch thì có tính thấm đến nỗi máu toàn phần, bao gồm các tế bào hồng cầu, thấm qua các thành mao mạch vào trong một lưới bè, hình thành nên tủy đỏ (red pulp). Các tế bào hồng cầu bị giữ lại bởi các bè trong khi huyết tương tiếp tục chảy vào trong các xoang tĩnh mạch và sau đó là vào trong tuần hoàn chung. Kết quả, tủy đỏ của lách là một bể tích trữ đặc biệt mà chứa các lượng lớn các tế bào hồng cầu cô đặc. Những tế bào hồng cầu cô đặc này có thể được đẩy vào trong hệ thống tuần hoàn chung bất cứ khi nào mà hệ thống thần kinh giao cảm trở nên bị kích thích và làm cho lách và các mạch máu của nó co lại. Đến 50 ml hồng cầu cô đặc có thể được giải phóng vào trong hệ thống tuần hoàn, làm tăng hematocrit lên 1% đến 2%.
Ở các khu vực khác của tủy lách là các đảo (islands) của các tế bào bạch cầu, nơi này được gọi chung là tủy trắng (white pulp). Ở đây, các tế bào lympho được sản xuất giống như các tế bào lympho được sản xuất bên trong các hạch bạch huyết. Chúng là thành phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể, sẽ được nói đến sau nhé.
Chức năng làm sạch máu của lách – sự loại bỏ các tế bào cũ. Các tế bào máu đi qua tủy lách trước khi đi vào trong các xoang sẽ phải trải qua sự đè ép triệt để. Vì thế, các tế bào hồng cầu dễ vỡ được cho là sẽ không chống lại được tổn thương. Vì lý do này, nhiều tế bào hồng cầu bị phá hủy trong lách. Sau khi các tế bào vỡ, hemoglobin được giải phóng và chất nền tế bào được tiêu hóa bởi các tế bào lưới nội mô (reticuloendothelial cells) của lách và các sản phẩm của sự tiêu hóa hầu như được sử dụng lại bởi cơ thể như là các chất dinh dưỡng, thường được sử dụng để tạo ra các tế bào máu mới.
Các tế bào lưới nội mô của lách. Tủy của lách chứa nhiều tế bào lưới nội mô thực bào lớn và các xoang tĩnh mạch được lót bởi các tế bào tương tự. Những tế bào này đóng vai trò như là một phần của hệ thống làm sạch máu, thực hiện chức năng trong sự phối hợp với một hệ thống các tế bào lưới nội mô tương tự trong các xoang tĩnh mạch của gan. Khi máu bị xâm nhập bởi các tác nhân nhiễm khuẩn, các tế bào lưới nội mô của lách sẽ loại bỏ nhanh chóng các chất như các mảnh tế bào, các vi khuẩn, và các ký sinh trùng. Ngoài ra, trong nhiều nhiễm khuẩn mạn tính, lách mở rộng giống như cách các hạch bạch huyết mở rộng và sau đó thực hiện chức năng làm sạch của nó một cách mạnh mẽ hơn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!