Chức năng của hệ thống tuần hoàn là đáp ứng các nhu cầu của các mô cơ thể – vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các mô, vận chuyển các sản phẩm thải ra khỏi các mô, vận chuyển các hormones từ một phần của cơ thể đến một phần khác và nhìn chung là để duy trì một môi trường thích hợp trong tất cả các dịch mô giúp cho sự tồn tại và chức năng tối ưu của các tế bào.
Tốc độ của dòng máu qua nhiều mô được kiểm soát chủ yếu bởi nhu cầu của chúng đối với các chất dinh dưỡng và nhu cầu của chúng trong việc loại bỏ các sản phẩm thải của chuyển hóa. Trong một số cơ quan như thận, hệ tuần hoàn còn thực hiện thêm các chức năng khác. Ví dụ, dòng máu đến thận thì nhiều hơn cho các nhu cầu chuyển hóa của thận rất nhiều, và điều này thì liên quan đến chức năng bài thải của thận, chức năng này yêu cầu một lượng máu lớn được lọc mỗi phút.
Tim và các mạch máu được kiểm soát trong việc cung cấp cung lượng tim và huyết áp động mạch cần cho sự cấp máu đầy đủ của mô. Các cơ chế kiểm soát thể tích máu, lưu lượng máu và liên hệ của quá trình này với các chức năng khác của hệ tuần hoàn là gì? Đây là các chủ đề và câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này và các bài viết tiếp theo nhé !!!
Các đặc điểm vật lý của hệ thống tuần hoàn
Hệ thống tuần hoàn, được thể hiện trên Hình 1, được chia thành tuần hoàn hệ thống (systemic circulation) và tuần hoàn phổi (pulmonary circulation). Bởi vì tuần hoàn hệ thống cung cấp lưu lượng máu cho tất cả các mô của cơ thể trừ các phổi nên nó cũng được gọi là tuần hoàn lớn (greater circulation) hay tuần hoàn ngoại vi (peripheral circulation).
Các thành phần chức năng của hệ tuần hoàn. Trước khi bàn chi tiết về chức năng của hệ tuần hoàn thì việc hiểu biết về chức năng mỗi phần của hệ tuần hoàn sẽ là rất quan trọng.
Chức năng của các động mạch (arteries) là vận chuyển máu dưới áp suất cao đến các mô. Vì lý do này, các động mạch có các thành mạch khỏe và các lưu lượng máu ở một tốc độ cao trong các động mạch.
Các tiểu động mạch (arterioles) là các nhánh nhỏ nhất của hệ thống động mạch; chúng đóng vai trò như là các ống kiểm soát mà qua đó máu được đưa vào trong các mao mạch. Các tiểu động mạch có các thành cơ khỏe, có thể giúp đóng các tiểu động mạch hoàn toàn hay có thể giãn các mạch máu đến vài lần; vì thế, các tiểu động mạch có thể thay đổi lưu lượng máu rất nhiều trong mỗi mô khi đáp ứng với nhu cầu của mô đó.
Chức năng của các mao mạch (capillaries) là trao đổi dịch, các chất dinh dưỡng, các chất điện giải, hormones và các chất khác giữa máu và dịch kẽ. Để đáp ứng vai trò này, các thành mao mạch thì phải mỏng và có nhiều lỗ mao mạch nhỏ cho phép thấm với nước và các phân tử chất nhỏ khác.
Các tiểu tĩnh mạch (venules) nhận máu từ các mao mạch và dần dần hợp nhất lại để trở thành các tĩnh mạch lớn dần lên.
Các tĩnh mạch (veins) đóng vai trò như là các ống dẫn để vận chuyển máu từ các tiểu tĩnh mạch trở về tim. Các tĩnh mạch cũng đóng vai trò như là các bể chứa cho lượng máu dư. Bởi vì áp suất trong hệ thống tĩnh mạch thì thấp nên các thành tĩnh mạch sẽ mỏng. Ngay cả là như vậy, chúng vẫn đủ cơ để co hay giãn và bằng cách đó đóng vai trò như là một bể chứa máu có kiểm soát cho lượng máu dư, có thể là một lượng máu lớn hoặc nhỏ, phụ thuộc vào nhu cầu của hệ thống tuần hoàn.
Các thể tích máu trong các phần khác nhau của hệ tuần hoàn. Hình 1 cung cấp một cái nhìn tổng quan về hệ thống tuần hoàn và liệt kê các phần trăm của tổng thể tích máu trong các thành phần chính của hệ thống tuần hoàn. Ví dụ, khoảng 84% toàn bộ thể tích máu của cơ thể thì nằm trong tuần hoàn hệ thống và 16% là nằm trong tim và các phổi. Trong 84% máu trong tuần hoàn hệ thống, gần 64% là trong các tĩnh mạch, 13% trong các động mạch và 7% trong các tiểu động mạch hệ thống và các mao mạch. Tim chứa 7% lượng máu và các mạch máu phổi chứa 9%.
Ngạc nhiên nhất là thể tích máu thấp trong các mao mạch. Tuy nhiên, đây chính là nơi chức năng quan trọng nhất của hệ tuần hoàn diễn ra – sự khuếch tán các chất qua lại giữa máu và các mô.
Các thiết diện cắt ngang và các tốc độ của dòng máu. Nếu như tất cả các mạch máu hệ thống của mỗi loại được đặt cạnh nhau thì tổng thiết diện cắt ngang của chúng đối với một người trung bình sẽ là như sau:
Đặc biệt chú ý là các thiết diện cắt ngang của các tĩnh mạch thì lớn hơn nhiều so với của các động mạch, trung bình là khoảng 4 lần so với các động mạch tương ứng.
Sự chênh lệch này giải tích cho khả năng tích trữ máu nhiều của hệ thống tĩnh mạch so với hệ thống động mạch.
Bởi vì cùng một thể tích dòng máu (F) phải đi qua mỗi thành phần của hệ thống tuần hoàn mỗi phút nên tốc độ của dòng máu (v) thì tỷ lệ nghịch với thiết diện cắt ngang của mạch máu (A):
v = F/A
Vì thế, dưới các điều kiện nghỉ ngơi, tốc độ trung bình của dòng máu là khoảng 33 cm/giây trong động mạch chủ nhưng chỉ bằng 1/1000 vận tốc này trong các mao mạch – khoảng 0.3 mm/giây. Tuy nhiên, bởi vì các mao mạch có một chiều dài thường là chỉ 0.3 đến 1 millimeter nên máu ở trong mao mạch chỉ trong một khoảng thời gian từ 1 đến 3 giây, điều này thì rất ngạc nhiên bởi vì tất cả sự khuếch tán các chất dinh dưỡng và các chất điện giải mà xảy ra qua thành mao mạch phải được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn này.
Áp suất trong các phần khác nhau của hệ thống tuần hoàn. Bởi vì tim bơm máu một cách liên tục vào trong động mạch chủ nên áp suất trung bình trong động mạch chủ sẽ cao, trung bình là khoảng 100 mm Hg. Ngoài ra, bởi vì sự bơm máu của tim là theo nhịp nên áp suất động mạch bình thường sẽ thay đổi luân phiên giữa một mức áp suất tâm thu trung bình là 120 mm Hg và một mức áp suất tâm trương trung bình là 80 mm Hg dưới các điều kiện nghỉ ngơi, như được thể hiện ở phía bên trái của Hình 2.
Khi máu đi qua tuần hoàn hệ thống, áp suất trung bình của nó giảm dần dần đến khoảng 0 mm Hg vào thời điểm nó kết thúc ở tĩnh mạch chủ trên hoặc tĩnh mạch chủ dưới, nơi mà máu đổ vào trong tâm nhĩ phải của tim.
Áp suất trong nhiều mao mạch hệ thống thay đổi từ mức cao là 35 mm Hg ở gần các đầu tiểu động mạch đến mức thấp là 10 mm Hg ở gần các đầu tĩnh mạch nhưng áp suất chức năng trung bình của chúng trong hầu hết các mạng mạch máu là khoảng 17 mm Hg, một áp suất đủ thấp để cho một ít huyết tương thoát qua các lỗ nhỏ của các thành mao mạch, và các chất dinh dưỡng có thể khuếch tán một cách dễ dàng qua cùng các lỗ này đến các tế bào mô nằm xung quanh. Trong một số mao mạch, như các mao mạch cầu thận của thận, áp suất thì cao hơn đáng kể, trung bình là khoảng 60 mm Hg và tạo ra tốc độ lọc dịch nhanh hơn nhiều.
Ở phía bên phải ngoài cùng của Hình 2, chú ý rằng các áp suất tương ứng trong các phần khác nhau của tuần hoàn phổi. Trong các động mạch phổi, áp suất là theo nhịp, cũng giống như trong động mạch chủ, nhưng áp suất thì thấp hơn nhiều; áp suất tâm thu động mạch mạch trung bình khoảng 25 mm Hg và áp suất tâm trương trung bình khoảng 8 mmHg, với một áp suất động mạch phổi trung bình chỉ là khoảng 16 mm Hg. Áp suất mao mạch phổi trung bình chỉ rơi vào khoảng 7 mm Hg. Tuy là vậy, tổng lượng máu qua các phổi mỗi phút là giống như qua tuần hoàn hệ thống. Các áp suất thấp của hệ thống tuần hoàn phổi thì phù hợp với các nhu cầu của các phổi bởi vì tất cả những gì cần thiết là cần đưa máu trong các mao mạch phổi tiếp xúc với oxygen và các khí khác trong các phế nang phổi.
Các nguyên lý cơ bản của chức năng hệ thống tuần hoàn
Mặc dù các chi tiết của chức năng hệ thống tuần hoàn thì phức tạp nhưng 3 nguyên lý cơ bản sau đây sẽ là các nền tảng cho tất cả các chức năng của hệ thống.
1. Dòng máu đến hầu hết các mô được kiểm soát theo các nhu cầu của mô. Khi các mô hoạt động, chúng cần cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn và vì thế cần nhiều lưu lượng máu hơn so với khi nghỉ, đôi khi nhiều đến 20 đến 30 lần so với mức nghỉ. Tuy nhiên, tim bình thường không thể tăng cung lượng của nó nhiều hơn 4 đến 7 lần so với mức nghỉ. Vì thế, không thể đơn giản là tăng lưu lượng máu mọi nơi trong cơ thể khi một mô nhất định có nhu cầu tăng lưu lượng máu. Thay vào đó, các vi mạch máu của mỗi mô, đặc biệt là các tiểu động mạch, liên tục theo dõi các nhu cầu của mô như tính sẵn có của oxygen và các chất dinh dưỡng khác, và sự tích tụ của carbon dioxide và các sản phẩm thải của mô khác. Những vi mạch máu này sẽ giãn hoặc co để kiểm soát lưu lượng máu cục bộ ở mức cần cho hoạt động của mô. Ngoài ra, sự kiểm soát thần kinh của hệ thống tuần hoàn từ hệ thống thần kinh trung ương và các hormones giúp cung cấp thêm các sự hỗ trợ trong kiểm soát lưu lượng máu tại mô.
2. Cung lượng tim là tổng của tất cả các lưu lượng máu mô cục bộ. Khi máu đi qua một mô, nó ngay lập tức trở về bằng con đường các tĩnh mạch đến tim. Tim đáp ứng một cách tự động với sự tăng dòng máu đổ vào này bằng cách bơm nó trở lại vào trong các động mạch ngay lập tức. Vì thế, ngay khi tim đang thực hiện chức năng bình thường thì nó sẽ đóng vai trò như là một bộ máy tự động đáp ứng với các nhu cầu của các mô. Tuy nhiên, tim thường cần sự hỗ trợ ở dạng các tín hiệu thần kinh để làm cho nó bơm các lượng máu cần thiết.
3. Sự điều hòa áp suất động mạch thì thường độc lập với sự kiểm soát lưu lượng máu cục bộ hay sự kiểm soát cung lượng tim. Hệ thống tuần hoàn được cung cấp một hệ thống kiểm soát huyết áp động mạch phong phú. Ví dụ, nếu như ở bất kỳ thời điểm nào mà huyết áp tụt đáng kể xuống dưới mức bình thường là khoảng 100 mm Hg thì một hàng rào các phản xạ thần kinh sẽ kích hoạt một chuỗi các thay đổi trong hệ thống tuần hoàn để nâng áp suất quay trở lại về mức bình thường trong vài giây. Đặc biệt, các tín hiệu thần kinh sẽ làm những việc sau đây: (a) tăng lực bơm máu của tim; (b) gây ra sự co của các bể chứa tĩnh mạch lớn để cung cấp nhiều máu hơn đến tim; và (c) gây ra sự co của các tiểu động mạch trong nhiều mô để cho nhiều máu tích tụ trong các động mạch lớn để làm tăng áp suất động mạch. Sau đó, qua các khoảng thời gian kéo dài hơn – vài giờ đến vài ngày – các thận đóng một vai trò chính bổ sung trong kiểm soát áp suất bằng cách tiết các hormones kiểm soát huyết áp và điều hòa thể tích máu.
Vì thế, các nhu cầu của các mô khác nhau được đáp ứng một cách chuyên biệt bởi hệ thống tuần hoàn. Trong bài viết này và các bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ bắt đầu bàn luận về sự kiểm soát cơ bản trong lưu lượng máu của mô, cung lượng tim và áp suất động mạch.
Mối liên hệ giữa áp suất, lưu lượng và sức cản
Máu chảy qua một mạch máu được xác định bởi 2 yếu tố: (1) chênh lệch áp suất (pressure difference) của máu giữa 2 đầu của mạch máu, đôi khi được gọi là gradient áp suất (pressure gradient) dọc theo mạch máu, giúp đẩy máu đi qua mạch máu; và (2) trở ngại đối với dòng máu khi đi qua mạch máu, được gọi là sức cản mạch máu (vascular resistance). Hình 3 thể hiện những mối liên hệ này, cho thấy một đoạn mạch máu ở bất cứ đâu trong hệ thống tuần hoàn.
P1 đại diện cho áp suất ở gốc của mạch máu và P2 là áp suất ở đầu còn lại. Sức cản xuất hiện như là một sự ma sát giữa dòng máu và nội mô mạch máu dọc theo mặt trong của mạch máu. Dòng máu qua mạch máu có thể được tính toán bởi công thức sau đây, được gọi là định luật Ohm’s:
trong đó F là lưu lượng máu, ΔP là chêch lệch áp suất (P1 – P2) giữa hai đầu của mạch máu và R là sức cản. Công thức này phát biểu rằng lưu lượng máu tỷ lệ thuận với chênh lệch áp suất nhưng tỷ lệ nghịch với sức cản. Chú ý rằng sự chênh lệch áp suất giữa hai đầu của mạch máu, không phải là áp suất tuyệt đối bên trong mạch máu sẽ xác định tốc độ dòng máu. Ví dụ, nếu như áp suất ở cả hai đầu là 100 mmHg và không có sự chênh lệch nào tồn tại giữa hai đầu mạch máu thì sẽ không có dòng chảy, mặc dù có sự xuất hiện của 100 mm Hg.
Định luật Ohm’s minh họa trong công thức trước, cho thấy một trong những mối liên hệ quan trọng nhất mà bạn đọc cần biết để hiểu được huyết động của hệ thống tuần hoàn. Bởi vì vai trò cực kỳ quan trọng của công thức này, bạn đọc cũng nên làm quen với các dạng đại số khác của nó:
1. Lưu lượng máu
Lưu lượng dòng máu có nghĩa là lượng máu đi qua một điểm cho trước trong hệ thống tuần hoàn trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, lưu lượng dòng máu được biểu diễn bởi đơn vị millileters mỗi phút hay liters mỗi phút nhưng nó có thể được biểu diễn với đơn vị là millimeters mỗi giây hoặc bằng các đơn vị khác của lưu lượng và thời gian.
Lưu lượng máu tổng quan trong toàn bộ hệ tuần hoàn của một người trưởng thành lúc nghỉ là khoảng 5000 ml/phút. Đây được gọi là cung lượng tim (cardiac output) bởi vì nó là lượng máu bơm vào trong động mạch chủ bởi tim mỗi phút.
Các phương pháp đo lưu lượng máu. Nhiều thiết bị đo lưu lượng cơ học và điện-cơ học có thể được đặt nối tiếp với mạch máu hoặc trong một số trường hợp, được đặt ở bên ngoài mạch máu để đo lưu lượng máu.
Thiết bị đo lưu lượng điện từ. Một thiết bị đo lưu lượng điện từ (electromagnetic flowmeter), các nguyên lý của nó được minh họa trong Hình 4, có thể được sử dụng để đo lưu lượng máu thực nghiệm mà không mở mạch máu. Hình 4A cho thấy sự tạo thành lực điện động (điện áp) trong một dây dẫn mà được di chuyển nhanh chóng theo hướng chéo qua một từ trường. Đây là nguyên lý nổi tiếng trong việc sản xuất điện bởi máy phát điện. Hình 4B cho thấy cùng nguyên lý áp dụng cho sự tạo thành lực điện động trong máu đang đi qua một từ trường. Trong trường hợp này, một mạch máu được đặt giữa các cực của một nam châm mạnh và các điện cực được đặt ở hai bên của mạch máu vuông góc với đường sức từ của nam châm. Khi máu chảy qua mạch máu, một điện áp tỷ lệ với tốc độ dòng máu được tạo ra giữa hai điện cực, và điện áp này được ghi lại nhờ sử dụng một volt kế hay máy ghi điện tử thích hợp. Hình 4C cho thấy một bộ dò thực sự được đặt lên một mạch máu lớn để ghi lại lưu lượng của nó. Bộ dò chứa cả nam châm mạnh và các điện cực.
Một tiến bộ đặc biệt của thiết bị đo lưu lượng điện từ là nó có thể ghi lại các sự thay đổi trong lưu lượng trong khoảng thời gian dưới 1/100 giây, cho phép ghi lại chính xác các thay đổi theo nhịp trong dòng máu, cũng như là dòng máu ổn định.
Thiết bị đo lưu lượng siêu âm Doppler. Một loạt thiết bị đo lưu lượng khác mà có thể được áp dụng ở bên ngoài các mạch máu và có cùng các ưu điểm so với thiết bị đo lưu lượng điện từ là thiết bị đo lưu lượng siêu âm Doppler (ultrasonic Doppler flowmeter), được thể hiện trong Hình 5. Một tinh thể áp điện được định vị trong thành của thiết bị. Tinh thể này, khi được truyền năng lượng với một hệ thống điện tử thích hợp thì sẽ truyền siêu âm ở một tần số vài trăm ngàn chu kỳ mỗi giây dọc theo sự chảy của dòng máu. Một phần của âm thanh được phản xạ bởi các tế bào máu về phía tinh thể. Những sóng phản xạ này có một tần số thấp hơn so với sóng truyền đi bởi vì các tế bào hồng cầu đang đi ra xa tinh thể truyền. Hiệu ứng này được gọi là hiệu ứng Doppler. (Nó thì giống với hiệu ứng khi mà một người thử nghiệm đứng gần một chuyến tàu đang đến và đi ngang qua trong khi tàu đang thổi còi. Một khi tiếng còi đã đi qua người, cao độ của âm thành từ tiếng còi sẽ đột nhiên trở nên thấp hơn nhiều so với khi tàu tiếp cận).
Đối với thiết bị đo lưu lượng được thể hiện trong Hình 5, sóng siêu âm tần số cao thì được ngắt từng hồi và sóng phản xạ lại được nhận lại bởi tinh thể áp điện và khuếch đại một cách đáng kể bởi hệ thống điện tử. Một phần khác của hệ thống điện tử sẽ xác định sự chênh lệch tần số giữa sóng được truyền đi và sóng phản xạ lại, vì thế, xác định được tốc độ của dòng máu. Khi đường kính của mạch máu không thay đổi thì các sự thay đổi trong dòng máu bên trong mạch máu thì sẽ liên quan trực tiếp đến các sự thay đổi của tốc độ dòng chảy.
Tương tự với thiết bị đo lưu lượng điện từ, thiết bị đo lưu lượng siêu âm Doppler thì có thể ghi lại các sự thay đổi theo nhịp nhanh trong dòng máu, cũng như là trong dòng máu ổn định.
Dòng chảy tầng của máu trong các mạch máu. Khi máu chảy ở một tốc độ ổn định qua một mạch máu trơn nhẵn dài thì nó sẽ chảy thành các đường dòng (streamlines), với mỗi tầng máu luôn luôn cách thành mạch máu một khoảng cách. Ngoài ra, phần trung tâm nhất của máu sẽ ở trung tâm của mạch máu. Loại dòng chảy này được gọi là dòng chảy tầng (laminar flow) hay dòng chảy đường dòng (streamline flow), ngược lại với dòng chảy rối loạn (turbulent flow) mà trong đó máu chảy theo mọi hướng trong mạch máu và liên tục trộn lẫn trong mạch máu, sẽ được bàn luận đến bên dưới đây.
Biên dạng vận tốc hình parabol trong suốt dòng chảy tầng. Khi dòng chảy tầng xảy ra, tốc độ của dòng chảy ở trung tâm mạch máu thì lớn hơn nhiều so với các bờ bên ngoài. Hiện tượng này được trình bày trong Hình 6. Trong Hình 6A, một ống chứa 2 chất lỏng, một là chất lỏng có màu ở phía bên trái và một chất lỏng khác trong suốt ở phía bên phải, nhưng không có dòng chảy trong mạch máu. Khi các dịch được làm cho chảy thì một tiếp diện hình parabol phát triển giữa hai dịch này, như được thể hiện ở thời gian 1 giây sau trong Hình 6B. Phần dịch ngay cạnh thành mạch máu thì hầu như không di chuyển, phần hơi xa thành mạch thì di chuyển một khoảng cách nhỏ và phần ở trung tâm của mạch máu thì di chuyển một khoảng cách dài. Hiệu ứng này được gọi là biên dạng parabol đối với vận tốc của dòng máu.
Nguyên nhân của biên dạng hình parabol là như sau. Các phân tử dịch chạm thành thì di chuyển một cách chậm chạp bởi vì sự bám dính vào thành ống. Lớp tiếp theo của các phân tử thì trượt theo lớp vừa nói ở trên, lớp thứ ba thì trượt trên lớp thứ hai, lớp thứ tư thì trượt trên lớp thứ ba và cứ như vậy cho các lớp tiếp theo. Vì thế, dịch ở trung tâm của mạch có thể di chuyển một cách nhanh chóng bởi vì nhiều lớp các phân tử trượt lên nhau tồn tại giữa phần trung tâm của mạch máu và thành mạch máu. Do đó, mỗi lớp hướng về phía trung tâm của các dòng chảy thì sẽ chảy nhanh hơn dần dần so với các lớp bên ngoài.
Dòng chảy rối loạn của máu dưới một số tình trạng. Khi tốc độ của dòng máu trở nên quá lớn, khi nó đi qua một tắc nghẽn trong một mạch máu, khi nó rẽ hướng đột ngột hoặc khi nó đi qua một bề mặt gồ ghề thì dòng chảy sau đó có thể trở nên rối loạn, hay mất trật tự, chứ không phải là theo đường dòng (Hình 6C). Dòng chảy rối loạn có nghĩa là dòng máu đi chéo và dọc theo mạch máu, thường hình thành nên các xoáy trong dòng máu, được gọi là các dòng máu xoáy (eddy currents). Những dòng chảy xoáy này thì tương tự với các xoáy nước được nhìn thấy trong con sông đang chảy nhanh tại một điểm bị chặn lại. Khi các dòng chảy xoáy xuất hiện, máu sẽ chảy với sự cản lớn hơn nhiều so với khi dòng chảy đi theo đường dòng bởi vì các dòng chảy xoáy nhìn chung sẽ tăng thêm rất nhiều sự ma sát của dòng chảy trong mạch máu.
Khuynh hướng rối loạn của dòng chảy tăng tỷ lệ thuận với tốc độ của dòng máu, đường kính của mạch máu và mật độ của máu và tỷ lệ nghịch với độ đặc của máu, tuân theo phương trình sau đây:
trong đó Re là số Reynold’s, thể hiện mức độ mà dòng chảy rối loạn có thể xảy ra, v là tốc độ trung bình của dòng máu (cm/giây), d là đường kính mạch máu (centimeters), ρ là mật độ (grams/ml) và η là độ đặc (poise). Độ đặc của máu thường bằng khoảng 1/30 poise và mật độ thì chỉ hơi lớn hơn 1. Khi số Reynold’s tăng lên trên giá trị từ 200 đến 400 thì dòng máu rối loạn sẽ xảy ra ở một số nhánh của các mạch máu nhưng sẽ mất đi dọc theo các phần trơn láng của mạch máu. Tuy nhiên, khi số Reynold’s tăng trên khoảng 2000, rối loạn sẽ thường xuất hiện ngay cả trong mạch máu thẳng và trơn láng.
Số Reynold’s đối với dòng chảy trong mạch máu bình thường tăng đến giá trị 200 đến 400 ngay cả trong các động mạch lớn. Kết quả, gần như luôn luôn có một số rối loạn dòng chảy ở các nhánh của các động mạch này. Trong các phần gần của động mạch chủ và động mạch phổi, số Reynold’s có thể tăng đến vài ngàn trong suốt giai đoạn nhanh của sự tống máu của các tâm thất, điều này sẽ gây ra sự rối loạn đáng kể trong phần gần của động mạch chủ và động mạch phổi, nơi mà nhiều điều kiện thích hợp cho sự rối loạn dòng chảy xảy ra như sau: (1) tốc độ dòng máu cao; (2) bản chất theo nhịp của dòng chảy; (3) sự thay đổi đột ngột trong đường kính mạch máu; và (4) đường kính mạch máu lớn. Tuy nhiên, trong các mạch máu nhỏ, số Reynold’s thì hầu như không bao giờ đủ cao để gây ra rối loạn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!