Phúc mạc
Một màng mỏng (phúc mạc) lót các thành của khoang bụng và che phủ hầu hết các tạng. Phúc mạc thành lót các thành của khoang bụng và phúc mạc tạng che phủ các tạng. Giữa các tấm phúc mạc thành và phúc mạc tạng là một khoang ảo (khoang phúc mạc). Tạng bụng hoặc được treo trong khoang phúc mạc bởi các nếp phúc mạc (các mạc treo (mesenteries)) hoặc nằm ở bên ngoài khoang phúc mạc. Các cơ quan treo trong khoang được gọi là cơ quan trong phúc mạc (Hình 1); các cơ quan bên ngoài khoang phúc mạc với chỉ có một mặt hoặc một phần của một mặt được che phủ bởi phúc mạc, được gọi là cơ quan sau phúc mạc.
Sự chi phối thần kinh của phúc mạc
Phúc mạc thành liên quan với thành bụng được chi phối bởi các sợi hướng tâm trong các nhánh của các dây thần kinh gai sống liên quan và vì thế, nhạy cảm với đau định khu rõ. Phúc mạc tạng thì được chi phối bởi các sợi hướng tâm tạng mà đi kèm theo các dây thần kinh tự động (giao cảm và phó giao cảm) quay trở về hệ thống thần kinh trung ương. Sự kích thích các sợi này có thể dẫn đến các cảm giác khó chịu quy chiếu và định khu kém và dẫn đến hoạt động vận động nội tạng phản xạ.
Khoang phúc mạc
Khoang phúc mạc được chia thành túi lớn và túi mạc nối (túi nhỏ; Hình 2).
- Túi lớn chiếm hầu hết khoảng không gian bên trong khoang phúc mạc, bắt đầu ở phía trên tại cơ hoành và liên tục xuống phía dưới vào trong khoang chậu. Sẽ đi vào được túi lớn một khi phúc mạc thành bị xuyên qua.
- Túi mạc nối là một phần nhỏ hơn của khoang phúc mạc nằm ở phía sau dạ dày và gan và liên tục với túi lớn thông qua một lỗ mở, lỗ mạc nối (Hình 3).
Bao quanh lỗ mạc nối là một số lượng lớn các cấu trúc được che phủ bởi phúc mạc. Chúng bao gồm tĩnh mạch cửa, động mạch gan riêng, và ống mật chung ở phía trước; tĩnh mạch chủ dưới ở phía sau; và phần đầu của tá tràng bên dưới.
1. Các mạc nối, mạc treo tràng và dây chằng
Trên khắp khoang phúc mạc, một số lượng lớn các nếp phúc mạc kết nối các cơ quan với nhau hoặc với thành bụng. Các nếp này (các mạc nối, các mạc treo và các dây chằng) phát triển từ các mạc treo lưng và mạc treo bụng, giúp treo đường tiêu hóa đang phát triển trong khoang phôi thai (embryonic coelomic cavity). Một số chứa các mạch máu và các dây thần kinh chi phối cho các tạng, trong khi các mạc khác giúp duy trì vị trí thích hợp của các tạng.
a. Các mạc nối
Các mạc nối chứa 2 lớp phúc mạc, đi từ dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng đến các tạng khác. Có hai mạc nối:
- Mạc nối lớn, có nguồn gốc từ mạc treo lưng.
- Mạc nối nhỏ, có nguồn gốc từ mạc treo bụng.
Mạc nối lớn:
Mạc nối lớn (greater omentum) là một tấm phúc mạc lớn dạng tấm phủ bám vào đường cong lớn của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng (Hình 4). Nó giăng xuống bên dưới qua kết tràng ngang và các cuộn của hỗng tràng và hồi tràng (xem Hình 2). Lộn ra phía sau, mạc nối lớn đi lên phía trên để liên quan với và trở nên dính với phúc mạc trên mặt trên của kết tràng ngang và lớp trước của mạc treo kết tràng ngang trước khi đến thành bụng sau.
Thường là một màng mỏng, mạc nối lớn luôn luôn có một sự tích tụ mỡ, sự tích tụ mỡ này có thể trở nên nhiều đáng kể ở một số người. Ngoài ra, có hai động mạch và tĩnh mạch kèm theo là các mạch máu vị – mạc nối phải và trái (right and left gastro-omental vessels), đi giữa tấm phúc mạc kép ngay bên dưới đường cong lớn của dạ dày.
Mạc nối nhỏ:
Mạc nối phúc mạc hai lớp khác là mạc nối nhỏ (lesser omentum) (Hình 5). Nó mở từ đường cong nhỏ của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng đến mặt dưới của gan (Hình 2 và Hình 5).
Là một màng mỏng liên tục với các sự che phủ phúc mạc của các mặt trước và sau của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng, mạc nối nhỏ được chia thành:
- Một dây chằng gan – vị ở phía trong, đi giữa dạ dày và gan.
- Một dây chằng gan – tá tràng ở phía ngoài, đi giữa tá tràng và gan.
Dây chằng gan-tá tràng kết thúc ở phía bên ngoài dưới dạng một bờ tự do và đóng vai trò như là bờ trước của lỗ mạc nối (Hình 3). Bao trong bờ tự do này là động mạch gan riêng, ống mật chung và tĩnh mạch cửa. Ngoài ra, các mạch máu vị trái và phải thì nằm giữa các lớp của mạc nối nhỏ gần đường cong nhỏ của dạ dày.
b. Các mạc treo
Các mạc treo là các nếp phúc mạc mà giúp nối các tạng vào thành bụng sau. Chúng cho phép một số vận động và cung cấp một đường dẫn cho các mạch máu, các dây thần kinh và các mạch bạch huyết để đi đến các tạng và bao gồm:
- Mạc treo tràng – liên quan đến các phần của ruột non.
- Mạc treo kết tràng ngang – liên quan đến kết tràng ngang.
- Mạc treo kết tràng sigma – liên quan đến kết tràng sigma.
Tất cả chúng đều có nguồn gốc từ mạc treo lưng.
Mạc treo tràng:
Mạc treo tràng (mesentery) là một tấm phúc mạc kép, hình quạt lớn mà giúp kết nối hỗng tràng và hồi tràng với thành bụng sau (Hình 6). Sự bám phía trên của chúng là ở chỗ nối tá – hỗng tràng, ngay bên trái phần thắt lưng trên của cột sống. Nó đi chéo xuống dưới và sang bên phải, kết thúc ở chỗ nối hồi – manh tràng, gần bờ trên của khớp cùng – chậu phải. Trong phần mỡ giữa hai lớp phúc mạc của mạc treo tràng là các động mạch, các tĩnh mạch, các dây thần kinh và các mạch bạch huyết mà chi phối cho hỗng tràng và hồi tràng.
Mạc treo kết tràng ngang:
Mạc treo kết tràng ngang (transverse mesocolon) là một nếp phúc mạc mà kết nối kết tràng ngang với thành bụng sau (Hình 6). Hai lớp phúc mạc của nó rời thành bụng sau qua mặt trước đầu và thân tụy và đi ra phía ngoài để bao lấy kết tràng ngang. Giữa các lớp của nó là các động mạch, các tĩnh mạch, các dây thần kinh và các mạch bạch huyết liên quan với kết tràng ngang. Lớp trước của mạc treo kết tràng ngang được dính với lớp sau của mạc nối lớn.
Mạc treo kết tràng sigma:
Mạc treo kết tràng sigma (sigmoid mesocolon) là một nếp phúc mạc hình chữ V ngược mà nối kết tràng sigma với thành bụng (Hình 6). Đỉnh của chữ V thì nằm gần sự phân ra của động mạch chậu chung trái thành các nhánh trong và nhánh ngoài của nó, với cạnh trái của chỗ bám hình chữ V đi xuống theo bờ trong của cơ thắt lưng lớn trái và cạnh phải đi xuống vào trong vùng chậu để tận cùng ở mức đốt sống SIII. Các mạch máu của kết tràng sigma và trực tràng trên, cùng với các dây thần kinh và các mạch bạch huyết liên quan với kết tràng sigma sẽ đi qua nếp phúc mạc này.
c. Các dây chằng
Các dây chằng phúc mạc bao gồm hai lớp phúc mạc mà kết nối hai cơ quan với nhau hoặc nối một cơ quan với thành cơ thể, và có thể hình thành nên một phần của một mạc nối. Chúng thường được đặt tên theo các cấu trúc được kết nối. Ví dụ, dây chằng lách – thận kết nối thận trái với lách và dây chằng vị – hoành kết nối dạ dày với cơ hoành.
Các bạn xem thêm các bài viết mới trong nhóm Facebook tại đây nhé: https://www.facebook.com/profile.php?id=61550892771585
Các bạn xem lại bài viết trước tại đây nhé: https://docsachxyz.com/giai-phau-vung-hang-vung-ben/
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo !!!