Trung thất trên nằm phía sau cán xương ức và phía trước các thân của 4 xương đốt sống ngực đầu tiên (Hình 1).
- Giới hạn trên của nó là một mặt phẳng chếch đi từ khuyết cảnh lên trên và ra sau đến bờ trên của đốt sống TI.
- Phía dưới, nó được giới hạn bởi một mặt phẳng ngang đi từ góc ức đến đĩa gian đốt sống TIV/V, phân chia nó với trung thất dưới.
- Phía hai bên, nó được giới hạn bởi phần trung thất của màng phổi thành ở cả hai bên.
Trung thất trên liên tục với cổ ở phía trên và với trung thất dưới ở bên dưới.
Các cấu trúc chính được tìm thấy trong trung thất trên (Hình 2 và Hình 3) bao gồm:
- Tuyến ức
- Các tĩnh mạch cánh tay-đầu phải và trái
- Tĩnh mạch gian sườn trên trái
- Tĩnh mạch chủ trên
- Cung động mạch chủ với 3 nhánh lớn của nó
- Khí quản
- Thực quản
- Các dây thần kinh hoành
- Các dây thần kinh lang thang
- Nhánh thanh quản quặt ngược của dây thần kinh lang thang trái
- Ống ngực
- Các dây thần kinh, mạch máu và mạch bạch huyết nhỏ khác.
Tuyến ức
Tuyến ức là thành phần trước nhất của trung thất trên, nằm ngay sau cán xương ức. Nó là một cấu trúc không đối xứng và có hai thùy (Hình 4).
Sự mở rộng lên bên trên của tuyến ức có thể vào trong vùng cổ, đến mức tuyến giáp; phần dưới tuyến ức thường mở rộng vào trong trung thất trước trên túi ngoại tâm mạc.
Liên quan đến sự phát triển ban đầu của hệ thống miễn dịch, tuyến ức là một cấu trúc lớn ở trẻ em, bắt đầu teo sau khi dậy thì và cho thấy sự thay đổi đáng kể về kích thước ở người trưởng thành. Ở người lớn tuổi, hầu như không thể xem nó như là một cơ quan, nó chứa chủ yếu là mô mỡ mà đôi khi nó được sắp xếp thành một cấu trúc chứa mỡ gồm 2 thùy.
Các động mạch cấp máu tuyến ức bao gồm các nhánh nhỏ bắt nguồn từ các động mạch ngực trong. Thoát máu tĩnh mạch thường là vào trong tĩnh mạch cánh tay-đầu trái và có thể vào các tĩnh mạch ngực trong.
Thoát dịch bạch huyết về nhiều nhóm hạch ở một hoặc nhiều hơn trong số các vị trí sau:
- Dọc theo các động mạch ngực trong (hạch cạnh ức);
- Ở chỗ phân đôi của khí quản ( hạch khí-phế quản); và
- Ở nền cổ
Các tĩnh mạch cánh tay-đầu trái và phải
Các tĩnh mạch cánh tay-đầu trái và phải nằm ngay sau tuyến ức. Chúng hình thành ở mỗi bên tại vị trí nối giữa tĩnh mạch cảnh trong và tĩnh mạch dưới đòn (Hình 2). Tĩnh mạch cánh tay-đầu trái đi qua đường giữa và hợp với tĩnh mạch cánh tay-đầu trái để hình thành nên tĩnh mạch chủ trên (Hình 5).
- Tĩnh mạch cánh tay-đầu phải bắt đầu ở phía sau đầu trong của xương đòn phải và đi dọc xuống, hình thành nên tĩnh mạch chủ trên khi nó hợp với tĩnh mạch cánh tay-đầu trái. Các nhánh tĩnh mạch đổ về bao gồm các tĩnh mạch đốt sống, tĩnh mạch gian sườn sau thứ nhất và tĩnh mạch ngực trong. Các tĩnh mạch tuyến giáp dưới và tuyến ức cũng có thể đổ vào.
- Tĩnh mạch cánh tay-đầu trái bắt đầu ở phía sau của đầu trong của xương đòn trái. Nó đi về bên phải, di chuyển hơi theo hướng xuống dưới và hợp với tĩnh mạch cánh tay-đầu phải để hình thành nên tĩnh mạch chủ trên ở phía sau bờ dưới của sụn sườn thứ nhất bên phải, gần với bờ ức phải. Các tĩnh mạch đổ về bao gồm các tĩnh mạch đốt sống, tĩnh mạch gian sườn sau thứ nhất, tĩnh mạch gian sườn trên trái, tĩnh mạch tuyến giáp dưới và các tĩnh mạch ngực trong. Nó cũng có thể nhận các tĩnh mạch tuyến ức và tĩnh mạch ngoại tâm mạc. Tĩnh mạch cánh tay-đầu trái đi qua đường giữa ở phía sau cán xương ức ở người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, tĩnh mạch cánh tay-đầu trái nhô lên phía trên bờ trên của cán xương ức và vì thế, nó ít được bảo vệ hơn.
Tĩnh mạch gian sườn trên trái
Tĩnh mạch gian sườn trên trái nhận máu từ các tĩnh mạch gian sườn sau thứ hai, thứ ba và đôi khi cả thứ tư, thường nhận máu của các tĩnh mạch phế quản trái và đôi khi cả tĩnh mạch ngoại tâm mạc-hoành. Nó đi trên phía bên trái của cung động mạch chủ, phía ngoài thần kinh lang thang trái và phía trong thần kinh hoành trái, trước khi đổ vào tĩnh mạch cánh tay-đầu trái (Hình 6). Phía bên dưới, nó có thể kết nối với tĩnh mạch bán đơn phụ (tĩnh mạch bán đơn trên).
Tĩnh mạch chủ trên
Tĩnh mạch chủ trên định hướng thẳng đứng bắt đầu từ phía sau bờ dưới của sụn sườn thứ nhất bên phải, nơi các tĩnh mạch cánh tay-đầu trái và phải hợp lại với nhau và kết thúc ở bờ dưới sụn sườn thứ ba bên phải, nơi mà nó đổ vào tâm nhĩ phải (Hình 2).
Nủa dưới của tĩnh mạch chủ trên nằm bên trong túi ngoai tâm mạc và vì thế, được chứa trong trung thất giữa.
Tĩnh mạch chủ trên nhận máu tĩnh mạch đơn ngay trước khi đi vào trong túi ngoại tâm mạc và cũng có thể nhận máu từ các tĩnh mạch ngoại tâm mạc và trung thất.
Tĩnh mạch chủ trên có thể được hình dung một cách dễ dàng là phần hình thành nên bờ trên-ngoài phải của trung thất trên một phim X quang ngực (Hình 7A).
Cung động mạch chủ và các nhánh của nó
Đoạn lồng ngực của động mạch chủ ngực có thể được chia thành động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và động mạch chủ ngực (động mạch chủ xuống). Chỉ cung động mạch chủ là ở trong trung thất trên. Nó bắt đầu khi động mạch chủ lên đi ra từ túi ngoại tâm mạc và đi lên trên, ra sau và sang bên trái khi nó đi qua trung thất trên, kết thúc bên phía trái ở mức đốt sống TIV/V (Hình 2). Mở lên cao đến mức giữa cán xương ức, cung động mạch chủ ban đầu ở phía trước và cuối cùng thì ra bên ngoài khí quản.
Ba nhánh xuất phát từ bờ trên của cung động mạch chủ; ở gốc của các nhánh này, tĩnh mạch cánh tay-đầu trái đều đi qua phía trước của cả ba nhánh.
1. Nhánh đầu tiên
Bắt đầu từ phía bên phải, nhánh đầu tiên của cung động mạch chủ là thân cánh tay-đầu (Hình 8). Nó là nhánh lớn nhất trong ba nhánh và ở gốc của nó phía sau cán xương ức, thì nó nằm hơi trước so với hai nhánh còn lại. Nó đi lên hơi ra sau và sang bên phải. Ở mức bờ trên của khớp ức-đòn phải, thân cánh tay-đầu phân chia thành:
- Động mạch cảnh chung phải
- Động mạch dưới đòn phải (Hình 2)
Các động mạch này lần lượt chủ yếu cấp máu cho vùng đầu và cổ bên phải và chi trên bên phải.
Đôi khi, thân cánh tay-đầu có một nhánh nhỏ là động mạch tuyến giáp thấp nhất, tham gia vào việc cung cấp máu cho tuyến giáp.
2. Nhánh thứ hai
Nhánh thứ hai của cung động mạch chủ là động mạch cảnh chung trái (Hình 8). Nó xuất phát từ cung động mạch chủ ở ngay bên trái và hơi sau so với thân cánh tay-đầu và đi lên qua trung thất trên dọc theo bên trái khí quản.
Động mạch cảnh chung trái cung cấp máu cho vùng đầu và cổ bên trái.
3. Nhánh thứ ba
Nhánh thứ ba của cung động mạch chủ là động mạch dưới đòn trái (Hình 8). Nó xuất phát từ cung động mạch chủ ở ngay bên trái và hơi sau so với động mạch cảnh chung trái và đi lên qua trung thất trên dọc theo bên trái khí quản.
Động mạch dưới đòn trái là nguồn cấp máu chủ yếu cho chi trên bên trái.
Dây chằng động mạch
Dây chằng động mạch cũng nằm trong trung thất trên và có vai trò quan trọng trong tuần hoàn phôi thai, khi nó còn là một mạch máu (ống động mạch). Nó nối thân động mạch phổi với cung động mạch chủ và cho phép máu không đi qua phổi trong suốt quá trình phát triển (Hình 8). Mạch máu đóng sớm sau khi sinh và hình thành nên dây chằng được thấy ở người trưởng thành.
Khí quản và thực quản
Khí quản là một cấu trúc nằm trên đường giữa mà có thể sờ thấy được ở khuyết cảnh khi nó đi vào trung thất trên. Sau nó là thực quản, thành phần nằm ngay trước cột sống (Hình 9, Hình 2 và Hình 3). Tính di động đáng kể tồn tại ở định vị đứng dọc của những cấu trúc này khi chúng đi qua trung thất trên. Nuốt và thở, cũng như là bệnh lí và việc sử dụng những dụng cụ chuyên biệt có thể gây ra các sự dịch chuyển vị trí của các cấu trúc này.
Khi khí quản và thực quản đi qua trung thất trên, tĩnh mạch đơn sẽ đi phía ngoài khí quản và thực quản ở phía bên phải và cung động mạch chủ sẽ đi phía ngoài khí quản và thực quản ở phía bên trái.
Khí quản chia thành phế quản chính trái và phế quản chính phải ở tại hoặc ngay bên dưới mặt phẳng ngang đi qua giữa góc ức và mức đốt sống TIV/V (Hình 10), ngược lại, thực quản tiếp tục đi vào trung thất sau.
Các dây thần kinh của trung thất trên
1. Các dây thần kinh lang thang
Các dây thần kinh lang thang (X) đi qua các phần trên và phần sau của trung thất trên đường mà chúng đến khoang bụng. Khi chúng đi qua lồng ngực, chúng cung cấp sự chi phối phó giao cảm đến các tạng lồng ngực và mang các sợi hướng tâm tạng từ các tạng của lồng ngực.
Các sợi hướng tâm tạng trong các dây thần kinh lang thang mang thông tin đến hệ thống thần kinh trung ương về các quá trình sinh lí bình thường và các hoạt động phản xạ. Chúng không dẫn truyền cảm giác đau.
a. Dây thần kinh lang thang phải:
Dây thần kinh lang thang phải đi vào trung thất trên và nằm giữa tĩnh mạch cánh tay-đầu phải và thân cánh tay-đầu. Nó đi xuống dưới, hướng ra sau về phía khí quản (Hình 11), đi qua mặt ngoài khí quản và đi ra sau gốc phổi phải để đến thực quản. Ngay trước thực quản, nó được bắt chéo qua bởi cung tĩnh mạch đơn.
Khi dây thần kinh lang thang phải đi qua trung thất trên, nó cho các nhánh đến thực quản, đám rối tim và đám rối phổi.
b. Dây thần kinh lang thang trái:
Dây thần kinh lang thang trái đi vào trung thất trên ở sau tĩnh mạch cánh tay-đầu trái và giữa động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái (Hình 12). Khi nó đi vào trung thất trên, nó nằm ngay dưới phần trung thất của màng phổi thành và băng qua bên trái của cung động mạch chủ. Nó tiếp tục đi xuống dưới theo hướng ra sau và đi ra sau gốc phổi trái để đến thực quản ở trung thất sau.
Khi dây thần kinh lang thang trái đi qua trung thất trên, nó cho các nhánh đến thực quản, đám rối tim và đám rối phổi.
Dây thần kinh lang thang trái cũng cho ra dây thần kinh thanh quản quặt ngược trái, xuất phát từ dây thần kinh lang thang tại bờ dưới của cung động mạch chủ ngay bên ngoài dây chằng động mạch. Dây thần kinh thanh quản quặt ngược trái đi dưới cung động mạch chủ trước khi đi lên trên trên mặt trong của nó. Đi vào một rãnh giữa khí quản và thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược trái tiếp tục đi lên phía trên để vào vùng cổ và tận cùng ở thanh quản (Hình 13).
2. Các dây thần kinh hoành
Các dây thần kinh hoành xuất phát ở vùng cổ chủ yếu từ thành phần tủy sống cổ thứ tư, ngoài ra còn từ các thành phần tủy sống cổ thứ ba và thứ năm.
Các dây thần kinh hoành đi xuống qua lồng ngực để chi phối cảm giác và vận động cho cơ hoành và các màng liên quan của nó. Khi chúng đi qua lồng ngực, chúng chi phối thần kinh thông qua các sợi hướng tâm thân thể đến màng phổi trung thất, ngoại tâm mạc sợi và lá thành của ngoại tâm mạc thanh mạc.
a. Dây thần kinh hoành phải:
Dây thần kinh hoành phải đi vào trung thất trên ở bên ngoài dây thần kinh lang thang phải và bên ngoài và hơi sau so với gốc của tĩnh mạch cánh tay-đầu phải (Hình 11). Nó tiếp tục đi xuống dưới dọc theo phía bên phải của tĩnh mạch này và phía bên phải của tĩnh mạch chủ trên.
Trên đường đi vào trung thất giữa, thần kinh hoành phải đi xuống dọc theo phía bên phải của túi ngoại tâm mạc, bên trong ngoại tâm mạc sợi, phía trước gốc phổi phải. Các mạch máu ngoại tâm mạc-hoành đi kèm theo qua hầu hết chặng đi của nó trong lồng ngực (Hình 14). Nó rời lồng ngực nhờ đi qua cơ hoành với tĩnh mạch chủ dưới.
b. Dây thần kinh hoành trái:
Dây thần kinh hoành trái đi vào trung thất trên tương tự như dây thần kinh hoành phải. Nó nằm bên ngoài dây thần kinh lang thang trái và bên ngoài và hơi sau gốc của tĩnh mạch cánh tay-đầu trái (Hình 6) và tiếp tục đi xuống qua mặt ngoài bên trái của cung động mạch chủ, đi nông hơn so với dây thần kinh lang thang trái và tĩnh mạch gian sườn trên trái.
Trên đường đi vào trung thất giữa, dây thần kinh hoành trái đi theo bên trái của túi ngoại tâm mạc, bên trong ngoại tâm mạc sợi, phía trước gốc phổi trái và được kèm theo bởi các mạch máu ngoại tâm mạc-hoành (Hình 14). Nó rời lồng ngực nhờ đâm xuyên qua cơ hoành ở gần đỉnh tim.
Ống ngực trong trung thất trên
Ống ngực là mạch bạch huyết chính trong cơ thể, đi qua phần sau của trung thất trên (Hình 3 và Hình 9). Nó:
- Đi vào trung thất trên từ phía dưới, hơi bên trái đường giữa, nó di chuyển đến vị trí này ngay trước khi rời trung thất sau, đối diện mức đốt sống TIV/V
- Tiếp tục đi qua trung thất trên, phía sau cung động mạch chủ và phần đầu của động mạch dưới đòn trái, giữa thực quản và phần trung thất của màng phổi thành bên trái.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!