Phần chậu xương
Các mặt ngoài của các xương chậu, xương cùng và xương cụt là các vùng chủ yếu của vùng chậu có liên quan đến chi dưới, mặc dù một số cơ xuất phát từ mặt sâu hay mặt trong của những xương này và từ các mặt sâu của các xương đốt sống thắt lưng ở phía trên (Hình 1).
Mỗi xương chậu được hình thành bởi 3 xương (xương cánh chậu, xương ngồi và xương mu), các xương này dính lại với nhau trong suốt thời thơ ấu của mỗi người. Xương cánh chậu (ilium) thì ở phía trên và xương mu (pubis) và xương ngồi (ischium) thì lần lượt ở phía trước-dưới và sau-dưới.
Xương cánh chậu khớp với xương cùng. Xương chậu thì còn nối với đoạn cuối của cột sống (xương cùng và xương cụt) bởi các dây chằng cùng-ụ ngồi và cùng-gai ngồi, là các dây chằng bám vào ụ ngồi và gai ngồi của xương ngồi.
Mặt ngoài của xương cánh chậu và các mặt lân cận của xương cùng, xương cụt và dây chằng cùng-ụ ngồi thì có liên quan đến vùng mông của chi dưới và cung cấp vị trí bám phong phú cho cơ. Ụ ngồi cung cấp vị trí bám cho nhiều cơ trong khoang đùi sau và ngành ngồi-mu và thân của xương mu thì liên quan chủ yếu đến các cơ trong khoang đùi trong. Đầu xương đùi khớp với ổ cối trên mặt ngoài của xương chậu.
Xương cánh chậu
Phần trên hình cánh quạt của xương cánh chậu thì liên quan đến vùng bụng bởi mặt trong của nó và liên quan ở mặt ngoài với chi dưới. Đỉnh của vùng này là mào chậu (iliac crest), phần mà sẽ kết thúc ở phía trước bởi gai chậu trước trên (anterior superior iliac spine) và ở phía sau bởi gai chậu sau trên (posterior superior iliac spine). Một mở rộng nổi bật ra bên ngoài của mào chậu nằm ngay sau gai chậu trước trên là củ mào chậu (tuberculum of the iliac crest).
Gai chậu trước dưới nằm trên bờ trước của xương cánh chậu và bên dưới mốc này, nơi mà xương cánh chậu hợp với xương mu, là một vùng lồi lên của xương (lồi chậu-mu [iliopubic eminence]).
Diện mông của xương cánh chậu hướng ra phía sau-ngoài và nằm bên dưới mào chậu. Nó được đánh dấu bởi 3 đường cong (các đường mông dưới, trước và sau), là các đường mà phân chia diện mông thành 4 vùng:
- Đường mông dưới (inferior gluteal line) xuất phát từ ngay phía trên gai chậu trước dưới và đi cong xuống phía dưới qua xương để tận cùng gần bờ sau của ổ cối – cơ thẳng đùi bám vào gai chậu trước dưới và vào một diện xương xù xì giữa bờ trên của ổ cối và đường mông dưới.
- Đường mông trước (anterior gluteal line) xuất phát từ bờ ngoài của mào chậu, giữa gai chậu trước trên và củ mào chậu và đi vòng cung xuống phía dưới qua xương cánh chậu để biến mất ngay trên bờ trên của lỗ ngồi lớn – cơ mông nhỏ xuất phát từ giữa các đường mông dưới và trước.
- Đường mông sau (posterior gluteal line) đi xuống gần như thẳng đứng từ mào chậu đến một vị trí gần gai chậu sau dưới – cơ mông nhỡ bám vào xương ở giữa các đường mông trước và sau, và cơ mông lớn bám vào phía sau đường mông sau.
Ụ ngồi
Ụ ngồi (ischial tuberosity) thì nằm ở phía sau-dưới so với ổ cối và liên quan chủ yếu với các cơ đùi sau (hamstring muscles) của vùng đùi sau (Hình 2). Nó được phân chia thành các diện trên và dưới bởi một đường ngang.
Diện trên của ụ ngồi được định hướng thẳng đứng và được phân chia tiếp thành 2 phần bởi một đường chếch, là đường mà đi xuống dưới, từ trong ra ngoài, qua diện trên:
- Phần trong hơn của diện trên cho sự bám của nguyên ủy kết hợp của cơ bán gân và đầu dài của cơ nhị đầu đùi.
- Phần ngoài là cho sự bám của cơ bán màng.
Diện dưới của ụ ngồi thì được định hướng theo phương ngang và được phân chia thành 2 diện trong và ngoài bởi một gờ xương:
- Vùng ngoài cung cấp vị trí bám cho một phần của cơ khép lớn.
- Phần trong hướng xuống dưới và được che phủ bởi mô liên kết và bởi một túi hoạt dịch.
Khi ngồi, phần trong này sẽ nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Dây chằng cùng – ụ ngồi được nối với một gờ sắc trên bờ trong của ụ ngồi.
Ngành ngồi – mu và xương mu
Các mặt ngoài của ngành ngồi – mu ở phía trước ụ ngồi và thân của xương mu cung cấp vị trí bám cho các cơ của khoang đùi trong (Hình 2). Các cơ này bao gồm cơ khép dài, cơ khép ngắn, cơ khép lớn, cơ lược và cơ thon.
Ổ cối
Ổ cối (acetabulum) hình chén lớn để tiếp khớp với đầu xương đùi thì nằm trên mặt ngoài của xương chậu trong vùng mà xương cánh chậu, xương mu và xương ngồi dính lại với nhau (Hình 3).
Bờ của ổ cối được đặc trưng ở phía dưới bởi một khuyết nổi bật (khuyết ổ cối [acetabular notch]).
Thành của ổ cối bao gồm các phần khớp và phần không khớp:
- Phần không khớp thì xù xì và hình thành nên một hõm tròn nông (hố ổ cối [acetabular fossa]) ở trong phần trung tâm và phần dưới của nền ổ cối – khuyết ổ cối thì liên tục với hố ổ cối.
- Diện khớp thì rộng và bao quanh các bờ trước, trên và sau của hố ổ cối.
Diện khớp hình liềm trơn láng (diện nguyệt [lunate surface]) thì rộng nhất ở trên, nơi mà hầu hết trọng lượng của cơ thể được truyền qua xương chậu đến xương đùi. Diện nguyệt thì bị khuyết ở dưới tại khuyết ổ cối.
Hố ổ cối cung cấp vị trí bám cho dây chằng của đầu xương đùi, trong khi các mạch máu và thần kinh thì đi qua khuyết ổ cối.
Phần gần xương đùi
Xương đùi là xương của vùng đùi và là xương dài nhất trong cơ thể. Đầu gần của nó được đặc trưng bởi một đầu và một cổ và hai lồi lớn (mấu chuyển lớn và mấu chuyển nhỏ) trên phần trên của thân xương đùi (Hình 4).
Đầu xương đùi (head) thì có dạng hình cầu và khớp với ổ cối của xương chậu. Nó được đặc trưng bởi một hố không khớp (hố đầu xương đùi [fovea]) trên mặt trong của nó cho sự bám của dây chằng đầu xương đùi.
Cổ xương đùi (neck) là một đoạn xương hình trụ mà nối đầu với thân xương đùi. Nó nhô về phía trên-trong từ thân xương với một góc gần 125o và hơi nhô về phía trước. Sự định hướng của cổ xương đùi so với thân xương đùi làm tăng khoảng vận động của khớp hông.
Phần trên của thân xương đùi (shaft) mang một mấu chuyển lớn và một mấu chuyển nhỏ, là các vị trí bám cho các cơ mà di chuyển khớp hông.
Các mấu chuyển lớn và mấu chuyển bé
Mấu chuyển lớn (greater trochanter) mở lên phía trên từ thân xương đùi ngay phía ngoài ngoài vùng nơi mà thân xương đùi hợp với cổ xương đùi (Hình 4). Nó liên tục ra phía sau nơi mà mặt trong của nó thì được lõm sâu để hình thành nên hố mấu chuyển (trochanteric fossa). Thành ngoài của hố này mang một lõm bầu dục rõ cho sự bám của cơ bịt ngoài.
Mấu chuyển lớn có một mào dài trên mặt trước-ngoài cho sự bám của cơ mông nhỏ và một gờ tương tự nằm sau hơn trên mặt ngoài của nó cho sự bám của cơ mông nhỡ. Giữa hai vị trí này, mấu chuyển lớn có thể được sờ thấy.
Trên mặt trong của phía trên mấu chuyển lớn và ngay phía trên hố mấu chuyển là một vết ấn nhỏ cho sự bám của cơ bịt trong và các cơ sinh đôi liên quan của nó và ngay phía trên và phía sau đặc điểm này là một vết ấn trên bờ của mấu chuyển cho sự bám của cơ hình lê.
Mấu chuyển nhỏ (lesser trochanter) thì nhỏ hơn mấu chuyển lớn và có dạng một hình nón tù. Nó nhô về phía sau-trong từ thân xương đùi, ngay phía dưới chỗ nối với cổ xương đùi (Hình 4). Nó là vị trí bám cho các gân kết hợp của cơ thắt lưng lớn và cơ chậu.
Mở giữa hai mấu chuyển và phân tách thân xương đùi với cổ xương đùi là đường gian mấu và mào gian mấu.
Đường gian mấu
Đường gian mấu (intertrochanteric line) là một gờ xương trên mặt trước của bờ trên thân xương đùi mà đi xuống dưới vào phía trong từ một củ trên mặt trước của nền mấu chuyển lớn đến một vị trí ngay phía trước nền của mấu chuyển nhỏ (Hình 4). Nó liên tục với đường lược (pectineal line) (đường xoắn [spiral line]), là đường mà đi cong ở phía bên trong, dưới mấu chuyển nhỏ và xung quanh thân xương đùi để hợp với bờ trong của đường ráp (linea aspera) trên mặt sau của xương đùi.
Mào gian mấu
Mào gian mấu (intertrochanteric crest) thì nằm trên mặt sau của xương đùi và đi xuống vào bên trong qua xương từ bờ sau của mấu chuyển lớn đến nền của mấu chuyển nhỏ (Hình 4). Nó là một mào rộng trơn láng của xương với một củ nổi bật (củ vuông [quadrate tubercle]) trên nửa trên của nó, cung cấp vị trí bám cho cơ vuông đùi.
Thân xương đùi
Thân xương đùi đi xuống từ phía bên ngoài vào phía bên trong trên mặt phẳng đứng ngang với một góc 7o so với trục thẳng đứng (Hình 5). Đầu xa của xương đùi vì thế sẽ gần với đường giữa hơn so với đầu trên của thân.
Một phần ba giữa của thân xương đùi có hình tam giác với các bờ ngoài và trong trơn láng giữa các mặt trước, ngoài (sau-ngoài) và trong (sau-trong). Bờ sau thì rộng và hình thành nên một mào lồi nổi bật (đường ráp).
Đường ráp là một vị trí bám của cơ chính trong vùng đùi. Trong một phần ba gần của xương đùi, các bờ trong và ngoài của đường ráp được phân tách ra và tiếp tục đi lên phía trên lần lượt dưới dạng đường lược và lồi củ cơ mông (Hình 5).
- Đường lược cong ra phía trước dưới mấu chuyển bé và hợp với đường gian mấu.
- Lồi củ cơ mông là một đường xù xì rộng mà đi cong ra phía ngoài đến nền của mấu chuyển lớn.
Cơ mông lớn sẽ bám vào lồi củ cơ mông.
Vùng tam giác được bao quanh bởi đường lược, lồi củ cơ mông, và mào gian mấu là mặt sau của đầu gần xương đùi.
Các bạn có thể xem bài viết mới trên Facebook tại đây: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn có thể xem bài viết trước tại đây: https://docsachxyz.com/tong-quan-ve-chi-duoi/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!