Lồng ngực dạng hình trụ sẽ bao gồm các thành phần:
- Một thành
- Hai khoang màng phổi
- Hai phổi
- Trung thất
Lồng ngực là nơi chứa tim và các phổi, đóng vai trò như một ống dẫn cho các cấu trúc đi giữa cổ và bụng và đóng vai trò quan trọng trong quá trình thở. Thêm vào đó, thành ngực bảo vệ tim và phổi và cung cấp sự hỗ trợ cho các chi trên. Các cơ bám vào thành ngực trước cung cấp một phần trong sự hỗ trợ này và cùng với các mô liên kết, các dây thần kinh và các mạch máu liên quan, và da và mạc nông che phủ của chúng, giúp tạo nên vùng trước ngực.
Vùng trước ngực
Vùng trước ngực là vùng bên ngoài so với thành ngực trước và giúp nối chi trên vào thân cơ thể. Chúng bao gồm:
- Một phần nông gồm da, mạc nông và vú;
- Một phần sâu chứa các cơ và các cấu trúc liên quan
Dây thần kinh, mạch máu và bạch huyết ở vùng nông xuất phát từ thành ngực, nách và cổ.
1. Vú
Vú bao gồm các tuyến vú và vùng da và mô liên kết liên quan. Tuyến vú là những tuyến mồ hôi bị biến đổi ở trong mạc nông phía trước các cơ trước ngực và thành ngực trước (Hình 1).
Các tuyến vú được tạo thành từ một chuỗi các ống và các tiểu thùy tiết liên quan. Những ống này hợp lại để hình thành nên 15 đến 20 ống dẫn sữa mở trực tiếp lên trên núm vú. Núm vú được bao quanh bởi một quầng sắc tố có hình tròn được gọi là quầng vú.
Một chất nền mô liên kết phát triển mạnh bao quanh các ống và các tiểu thùy của tuyến vú. Trong những vùng nhất định, sự cứng lại của mô này hình thành nên một dây chằng có thể xác định rõ, được gọi là dây chằng treo vú, liên tục với trung bì da và giúp nâng đỡ vú. Ung thư biểu mô vú gây ra một áp lực trên những dây chằng này và tạo nên vết lõm da.
Ở những phụ nữ không cho con bú, thành phần chủ yếu của vú là mỡ, trong khi đó, mô tuyến thì sẽ phong phú hơn ở những phụ nữ cho con bú.
Vú nằm trên mạc sâu liên quan với cơ ngực lớn và những cơ khác xung quanh. Một lớp mô liên kết lỏng lẻo (khoang sau vú) giúp tách vú khỏi mạc sâu và tạo ra một sự di động nhất định đối với các cấu trúc bên dưới.
Nền hay mặt bám của mỗi vú mở dọc từ xương sườn II đến VI và mở ngang từ xương ức ra bên ngoài đến đường nách giữa.
a. Động mạch cấp máu
Vú liên quan đến thành ngực và với những cấu trúc liên quan với chi trên; vì thế, cấp máu và thoát máu có thể xảy ra theo nhiều chặng (Hình 1):
- Bên ngoài, các mạch máu từ động mạch nách – các động mạch ngực trên, ngực- mỏm cùng vai, ngực ngoài và dưới vai;
- Bên trong, các nhánh từ động mạch ngực trong;
- Các động mạch gian sườn thứ 2 đến thứ 4 thông qua các nhánh đâm xuyên thành ngực và các cơ phủ lên thành ngực.
b. Tĩnh máu thoát máu
Các tĩnh mạch thoát máu của vú đi song song với các động mạch và cuối cùng thoát vào các tĩnh mạch nách, ngực trong và gian sườn.
c. Chi phối thần kinh
Chi phối thần kinh của vú là thông qua các nhánh bì trước và ngoài của các dây thần kinh gian sườn 2 đến 6. Núm vú được chi phối bởi dây thần kinh gian sườn 4.
d. Thoát dịch bạch huyết
Thoát dịch bạch huyết của vú như sau:
- Gần 75% là qua các mạch bạch huyết thoát ra phía ngoài và phía trên vào các hạch nách (Hình 1).
- Hầu hết sự thoát dịch bạch huyết còn lại thì là vào các hạch cạnh ức nằm dưới thành ngực trước và liên quan với động mạch ngực trong.
- Một số sự thoát dịch bạch huyết có thể diễn ra qua các mạch bạch huyết mà đi theo các nhánh ngoài của các động mạch gian sườn sau và kết nối với các hạch gian sườn nằm gần đầu và cổ của các sườn.
Các hạch nách sẽ thoát dịch bạch huyết vào các thân dưới đòn, các hạch cạnh ức thoát dịch vào các thân phế quản – trung thất và các hạch gian sườn sẽ thoát dịch vào trong ống ngực hoặc vào các thân phế quản – trung thất.
e. Vú ở nam giới
Vú ở nam thì cấu tạo rất đơn giản và chỉ chứa các ống nhỏ, thường được tạo thành các dây tế bào, bình thường không mở ra quá quầng vú. Ung thư vú có thể xảy ra ở nam giới.
2. Các cơ của vùng trước ngực
Mỗi vùng trước ngực sẽ có các cơ ngực lớn, ngực bé và dưới đòn (Hình 2 và Bảng 1). Tất cả đều xuất phát từ thành ngực trước và đến bám vào các xương chi trên.
a. Cơ ngực lớn
Cơ ngực lớn là cơ lớn nhất và nông nhất trong số các cơ của vùng trước ngực. Chúng nằm trực tiếp ngay dưới vú và được phân tách khỏi vú bởi mạc sâu và mô liên kết lỏng lẻo của khoang sau vú.
Cơ ngực lớn có một nguyên ủy rộng bao gồm các mặt trước của nửa trong xương đòn, xương ức và các sụn sườn liên quan. Các sợi cơ hội tụ lại để hình thành nên một gân dẹt đến bám tận vào bờ ngoài của rãnh gian củ xương cánh tay.
Cơ ngực lớn giúp khép, gấp và xoay trong cánh tay.
b. Cơ dưới đòn và cơ ngực bé
Các cơ dưới đòn và cơ ngực bé nằm dưới cơ ngực lớn:
- Cơ dưới đòn nhỏ và đi ra phía ngoài từ phần trước và trong của xương sườn I đến mặt dưới xương đòn.
- Cơ ngực bé đi từ mặt trước của các xương sườn III đến V đến mỏm quạ xương vai.
Cả cơ dưới đòn và cơ ngực bé đều giúp kéo đỉnh xương vai xuống dưới.
Một lớp mạc sâu liên tục, được gọi là mạc đòn – ngực, bao lấy cơ dưới đòn và cơ ngực bé và bám vào xương đòn ở phía trên và vào nền nách phía dưới.
Các cơ của vùng trước ngực hình thành nên thành trước nách, một vùng nằm giữa chi trên và cổ mà qua đó tất cả các cấu trúc quan trọng sẽ đi qua. Các dây thần kinh, mạch máu và bạch huyết mà đi giữa vùng trước ngực và nách thì sẽ đi qua mạc đòn-ngực giữa cơ dưới đòn và cơ ngực bé hoặc đi dưới các bờ dưới của cơ ngực lớn và ngực bé.
Thành ngực
Thành ngực thì được cấu trúc theo kiểu từng phần và bao gồm các thành phần xương và các cơ. Nó mở ra giữa:
- Lỗ ngực trên, giới hạn bởi xương đốt sống TI, xương sườn I và cán xương ức.
- Lỗ ngực dưới, giới hạn bởi xương đốt sống TXII, xương sườn XII, đầu tận xương sườn XI, bờ sườn và mỏm mũi kiếm xương ức.
1. Hệ thống xương
Các thành phần xương của thành ngực bao gồm các xương đốt sống ngực, các đĩa gian đốt sống, các xương sườn và xương ức.
a. Các xương đốt sống ngực
Có 12 đốt sống ngực, mỗi trong số chúng đều được đặc trưng bởi các khớp với các xương sườn.
Xương đốt sống ngực điển hình:
Một đốt sống ngực điển hình có thân đốt sống hình trái tim với đường kính ngang và đường kính trước sau gần như bằng nhau và một mỏm gai dài (Hình 3). Lỗ đốt sống nhìn chung là tròn và mảnh đốt sống lớn và chồng lên những mảnh đốt sống bên dưới. Các mỏm khớp trên phẳng với diện khớp của chúng hướng gần như trực tiếp ra sau, trong khi các mỏm khớp dưới nhô ra từ mảnh đốt sống và mặt khớp của chúng hướng ra trước.
Các mỏm ngang có dạng hình chùy và hướng ra phía sau ngoài.
Khớp với các xương sườn:
Một đốt sống ngực điển hình có ba vùng mỗi bên khớp với xương sườn.
- Hai bán diện khớp (các diện khớp một phần) nằm ở phía trên và phía dưới của thân đốt sống để khớp với các vùng tương ứng trên các đầu của các xương sườn lân cận. Diện sườn trên khớp với một phần đầu của xương sườn tương ứng và diện sườn dưới khớp với một phần đầu của xương sườn bên dưới.
- Một diện khớp bầu dục (diện sườn ngang) ở cuối mỏm ngang khớp với củ của xương sườn tương ứng.
Không phải tất cả các xương đốt sống đều khớp với các xương sườn theo cùng một cách (Hình 4).
- Các diện sườn trên của thân đốt sống TI là các diện khớp hoàn chỉnh và khớp bằng một mặt khớp duy nhất với đầu sườn tương ứng – nói cách khác, đầu sườn của xương sườn I không khớp với xương đốt sống CVII.
- Tương tự, đốt sống TX (và thường cả TIX) chỉ khớp với xương sườn tương ứng với đốt sống đó và vì thế, thiếu đi bán diện khớp dưới trên thân đốt sống.
- Đốt sống TXI và TXII chỉ khớp với các đầu của các xương sườn tương ứng – chúng thiếu đi các diện sườn ngang và chỉ có một diện khớp hoàn chỉnh duy nhất trên mỗi bên của thân đốt sống.
b. Các xương sườn
Có 12 cặp xương sườn, mỗi trong số chúng đều tận cùng ở phía trước dưới dạng sụn sườn (Hình 5).
Mặc dù tất cả xương sườn đều khớp với cột sống nhưng chỉ có phần sụn của 7 xương sườn trên, được gọi là xương sườn thật, khớp trực tiếp với xương ức. 5 cặp xương sườn còn lại được gọi là các xương sườn giả.
- Phần sụn sườn của các xương sườn VIII đến X khớp ở phía trước với sụn sườn của các xương sườn phía trên.
- Các xương sườn XI và XII không có kết nối ở phía trước với những xương sườn khác hoặc với xương ức và được gọi là xương sườn cụt.
Một xương sườn điển hình bao gồm một thân cong với các đầu trước và sau (Hình 6). Đầu trước thì liên tục với sụn sườn tương ứng. Đầu sau khớp với cột sống và được đặc trưng bởi một đầu, cổ và củ.
Đầu sườn hơi bè ra và thường xuất hiện hai mặt khớp chia ra bởi một mào. Mặt khớp trên nhỏ hơn khớp với diện sườn dưới trên thân đốt sống phía trên, ngược lại mặt khớp dưới lớn hơn khớp với diện sườn trên của xương đốt sống tương ứng.
Cổ sườn là một vùng dẹt ngắn của xương, giúp phân chia đầu sườn và củ sườn.
Củ sườn lồi về phía sau từ chỗ nối của cổ sườn với thân sườn và gồm hai vùng, vùng khớp và vùng không khớp:
- Vùng khớp ở phía bên trong và có một diện khớp hình bầu dục để khớp với diện khớp tương ứng trên mỏm ngang của đốt sống liên quan.
- Vùng không khớp nhô lên thì bị làm xù xì bởi việc bám vào của dây chằng
Thân sườn nhìn chung thì mảnh và dẹt với các mặt trong và ngoài.
Bờ trên thì trơn láng và tù, ngược lại bờ dưới sắc. Thân sườn cong về phía trước ngay bên ngoài củ sườn ở một vị trị được gọi là góc sườn. Nó cũng hơi xoắn quanh theo trục dọc làm cho mặt ngoài của phần trước thân hơi hướng lên trên so với phần sau. Bờ dưới của mặt trong có rãnh sườn.
Các đặc điểm khác nhau của các xương sườn trên và dưới:
Các xương sườn trên và dưới sẽ có các đặc điểm khác nhau (Hình 7).
Xương sườn I:
Xương sườn I thì nằm bằng trên mặt phẳng ngang và có các mặt trên và dưới rộng. Từ khớp của nó với xương cột sống TI, nó sẽ dốc xuống phía dưới để nối với cán xương ức. Đầu sườn chỉ khớp với thân đốt sống TI và vì thế, nó chỉ có một mặt khớp. Giống như những xương sườn khác, củ sườn có một mặt khớp để khớp với mỏm ngang xương đốt sống. Mặt trên của xương sườn được đặc trưng bởi một củ riêng, được gọi là củ cơ bậc thang, thành phần này tách hai rãnh trơn láng trên xương sườn ở gần giữa xương sườn. Rãnh trước tạo thành bởi tĩnh mạch dưới đòn và rãnh sau được tạo thành bởi động mạch dưới đòn. Trước và sau những rãnh này, thân sườn xù xì do cơ và dây chằng bám.
Xương sườn II:
Xương sườn II giống như xương sườn I, dẹt nhưng dài gấp đôi. Nó khớp với cột sống theo cách điển hình giống như hầu hết các xương sườn khác.
Xương sườn X:
Đầu xương sườn X có một mặt khớp đơn lẻ để khớp với chính xương đốt sống tương ứng.
Xương sườn XI và XII:
Xương sườn XI và XII khớp chỉ với thân của các đốt sống tương ứng và không có các củ sườn hay các cổ sườn. Cả hai xương sườn đều ngắn, hơi cong và hướng ra phía trước.
c. Xương ức
Xương ức người trưởng thành bao gồm 3 thành phần chính: cán xương ức rộng và nằm ở phía trên của xương ức, thân xương ức hẹp và định hướng dọc theo cơ thể và mỏm mũi kiếm nhỏ và nằm phía dưới (Hình 8).
Cán xương ức:
Cán xương ức hình thành nên hệ thống xương của cổ và ngực.
Mặt trên của cán xương ức mở rộng sang hai bên và có một khuyết đặc trưng và có thể sờ thấy trên đường giữa, đó là khuyết cảnh (khuyết trên ức). Nằm hai bên của khuyết này là các hố bầu dục lớn để khớp với xương đòn. Ngay dưới hố này, ở mỗi mặt bên của cán xương ức, là một diện cho sụn sườn đầu tiên bám. Ở đầu dưới của bờ ngoài cán ức là một bán diện để khớp với nửa trên của đầu trước sụn sườn thứ hai.
Thân xương ức:
Thân xương ức thì dẹt
Mặt trước của thân xương ức thường được đánh dấu bởi các gờ ngang biểu thị cho các đường nối giữa các thành phần gọi là đốt ức, mà từ các đốt ức này các phần của xương ức phát triển trong thời kì phôi thai.
Bờ ngoài của thân xương ức có các diện khớp với các sụn sườn. Phía trên, mỗi bờ ngoài có một diện bán khớp để khớp với phần dưới của sụn sườn II. Phía dưới diện bán khớp này là 4 diện khớp để khớp với các sụn sườn từ III đến VI.
Ở đầu dưới của thân xương ức là một diện bán khớp để khớp với diện bán khớp trên của sụn sườn VII. Đầu dưới của thân xương ức được nối với mỏm mũi kiếm.
Mỏm mũi kiếm:
Mỏm mũi kiếm là phần nhỏ nhất của xương ức. Hình dạng của nó thì rất thay đổi: nó có thể rộng, mảnh, nhọn, tách đôi, cong hoặc có lỗ. Mỗi bên của phía trên bờ ngoài là một diện bán khớp khớp với nửa đầu dưới của sụn sườn VII.
d. Các khớp
Các khớp sườn – đốt sống:
Một xương sườn điển hình khớp với:
- Các thân của các đốt sống lân cận, hình thành một khớp với đầu xương sườn.
- Mỏm ngang của đốt sống tương ứng với nó, hình thành nên khớp sườn – mỏm ngang (Hình 9).
Cùng với nhau, các khớp sườn – đốt sống và các dây chằng liên quan cho phép các cổ sườn xoay quanh các trục dọc của chúng, điều mà xảy ra chủ yếu ở các xương sườn trên, hoặc đi lên và đi xuống so với thân đốt sống, điều mà chủ yếu xảy ra với các xương sườn dưới. Sự kết hợp chuyển động của tất cả các xương sườn trên cột sống thì cần cho sự thay đổi thể tích lồng ngực trong suốt quá trình thở.
Khớp với đầu sườn:
Hai diện khớp trên đầu của xương sườn sẽ khớp với diện khớp trên của đốt sống tương ứng và với diện khớp dưới của thân đốt sống phía trên. Khớp này được chia thành 2 khoang khớp hoạt dịch bởi dây chằng nội khớp, bám từ mào đến đĩa gian đốt sống lân cận và phân tách 2 diện khớp trên đầu của xương sườn. Hai khoang khớp hoạt dịch và dây chằng nội khớp thì được bao quanh bởi một bao khớp bám vào các bờ ngoài của các diện khớp của đầu sườn và cột sống.
Các khớp sườn – mỏm ngang:
Các khớp sườn – mỏm ngang là những khớp hoạt dịch giữa củ sườn và mỏm ngang xương đốt sống liên quan (Hình 9). Bao khớp xung quanh mỗi khớp này thì mỏng. Khớp được ổn định bởi hai dây chằng ngoài bao khớp khỏe trải giữa mỏm ngang và xương sườn ở phía trong và phía ngoài của khớp:
- Dây chằng sườn – mỏm ngang thì ở phía trong của khớp và nối cổ sườn với mỏm ngang.
- Dây chằng sườn – mỏm ngang ngoài thì ở phía ngoài của khớp và nối đỉnh mỏm ngang đến phần xù xì không có diện khớp của củ sườn.
Một dây chằng thứ ba, dây chằng sườn – mỏm ngang trên, nối mặt trên của cổ sườn đến mỏm ngang đốt sống phía trên.
Các vận động trượt nhẹ xảy ra ở các khớp sườn – mỏm ngang.
Các khớp ức – sườn:
Các khớp ức – sườn là các khớp giữa 7 sụn sườn trên và xương ức (Hình 10).
Khớp giữa xương sườn I và cán xương ức thì không phải khớp hoạt dịch và được tạo thành từ một sự liên kết bằng sụn sợi giữa cán xương ức và sụn sườn. Các khớp thứ hai đến thứ bảy là các khớp hoạt dịch và có các bao khớp mỏng được tăng cường bởi các dây chằng ức-sườn xung quanh.
Khớp giữa sụn sườn thứ hai và xương ức được chia thành hai khoang bởi một dây chằng nội khớp. Dây chằng này nối sụn sườn thứ hai với chỗ nối giữa cán xương ức và thân xương ức.
Các khớp gian sụn:
Các khớp gian sụn xuất hiện giữa các sụn sườn của các xương sườn kế cận (Hình 10), chủ yếu giữa các sụn sườn của các xương sườn từ VII đến V, nhưng cũng có thể liên quan đến các sụn sườn của các xương sườn V và VI.
Các khớp gian sụn cung cấp một sự bám gián tiếp vào xương ức và góp phần vào việc hình thành nên một bờ sườn dưới mịn. Chúng thường là các khớp hoạt dịch và có các bao sợi mỏng được tăng cường bởi các dây chằng gian sụn.
Khớp cán – thân xương ức và khớp mỏm mũi kiếm – thân xương ức:
Các khớp giữa cán và thân xương ức và giữa thân xương ức và mỏm mũi kiếm thường là khớp bán động (Hình 10). Chỉ có vận động tạo góc nhẹ xảy ra giữa cán và thân xương ức trong suốt quá trình hô hấp. Khớp giữa thân xương ức và mỏm mũi kiếm thường trở nên cốt hóa theo tuổi.
Một đặc điểm lâm sàng hữu ích của khớp giữa cán và thân xương ức là chúng có thể sờ được dễ dàng. Điều này là bởi vì cán xương ức bình thường gập góc ra phía sau so với thân xương ức, hình thành nên một vị trí nâng lên được gọi là góc ức. Vị trí nâng lên này đánh dấu vị trí khớp của xương sườn II với xương ức. Xương sườn I thì không sờ thấy, bởi vì nó nằm dưới xương đòn và bị vùi trong mô của nền cổ. Vì thế, xương sườn II được sử dụng như một mốc tham khảo cho việc đếm xương sườn và có thể cảm nhận được ngay lập tức ở bên ngoài góc ức.
Thêm vào đó, góc ức nằm trên một mặt phằng ngang đi qua đĩa gian đốt sống giữa xương đốt sống TIV và TV (xem Hình 11). Mặt phẳng này chia trung thất trên với trung thất dưới và đánh dấu bờ trên của màng ngoài tim. Mặt phẳng này cũng đi qua điểm cuối của động mạch chủ lên và điểm bắt đầu của cung động mạch chủ, điểm kết thúc của cung động mạch chủ và điểm bắt đầu của động mạch chủ ngực, và chỗ phân đôi của khí quản, và ngay trên thân động mạch phổi.
2. Khoang gian sườn
Khoang gian sườn nằm giữa các xương sườn lân cận và được lấp đầy bởi các cơ gian sườn (Hình 12).
Thần kinh gian sườn và các động mạch và tĩnh mạch liên quan nằm trong rãnh sườn dọc theo bờ dưới của xương sườn trên và đi trong mặt phẳng giữa hai lớp cơ trong.
Trong mỗi khoang, tĩnh mạch là cấu trúc trên cùng và vì thế cao nhất trong rãnh sườn. Động mạch phía dưới tĩnh mạch và thần kinh phía dưới động mạch và thường không được bảo vệ bởi rãnh. Vì thế thần kinh là cấu trúc có nguy cơ tổn thương khi có vật thể đâm thủng phía trên khoang gian sườn.
Các nhánh phụ nhỏ của các dây thần kinh và mạch máu gian sườn chính thường xuất hiện ở phía trên so với xương sườn dưới bên dưới.
Sâu dưới các khoang gian sườn và các xương sườn và chia tách những cấu trúc này khỏi màng phổi là một lớp mô liên kết lỏng lẻo gọi là mạc nội ngực, chứa một lượng mỡ rất thay đổi.
Nông hơn so với các khoang gian sườn này là mạc sâu, mạc nông và da. Các cơ liên quan với các chi trên và lưng sẽ che phủ lấy các khoang gian sườn.
a. Các cơ
Các cơ của thành ngực sẽ bao gồm các cơ giúp lấp đầy và nâng đỡ cho khoang gian sườn, các cơ đi giữa xương ức và các xương sườn và các cơ băng qua một vài xương sườn giữa các vị trí bám trên các xương sườn (Bảng 2).
Các cơ của thành ngực, cùng với các cơ giữa các xương đốt sống và các xương sườn ở phía sau (như cơ nâng sườn và cơ răng sau trên và cơ răng sau dưới) làm thay đổi vị trí của các xương sườn và xương ức, từ đó, cũng thay đổi luôn thể tích lồng ngực trong suốt quá trình thở. Chúng cũng giúp tăng cường cho lồng ngực.
Các cơ gian sườn:
Các cơ gian sườn là ba tấm cơ dẹt tìm thấy trong mỗi khoang gian sườn mà đi giữa hai xương sườn kế cận (Hình 13). Mỗi cơ trong nhóm này được đặt tên theo vị trí của chúng:
- Cơ gian sườn ngoài là cơ nông nhất
- Cơ gian sườn trong là cơ kẹp giữa cơ gian sườn ngoài và cơ gian sườn trong cùng
- Cơ gian sườn trong cùng là lớp sâu nhất trong ba cơ.
Các cơ gian sườn được chi phối bởi các dây thần kinh gian sườn liên quan. Cùng với nhau, các cơ gian sườn cung cấp sự hỗ trợ về mặt cấu trúc cho các khoang gian sườn trong suốt quá trình hít thở. Chúng cũng có thể giúp vận động các xương sườn.
Các cơ gian sườn ngoài:
11 cặp cơ gian sườn ngoài mở từ các bờ dưới (các bờ ngoài của các rãnh sườn) của các xương sườn phía trên đến các bờ trên của các xương sườn bên dưới. Khi thành ngực được nhìn từ bên, các sợi cơ đi chéo ra trước và xuống dưới (Hình 13). Các cơ mở ra quanh thành ngực từ các vùng của các củ sườn đến các sụn sườn, nơi mà mỗi lớp liên tục với một cân mô liên kết mỏng được gọi là màng gian sườn ngoài. Cơ gian sườn ngoài hoạt động nhất trong quá trình hít vào.
Các cơ gian sườn trong:
11 cặp cơ gian sườn trong đi giữa bờ ngoài thấp nhất của các rãnh sườn của các xương sườn phía trên, đến các bờ trên của các xương sườn bên dưới. Chúng mở từ các vùng cạnh ức, nơi mà các cơ đi giữa các sụn sườn kế cận, đến góc sườn ở phía sau (Hình 13). Lớp này tiếp tục đi vào trong về phía cột sống, trong mỗi khoang gian sườn, dưới dạng màng gian sườn trong. Các sợi cơ đi theo hướng ngược lại với cơ gian sườn ngoài. Khi thành ngực được nhìn từ bên sang, các sợi cơ đi chéo ra sau và xuống dưới. Các sơ gian sườn trong hoạt động nhất trong quá trình thở ra.
Các cơ gian sườn trong cùng:
Các cơ gian sườn trong cùng là cơ ít dễ nhận thấy nhất trong số các cơ gian sườn và các sợi cơ của chúng có cùng định hướng với các sợi cơ của các cơ gian sườn trong (Hình 13). Những cơ này rõ ràng nhất ở thành ngực ngoài. Chúng mở ra giữa các mặt trong của các xương sườn lân cận từ bờ trong của rãnh sườn đến mặt sâu của xương sườn bên dưới. Quan trọng, các bó thần kinh – mạch máu liên quan với các khoang gian sườn đi quanh thành ngực trong các rãnh sườn theo một mặt phẳng giữa các cơ gian sườn trong và các cơ gian sườn trong cùng.
Các cơ dưới sườn:
Các cơ dưới sườn nằm trong cùng mặt phẳng với cơ gian sườn trong cùng, trải ra trên nhiều xương sườn và xuất hiện nhiều hơn ở các vùng dưới của thành ngực sau (Hình 14A). Chúng mở ra từ các mặt trong của một xương sườn đến mặt trong của xương sườn thứ hai (tiếp theo) hoặc thứ ba bên dưới. Các sợi cơ của chúng đi song song với chặng đi của cơ gian sườn trong và mở từ góc các xương sườn để vào trong hơn đến trên các xương sườn bên dưới.
Các cơ ngang ngực:
Các cơ ngang ngực được tìm thấy ở trên mặt sâu của thành ngực trước (Hình 14B) và trong cùng mặt phẳng với các cơ gian sườn trong cùng.
Các cơ ngang ngực xuất phát từ phía sau của mỏm mũi kiếm, phần dưới của thân xương ức và các sụn sườn kế cận của các xương sườn thật bên dưới. Chúng đi lên trên và ra ngoài để bám tận vào các bờ dưới của các sụn sườn từ III đến VI. Chúng hầu như là sẽ kéo những thành phần bám tận này xuống dưới.
Các cơ ngang ngực nằm dưới các mạch máu ngực trong và giữ chặt những mạch máu này vào thành ngực.
b. Động mạch cấp máu
Các động mạch cấp máu cho thành ngực bao gồm chủ yếu các động mạch gian sườn trước và sau, những động mạch này đi quanh thành ngực giữa các xương sườn kế cận trong các khoang gian sườn (Hình 15). Những động mạch này bắt nguồn từ động mạch chủ và các động mạch ngực trong (xuất phát từ các động mạch dưới đòn ở nền cổ). Cùng với nhau, các động mạch gian sườn hình thành nên một hệ thống mạch máu hình giỏ quanh thành ngực.
Các động mạch gian sườn sau:
Các động mạch gian sườn sau bắt nguồn từ các mạch máu liên quan đến thành ngực sau. Hai động mạch gian sườn sau trên của mỗi bên bắt nguồn từ động mạch gian sườn trên cùng, là một nhánh của thân sườn – cổ ở cổ, đi xuống để vào trong lồng ngực. Thân sườn – cổ là một nhánh sau của động mạch dưới đòn (Hình 15).
9 cặp động mạch gian sườn sau còn lại xuất phát từ mặt sau của động mạch chủ ngực. Bởi vì động mạch chủ nằm phía bên trái cột sống nên những mạch máu gian sườn sau mà đi sang phía bên phải của thành ngực thì phải đi qua đường giữa, phía trước thân các đốt sống và vì thế dài hơn so với các mạch máu tương ứng phía bên trái.
Ngoài việc có nhiều nhánh cấp máu cho các thành phần khác nhau của thành ngực, các động mạch gian sườn sau cũng có các nhánh đi kèm theo các nhánh bì ngoài của các dây thần kinh gian sườn để đến các vùng nông.
Các động mạch gian sườn trước:
Các động mạch gian sườn trước bắt nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp như là các nhánh bên từ các động mạch ngực trong (Hình 15).
Mỗi động mạch ngực trong bắt nguồn như là một nhánh lớn của động mạch dưới đòn ở vùng cổ. Nó đi về phía trước qua trên vòm cổ của màng phổi và đi xuống theo chiều dọc qua lỗ ngực trên và dọc theo mặt sâu của thành ngực trước trong. Ở mỗi bên, động mạch ngực trong nằm ở phía sau sụn sườn của 6 xương sườn trên và khoảng 1 cm ngoài xương ức. Ở gần mức khoang gian sườn 6, nó chia thành hai nhánh tận:
- Động mạch thượng vị trên, liên tục xuống phía dưới vào thành bụng trước (Hình 15).
- Động mạch cơ hoành, đi dọc theo bờ sườn, đi qua cơ hoành và tận cùng ở gần khoang gian sườn cuối cùng.
Các động mạch gian sườn trước cấp máu cho 6 khoang gian sườn trên thì xuất phát như là các nhánh ngoài từ động mạch ngực trong, ngược lại những động mạch gian sườn trước cấp máu cho các khoang gian sườn dưới xuất phát từ động mạch cơ hoành.
Trong mỗi khoang gian sườn, các động mạch gian sườn trước thường có hai nhánh:
- Một đi bên dưới bờ của xương sườn trên.
- Nhánh còn lại đi phía trên bờ của xương sườn dưới và gặp một nhánh phụ của động mạch gian sườn sau.
Sự phân bố của các mạch máu gian sườn trước và sau có sự trùng lặp và có thể phát triển hệ thống thông nối với nhau. Các động mạch gian sườn trước thường nhỏ hơn các động mạch gian sườn sau.
Ngoài các động mạch gian sườn trước và một số các nhánh khác, các động mạch ngực trong cũng cho ra các nhánh đâm xuyên đi trực tiếp ra trước giữa các sụn sườn để cấp máu cho các cấu trúc bên ngoài thành ngực. Những mạch máu này đi cùng với các nhánh bì trước của các dây thần kinh gian sườn.
c. Thoát máu tĩnh mạch
Thoát máu tĩnh mạch từ thành ngực thường song song với các động mạch cấp máu (Hình 16).
Cốt lõi, các tĩnh mạch gian sườn cuối cùng sẽ thoát máu vào trong hệ thống các tĩnh mạch đơn hoặc vào trong các tĩnh mạch ngực trong, thành phần mà kết nối với các tĩnh mạch cánh tay – đầu ở cổ.
Thường thì các tĩnh mạch gian sườn sau trên ở phía bên trái sẽ hợp lại để hình thành nên tĩnh mạch gian sườn trên trái, sau đó đổ vào tĩnh mạch cánh tay – đầu trái.
Tương tự, các tĩnh mạch gian sườn sau trên ở phía bên phải có thể hợp lại và hình thành nên tĩnh mạch gian sườn trên phải, sau đó đổ vào tĩnh mạch đơn.
d. Thoát dịch bạch huyết
Các mạch bạch huyết của thành ngực thoát dịch chủ yếu vào các hạch bạch huyết liên quan đến các động mạch ngực trong (các hạch cạnh ức), liên quan đến các đầu sườn và các cổ sườn (các hạch gian sườn) và liên quan đến cơ hoành (các hạch cơ hoành) (Hình 17). Các hạch cơ hoành nằm ở phía sau mỏm mũi kiếm ở các vị trí mà các dây thần kinh hoành xuyên qua cơ hoành. Chúng cũng xuất hiện ở những vùng cơ hoành bám vào cột sống.
Các hạch cạnh ức thoát dịch vào các thân phế quản – trung thất. Các hạch gian sườn ở vùng ngực trên cũng thoát dịch vào các thân phế quản – trung thất, ngược lại các hạch gian sườn ở vùng ngực dưới thoát dịch vào ống ngực.
Các hạch liên quan đến cơ hoành sẽ kết nối với các hạch cạnh ức, hạch trước sống và hạch cạnh thực quản, các hạch cánh tay – đầu (phía trước các tĩnh mạch cánh tay – đầu trong trung thất trên) và các hạch động mạch chủ bên/các hạch thắt lưng (ở vùng bụng).
Các vùng nông của thành ngực thoát dịch bạch huyết chủ yếu vào các hạch nách ở vùng nách hoặc các hạch cạnh ức.
e. Chi phối thần kinh:
Các dây thần kinh gian sườn:
Chi phối thần kinh của thành ngực chủ yếu là bởi các dây thần kinh gian sườn, là nhánh trước của các dây thần kinh gai sống T1 đến T11 và nằm trong các khoang gian sườn giữa các xương sườn lân cận. Nhánh trước của dây thần kinh gai sống T12 (dây thần kinh dưới sườn) thì nằm phía dưới xương sườn XII (Hình 18).
Một dây thần kinh gian sườn điển hình sẽ đi ra phía ngoài quanh thành ngực trong một khoang gian sườn. Nhánh lớn nhất là nhánh bì ngoài, nhánh này sau đó đâm xuyên qua thành ngực ngoài và chia thành một nhánh trước và một nhánh sau, chi phối cho vùng da phủ tương ứng.
Các dây thần kinh gian sườn tận cùng bởi các nhánh bì trước, xuất hiện ở cạnh bên xương ức, giữa các sụn sườn lân cận hoặc ở bên cạnh đường giữa, trên thành bụng trước, để chi phối cho da.
Ngoài những nhánh lớn này, các nhánh phụ có thể tìm thấy trong khoang gian sườn khi chúng chạy dọc theo bờ trên của xương sườn dưới. Trong vùng ngực, các dây thần kinh gian sườn có vai trò:
- Chi phối vận động thân thể đối với các cơ của thành ngực (các cơ gian sườn, dưới sườn và ngang ngực).
- Chi phối cảm giác thân thể từ da và màng phổi thành.
- Mang các sợi giao cảm sau hạch đến ngoại vi.
Chi phối cảm giác cho da của thành ngực trên được thực hiện bởi các nhánh bì (các dây thần kinh trên đòn), chúng đi xuống từ đám rối cổ ở vùng cổ.
Ngoài chi phối ở thành ngực, các dây thần kinh gian sườn cũng chi phối những vùng khác nữa:
- Nhánh trước của T1 đóng góp vào đám rối cánh tay.
- Nhánh bì ngoài của dây thần kinh gian sườn thứ hai (dây thần kinh gian sườn – cánh tay) đóng góp vào sự chi phối cho da của mặt trong của phần trên cánh tay.
- Các dây thần kinh gian sườn dưới chi phối cho cơ, da và phúc mạc thành bụng.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !!!